Thư gửi chiều thứ Năm:

Tâm sự với… "thần đồng"

Thứ Ba, 16/04/2013, 15:57

Chú muốn viết lá thư này gửi cháu - Đỗ Nhật Nam yêu quí - người đang được một bộ phận báo giới Việt Nam tôn vinh là "thần đồng". Mới  11 tuổi mà cháu đã nói tiếng Anh như gió, đã có thể làm MC truyền hình, và đã viết hẳn một cuốn sách - đấy thực sự là điều khiến chú kinh ngạc.

Sự kinh ngạc càng tăng cao khi chú xem cháu trả lời phỏng vấn, và thấy cháu nói về ẩm thực hệt như một nhà ẩm thực học, nói về ngôn ngữ như một nhà ngôn ngữ học, và nói về bất luận cái gì, cháu đều nói một cách bài bản, lớp lang, giàu tri thức. Chính vì thế, biệt hiệu "thần đồng" mà người ta đang gán vào cháu là dễ hiểu.

Làm một "thần đồng" tuổi 11, chứ không phải một đứa bé thơ ngây tuổi 11 có sướng không Nam? Hôm qua, chú có nghe một ông tiến sĩ tâm lý phân tích kỹ về trường hợp của cháu, và ông ta bảo tại sao cứ bắt tuổi 11 phải ngây thơ, hồn nhiên chứ? Điều quan trọng là hiện tại, cháu thấy vui là được. Chú đồng ý là tuổi thơ của mỗi người mỗi khác, và cũng đồng ý là "hiện tại, cháu thấy vui là được", nhưng ở đời có rất nhiều trường hợp mà niềm vui trong hiện tại lại gieo mầm bi kịch cho tương lai.

Từ lâu rồi, chú đã nghĩ sự NGÂY DẠI, HỒN NHIÊN là một đặc ân mà Thượng đế ban tặng cho tuổi thơ của chúng ta. Không hưởng trọn hoặc không được quyền hưởng trọn đặc ân ấy là một mất mát không dễ gì bù đắp được. Chú đã từng nhìn thấy những đứa trẻ mang hình hài của những "ông cụ non", và chú thấy những đứa trẻ ấy sau này lớn lên, trưởng thành đều tiếc nuối ghê gớm một tuổi thơ khác người của mình. Kết quả là họ khao khát được trẻ lại, để được ngây thơ, hồn nhiên trở lại. Nhưng lúc đó, họ lại rơi vào một bi kịch lớn về tâm lý cháu ạ, vì Thượng đế đâu cho phép chúng ta được sống lại bất luận một thời kỳ nào trong cả chuỗi vận động của cuộc đời mình.

Mà Nam ơi, với trình độ và phong cách "ông cụ" hiện thời, chắc chắn là Nam chỉ có thể tìm được sự hoà hợp khi giao tiếp với những người đáng tuổi ông, bà, cha, chú mình, chứ tuyệt đối không phải những đứa bé tuổi 11 giống mình đúng không? Chú từng đọc ở đâu đó một điều rằng: Khi người ta không thể tìm được sự hoà hợp với bạn bè mình, thế hệ mình, thời đại mình thì đến một lúc nào đó, người ta sẽ rơi vào trạng thái cô đơn phát cuồng.

Nam à, rốt cuộc thì chú vẫn không hiểu là điều gì đã tạo nên phẩm chất một "thần đồng" ở cháu: Một kết cấu bộ não đặc biệt? Một phương pháp giáo dục đặc biệt? Hay một thủ đoạn diễn xuất, tuyên truyền đặc biệt? Nhưng thật lòng, nếu chú có một đứa con, và nếu vì một trong những lý do trên mà con chú cũng trở thành một "thần đồng" giống cháu thì chú sẽ tiết chế cái phẩm chất "thần đồng" ấy đến mức tối đa, chứ không quảng bá, tung hô nó, mà thực chất là đưa nó vào một cái "máy chém" tuổi thơ như cách mà người ta đang làm với cháu bây giờ.

Hay là chú suy nghĩ tiêu cực Nam nhỉ? Ừ, mong là chú đã nghĩ sai, nghĩ tiêu cực khi viết bức thư này. 

Luôn khỏe, luôn ngoan, và mau ăn chóng lớn nhé, Đỗ Nhật Nam thân yêu!

Phan Đăng
Ngày thần, tháng đồng, năm trống rỗng

.
.
.