Tại sao lại vậy (?)

Thứ Ba, 24/03/2015, 14:00
Ngô có anh bạn làm thi sĩ, rất có tiếng tăm. Anh bạn Ngô đang giữ một chức vụ trong một cơ quan báo chí, chức vụ đủ được cấp cho bàn ngồi làm việc, ghế để tiếp khách và phòng để ngủ trưa.
Thi sĩ bạn Ngô bảo, "Ngô có thấy tán cây trước cơ quan mình không? Vì tán cây ấy, mà chẳng bao giờ mình có ý định chuyển cơ quan dẫu có nhiều lời mời". Trong khuôn viên của cơ quan thi sĩ bạn Ngô có cây me đại thụ, xanh mướt vô cùng. Thi sĩ bạn Ngô hay ví von, "Tán xanh cứu rỗi".

Cơ quan Ngô cũng có nhiều cây xanh trong khuôn viên, cây mận, cây sakê, cây hoa sữa, cây khế, cây ngọc lan… Ngày trước, còn có cả một bụi tre rậm um tùm, nơi mỗi mùa mưa về vẫn có cặp chích chòe than về làm ổ như nhớ lời hẹn cũ. Thi thoảng, lại được nghe cu gù, thú vị vô cùng. Từ ngày bên Văn phòng Công an TP. Hồ Chí Minh sát cạnh cơ quan Ngô xây trụ sở mới, bụi tre bị phá đi để khỏi ảnh hưởng đến công trình.

Hôm đi công tác về, vào cơ quan không thấy bụi tre đầu hồi nữa, Ngô hốt hoảng như mất một người bạn. Ngơ ngác cả mấy tuần liền. Mùa mưa năm rồi, Ngô không thấy cặp chích chòe than về lại.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ở thành phố mà Ngô sống, luôn thiếu cây xanh. Ban đầu khi Ngô ở quê lên nơi này, Ngô luôn cảm thấy ngột ngạt. Vì Ngô không thể hình dung tại sao một thành phố to vậy, năng động vậy, đèn sáng thâu đêm vậy, người đi chật đường vậy… lại có thể nắng chang chang vậy.

Nắng gay gắt khiến mọi thứ trở nên trơ trọi, đơn côi, lạc lõng và lắm khi nhìn thật tội nghiệp. Nên Ngô thích nhất là con đường Mạc Đĩnh Chi, con đường có nhiều cây cổ thụ trong lòng thành phố. Ngoại trừ con đường ấy ra, với Ngô, con đường nào cũng như con đường nào.

Mấy lâu, thành phố vì xây dựng tuyến xe điện ngầm đầu tiên của Tổ quốc, rất nhiều cây cổ thụ nơi trục đường trung tâm đã bị đốn bỏ. Có sự phát triển nào không để lại nhiều ký ức, có sự phát triển nào không phải hy sinh. Vì cái chung, đành chịu.

Cái hình ảnh, đầu đội một trời nắng trong thi ca, âm nhạc nghe thì có vẻ hay hay đấy, nghe thì có vẻ giàu tính lãng mạn đấy. Nhưng đội ngày một ngày hai còn cố được, chứ ngày nào cũng đội thì gay lắm.

Người ta thì mong cây xanh, còn mình thì có thừa cây xanh đâu mà đốn bỏ.

Ngày trước, ở quê Ngô có những rừng cao su xanh ươm. Đất có giá, mà có khi đất cũng đang bị khai thác quá nhiều, nên những rừng cao su bị đốn trụi để những khu công nghiệp được hình thành. Ngang qua những khu công nghiệp ấy, lúc nào trong Ngô cũng dâng lên cảm giác xót xa.

Có lẽ, Ngô cũng già rồi. Nên cái ký ức nằm dưới tán cây, nhìn nắng lâm râm trên tay, trên quần áo luôn khiến Ngô dễ chịu. Mấy lâu công việc nhiều áp lực, Ngô thường có giấc mơ được ngủ dưới tán cây xưa.

Ngô đọc báo, thấy UBND thành phố Hà Nội quyết định chặt bỏ và thay thế 6.700 cây xanh. Ngô thật sự hoang mang, Ngô không biết ngoài lý do đảm bảo an toàn, cần phải thay thế cây đã già thì còn có lý do gì khác không? Chứ Ngô không thể nào hình dung được rằng, một lúc lại có đến 6.700 cây xanh cần phải bị đốn bỏ.

Hà Nội, nói các quan nhân lẫn văn nghệ sĩ và nhân dân Thủ đô bỏ quá cho, luôn có quá nhiều bụi bẩn và thứ nắng gai gai người. Đường phố thì xộc xệch, người tham gia lưu thông thì điều khiển xe theo lối "điền vào chỗ trống".

Điều cứu rỗi duy nhất ở trên các tuyến phố Thủ đô là những hàng cây cổ thụ xanh um.

Vậy mà bây giờ, người ta lại kiên quyết đốn bỏ  đến 6.700 cây.

Tại sao lại vậy?

Ngô
.
.
.