Độc đáo lễ chào cờ ngày mồng một Tết

Thứ Bảy, 25/01/2020, 06:50
Nhiều năm qua, người dân khu dân cư Vũ La, phường Nam Đồng, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cứ vào mồng một Tết Nguyên đán lại tập trung tại nhà văn hoá để tổ chức lễ chào cờ đầu năm. Việc làm ý nghĩa này không chỉ là nét đẹp văn hoá mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của các bậc tiền nhân.


Theo những cán bộ lão thành của khu dân cư Vũ La thì nghi lễ toàn dân dự lễ chào cờ vào ngày mồng một Tết có từ sau ngày đất nước thống nhất. Nghi lễ này bắt nguồn từ quan niệm có xuân đất nước mới có xuân quê hương, xuân gia đình nên việc đầu tiên là phải mừng Đảng, mừng đất nước rồi mới đến vui xuân riêng của gia đình, họ hàng, làng xóm.

Cụ Phạm Nhất Bát (80 tuổi) cho biết: “Những năm đầu triển khai, người tham dự lễ chào cờ đầu năm chủ yếu là cán bộ, đảng viên trong thôn. Số lượng người tham gia cũng chỉ khoảng hơn 50 người nhưng đến nay con số đó đã tăng lên rất nhiều. Lý do là bởi chính những người dân thôn Vũ La cũng tự cảm nhận được nghi lễ đó mang ý nghĩa thiêng liêng và là một nét đẹp văn hóa riêng của làng quê mình”.
Người dân trang nghiêm dự lễ chào cờ đầu năm.

Từ sáng sớm tại khu nhà văn hóa khu dân cư Vũ La cờ hoa, băng rôn được trang trí rực rỡ. Nhiều người dân có mặt để cùng với ban tổ chức chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ chào cờ. Đúng 8 giờ sáng, lễ chào cờ đầu năm được diễn ra với các nội dung như: đại diện thôn đọc thư chúc Tết; thông báo cho dân làng biết những việc đã làm được của năm cũ và phương hướng phấn đấu trong năm mới. Toàn bộ nội dung của buổi lễ chào cờ sẽ được phát trên loa truyền thanh của thôn.

Bà Đoàn Thị Phượng, Trưởng khu dân cư Vũ La chia sẻ: “Để chuẩn bị cho buổi lễ chào cờ được diễn ra suôn sẻ và ấm cúng, ngay từ những ngày cuối năm ban tổ chức đã phải họp bàn nội dung và cử các tổ chức đoàn thể như Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên trang trí nhà văn hóa. Từ việc nhỏ nhất như cờ, hoa, loa đài... cũng được kiểm tra kỹ lưỡng”.

Mặc dù 8 giờ mới đến giờ thực hành nghi lễ chào cờ nhưng từ khoảng 7 giờ sáng mồng một Tết, nhiều người dân từ các ngõ xóm của khu dân cư Vũ La đã hào hứng diện những bộ quần áo đẹp nhất, lịch sự nhất ra đường, gọi nhau đến buổi chào cờ đầu xuân. Cảm giác gặp nhau đầu năm mới nó thiêng liêng và trìu mến biết nhường nào. Họ chào nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới an lành.

Buổi chào cờ đầu xuân cũng là dịp để nhiều người con xa quê có dịp hội ngộ những người trong làng ngoài xóm. Ông Bát chia sẻ: “Có những phụ nữ của Vũ La ra nước ngoài làm ăn, sinh sống rồi lấy chồng bên đó. Khi có cơ hội về quê vào dịp Tết cũng hân hoan dẫn chồng ra dự lễ chào cờ. Nhiều chàng rể ngoại tỏ ra rất vui và thích thú trước nghi lễ đặc biệt này”.

Bà Đoàn Thị Vi, là người con của làng hiện đang sinh sống tại Thụy Sĩ tâm sự: “Bản thân tôi xa nhà đã lâu, thỉnh thoảng mới được về quê nhưng hiếm lắm mới được về quê vào dịp Tết. Thế nên mỗi khi có dịp, tôi đều dẫn chồng ra nhà văn hoá để tham gia buổi lễ chào cờ đầu năm. Cũng là cơ hội để chào hỏi bà con hàng xóm”.

Có những vị lão thành cách mạng đã ở vào cái tuổi “gần đất xa trời”, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng vẫn cố gắng tham dự buổi lễ. Cụ Đoàn Thị Đào, 90 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Thanh (huyện Nam Sách và Thanh Hà hợp nhất) chia sẻ: “Tôi đã từng tham dự nhiều buổi lễ chào cờ trong cuộc đời công tác của mình nhưng buổi lễ chào cờ đầu năm của thôn Vũ La luôn đem đến cho tôi nhiều cảm xúc khó tả. Mỗi khi lời hát Quốc ca vang lên trong giờ khắc đầu năm mới tôi luôn dành để tưởng niệm những đồng đội của mình đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Giờ đây tôi già lắm rồi, không thể tự đi được thì tôi ngồi xe đẩy nhờ con cháu đưa ra nhà văn hóa. Tôi nguyện sẽ dự lễ chào cờ của thôn cho tới khi mình nhắm mắt xuôi tay”.

Không chỉ cụ Đào mà một số cụ khác cũng vẫn nhờ con cháu đẩy xe mỗi sáng đầu năm để kịp dự lễ chào cờ. “Nhiều cụ không thể tham dự được nhưng cứ đến giờ đó là sẽ nghe qua loa truyền thanh của thôn. Nhiều cụ còn hồi hộp ngồi đợi lãnh đạo của các ban, ngành trong thôn qua nhà mình chúc Tết”, bà Phượng chia sẻ.

Thông thường nếu thời tiết thuận lợi, buổi lễ chào cờ sẽ diễn ra ngoài sân. Còn có năm ngày mồng một Tết mưa thì thôn tổ chức ở trong nhà văn hóa. Dù thời tiết có thuận lợi hay không nhưng năm nào dân làng cũng đến dự đông đủ. Lễ chào cờ kết thúc cũng là lúc các gia đình về nhà đi chúc Tết họ hàng, người thân.

Sau buổi lễ, đại diện thôn sẽ đến các khu tâm linh của làng để thắp hương, đồng thời đi chúc Tết đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, một số gia đình chính sách, các vị lão thành Cách mạng, đảng viên cao tuổi và trường hợp khó khăn của địa phương.

Nghi lễ chào cờ ngày mồng một Tết không chỉ thiêng liêng đối với những người cao tuổi, những cán bộ lão thành của khu dân cư Vũ La mà nhiều người trẻ nơi đây cũng thấy tự hào, thấy yêu quê hương, làng xóm của mình hơn.

Anh Mạc Văn Long, 25 tuổi, tâm sự rằng: “Từ khi còn rất nhỏ mình đã theo ông bà, bố mẹ ra nhà văn hóa của thôn để dự lễ chào cờ đầu năm. Cảm giác được mặc bộ quần áo đẹp nhất đi dự lễ thực sự vui lắm. Lúc mọi người gặp nhau người lớn thì chúc tụng nhau sức khỏe, mọi sự bình an còn trẻ con thì sẽ được mừng tuổi. Ai cũng rạng rỡ, hân hoan”.

Nét đẹp văn hóa này của khu dân cư Vũ La giờ đã lan sang một số khu dân cư khác. Được biết, một vài năm trở lại đây khu dân cư Đồng Ngọ - phường Nam Đồng và thôn Chùa Thượng, xã An Châu cũng đã triển khai hoạt động ý nghĩa này.

Phong Anh
.
.
.