Tiếng cồng mùa xuân bên dòng sông Mẹ

Thứ Bảy, 25/01/2020, 10:54
Ngày xuân ngồi bên bậu cửa nhà sàn, rượu uống tràn môi, nghe âm vang tiếng cồng thẳm sâu vào vách rừng, dội về dòng sông rồi vút tận mây xanh. Ðó là khi con người buông bỏ tất thảy âu lo, buồn tủi, tâm hồn nhẹ tênh hưởng thụ bổng lộc của đất trời.


Chén rượu nồng bên bếp lửa hồng

Chúng tôi trở về thăm lại các buôn làng bên dòng sông Mẹ (sông Krông Ana, huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk) một ngày giữa đông, khi cái lạnh đã vào tận bếp lửa nhà sàn. Ở đây, gió là thứ “đặc sản” khiến con người khó quên nhất. Gió như được tích luỹ từ đỉnh Chư Yang Sin (ngọn núi trải dài từ huyện Krông Bông sang huyện Lắk) rủ nhau thốc xuống hồ Lắk rồi phả khắp các buôn làng, tạo ra tiếng hú, tiếng gầm, khi thì réo rắt ken két bờ môi, khi lại thùng thục bên tai.

Bà HVân Knul đón chúng tôi bằng nụ cười được mùa khoai sắn, niềm vui hiện rõ trên từng nếp nhăn của người đàn bà chuẩn bị bước sang mùa xuân thứ 60. Trong căn nhà dài truyền thống hướng mặt ra rặng tre già nua mọc ven hồ Lắk, bà HVân cặm cụi vun vén từng liếp than hồng rực chuẩn bị thết đãi khách quý bữa tối đậm chất men rừng.    

Bà bảo rằng, đồng bào người MNông rất coi trọng cái bếp. Vì thế, những ngày Tết phải giữ bếp lửa luôn nồng ấm, tuyệt đối không để lửa tắt, cũng không cho người khác xin lửa. Các món ăn cổ truyền MNông hầu hết đều nấu nướng trực tiếp trên lửa than hồng.

Biết có khách tới thăm, từ vài ngày trước ông YXiên, chồng bà HVân đã lặn lội lên rừng hái đặc sản. Món đầu tiên ông bà đãi chúng tôi là canh khổ qua rừng nấu với tôm hồ Lắk. Đây là món ăn vừa bổ dưỡng lại chữa được nhiều loại bệnh.

Nhưng ý nghĩa của món ăn hôm nay bà HVân mời chúng tôi ăn không hẳn là ẩm thực, mà như một loại bùa hộ mệnh của thần rừng. Theo bà, ăn khổ qua vào những ngày Tết sẽ làm cho mọi khổ đau của một năm biến mất. Nuốt ngụm khổ qua vào bụng là nuốt hết những đắng cay để một năm mới bắt đầu sẽ chỉ có vị ngọt mà thôi.    

Vị ngọt ấy được chắt lọc qua món “biăp pu” (canh thụt). Đây là món ăn hội tụ tinh hoa núi rừng. Nguyên liệu chính để nấu canh gồm có lá bép, cà đắng, bột gạo, vỏ chuối khô, thịt lợn, cá suối... Món ăn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu và người làm ra nó phải có “nghề” mới ra đúng vị.

Theo đó, lá bép phải là loại lá già, còn tươi bỏ vào cối giã. Gạo đem ngâm nước lã một đêm trước giã chung với lá nhao (lá bép khô cất trên gác bếp). Tất cả mọi thứ được giã nát thành bột, sau đó khuấy với nước ấm, đủ độ chín mới nêm gia vị, thịt, cá vào nồi.

Đặc biệt món canh này không dùng muối mà phải lấy vỏ chuối khô hay rễ tranh đốt cháy thành tro, giã nhỏ và lọc nước từ trước đó cả tháng cho vào canh tạo độ mặn. Ăn một chén canh “biăp pu” của bà HVân làm, chúng tôi cảm nhận được trọn vẹn cái tình của người MNông đối với khách.

Vị canh mang đầy đủ cung bậc cảm xúc “chua, ngọt, đắng, cay”, nó chẳng khác nào “vị” của cuộc sống thường nhật, gói gọn vào đó cái tình mênh mang, hoai hoải của một con người cả đời dựa lưng vào rừng, úp mặt vào sông.

Mâm cơm mùa đông rét mướt những ngày cận Tết không thể thiếu ché rượu cần ấp ủ men nồng của hương rừng. Hôm nay vui lắm, ông YXiên đã ngà say, miệng hát, tay múa không biết mệt. Bà HVân cũng uống rất nhiều nhưng càng uống thì bà càng tỉnh, mặt hồng lên, miệng chúm chím nói toàn chuyện hay.

Men rượu đã làm cho bà được trở về với thời ngây dại của tuổi trẻ, mùa xuân xúng xính váy lụa xuống phố “tán trai”. Bà bần thần hồi nhớ về những mùa Tết xưa, thanh xuân của người con gái MNông đẹp chất phác, mộc mạc như một đóa hoa Plang nhưng cũng mạnh mẽ và rực lửa. Chính bà đã làm tan chảy biết bao trái tim đàn ông trong hội xuân chỉ vì màn múa độc diễn quá đỉnh.

Nhưng rồi con gái đến thì của nó, 16 tuổi, bà HVân đã chọn được ý chung nhân và chính thức trở thành “chim lồng, cá chậu”. Những mùa xuân nối tiếp mùa xuân, bà HVân bận bịu với chuyện bếp núc và tiếp khách. Bà an phận nép vào sau lưng chồng, tỉ tê, vò võ như một con tằm. Vò rượu cần liên tục được châm thêm nước, cái lạnh đêm mùa đông bị đánh tan bởi sức nóng của hơi men.

Con người xích lại gần nhau, mọi ranh giới đều bị xóa nhòa. Chủ nhà nhìn lên gác bếp, chỉ còn một cái chiêng nằm ám khói lẻ loi, âm thanh của nó đơn lẻ, không thể quần hùng như dàn trống trận được khiến bà HVân xao xác cõi lòng. Bà vỗ vai, tha thiết muốn chúng tôi đi về buôn cổ MLiêng (xã Đắc Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để được nghe tiếng cồng mùa xuân trọn vẹn nhất.       

Tiếng cồng buôn cổ

MLiêng là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Ngày xuân, về với buôn MLiêng bên bờ hồ Lắk, cảnh vật giàu sức sống trước thiên nhiên và tiếng cồng chiêng như làm ấm lại những mảng màu đã mất.

Ông YVế Liêng (52 tuổi) là một trong những người con ưu tú của buôn làng và cũng là người đang lưu giữ lại cái hồn cốt của cồng chiêng bên dòng sông Mẹ huyền thoại này.

Thanh âm trầm bổng của tiếng cồng chiêng đã khiến ông Y Vế đắm đuối và đam mê vô tận. Cũng như bao chàng trai khác của buôn, ông YVế biết đánh chiêng từ nhỏ. Sau này, ông trở thành người đánh chiêng lão luyện của buôn MLiêng, thường xuyên được mang cồng chiêng đi “đánh xứ người”.

Trong căn nhà của mình, có lẽ thứ quý nhất chính là bộ cồng chiêng úa màu thời gian mà ông YVế trân quý không đánh đổi dù bất cứ giá nào. Ông chẳng thể nhớ “báu vật” của mình trải qua bao nhiêu mùa Tết và mùa lễ hội. Ông chỉ biết nó đã có từ đời bà cố ngoại, cái thời hoàng kim của buôn MLiêng.

Bộ cồng chiêng nhà ông YVế đang được kỳ cọ, lau chùi sáng bóng để bắt đầu đón Tết. Theo tập tục thì đồng bào MNông đón Tết truyền thống của mình trước Tết Nguyên đán một tháng nên ngay từ đầu tháng Chạp, ngày nào cũng là ngày Tết, mọi công việc đồng áng đã được gác lại.

Từ bao đời nay, tiếng cồng chiêng bên dòng sông Mẹ lúc nào cũng đựợc ngân lên, khi trầm khi bổng. Nghe tiếng chiêng, những con người như ông YVế lại bồi hồi khắc khoải, tiếc nuối cho những giá trị văn hóa của buôn làng đang mất dần bản sắc. Ông YVế cho biết, thanh niên trong buôn bây giờ chạy theo trào lưu bên ngoài cả, rất ít người mặn mà với văn hóa truyền thống và hình như là không hiểu được tiếng cồng chiêng nữa. 

Ngồi bên bậu cửa nhà sàn, hớp một ngụm nước chè, nghe tiếng gió đại ngàn thốc về từ vách núi phía sau, ông YVế nhìn ra mặt hồ phẳng lặng nhớ về thời đò ngang muôn trùng khốn khổ. Ngày trước muốn vào buôn MLiêng phải chờ đợi những con đò bé nhỏ, dập dìu, chòng chành lướt sóng trên hồ Lắk. Ngôi nhà của ông bây giờ nằm tách biệt giữa núi, sông và hồ. Ngày đó hoang sơ, con người gọi nhau bằng tiếng chiêng, hiểu nhau qua tiếng cồng.

Ông YVế tự hào cho rằng, thần linh đã ban tặng cho buôn cổ MLiêng vị thế hài hòa giữa thần sông và thần núi. Hồ Lắk chứa đựng trong lòng nó cả một huyền thoại mà hàng trăm năm qua vẫn luôn trầm mặc, kỳ bí.

Người ta nói, hồ sâu không đáy nhập vào dòng sông Mẹ Krông Ana rồi thông qua tận Biển Hồ (Gia Lai). Tiếng cồng chiêng nơi đây luôn phát ra một thứ âm thanh đặc trưng mà khác biệt. Mùa xuân vì thế mà trở nên thi vị hơn.

Ngọc Hoa
.
.
.