Không có gì mà ầm ĩ cả

Tâm thư

Thứ Ba, 30/12/2014, 16:14
Xã hội mở cửa. Những làn gió tươi mới làm thay đổi nhận thức từng ngày. Thói quen bẽn lẽn đã được thay bằng thói quen phô bày mọi sự thật dù trần trụi lên các loại báo hình, báo mạng và báo… mồm. Trong khi cộng đồng ra sức cải thiện tình hình sao cho tốt hơn thì những người sốt ruột chuyên nghiệp không chịu ngồi yên. Họ luôn vật vã vì đang sống trong cộng đồng không xứng với mình. Thế là họ tìm mọi cách "bắn" mọi mục tiêu trong tầm ngắm. Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ cả nếu như không đánh đùng một phát, nổ ra phong trào viết tâm thư...

Viết thư thì ai cũng làm được cho dù là viết  bằng mực Queen hay viết bằng email nhưng khó gây chú ý. Thư ngỏ cho dù viết bằng máu cũng khó mà so bằng tâm thư. Tâm thư là thư viết từ trái tim, nhưng có thể viết bằng đánh máy cho dễ đọc. Tiện hơn còn có thể bấm phím điện thoại. Mỗi một tâm thư đều làm chao đảo cộng đồng vốn rất dễ bị chao đảo.

Thời xưa thì mỗi cao nhân có khi cả đời chỉ viết một tâm thư, gói tất cả nhiệt huyết cuộc đời dành cho nước non trong đó. Nay thì khác hẳn. Nhà nhà, người người viết tâm thư. Chuyện quốc gia đại sự cũng tâm thư và chuyện cãi vã vặt vãnh cũng tâm thư.

Bây giờ tâm thư không hiếm trên các trang: Tâm thư "gái có chồng" gây sốt cộng đồng mạng; tâm thư của một phụ nữ lấy chồng để chạy trốn tuổi 27; Hoa hậu viết tâm thư “đáp trả” lời khuyên của MC; Học sinh lớp 12 gửi tâm thư cho Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo; thư ngỏ của “một giáo viên vô danh” gửi Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo; tâm thư của một người Nhật (Hiện chưa tìm thấy anh này là anh nào) gửi người Việt có tên: "Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan"; tâm thư con gái gửi người tình của bố; “Mẹ” Kenny viết tâm thư “đá xéo” dư luận; tâm thư của ông hoàng nhạc pop gửi nhạc sĩ…

Minh họa: Tả Từ

Có chồng viết tâm thư; bị chê nhan sắc, trí tuệ, viết tâm thư; rắc rối gia đình, viết tâm thư; bị dư luận ì xèo, viết tâm thư; bất mãn với cộng đồng, viết tâm thư, bị khán giả chê, viết tâm thư.

Ai cũng có thể viết tâm thư và điều vô cùng đáng ngại là ai cũng có thể đăng trên mạng. Các trang tin chỉ chờ có thế, đăng lại, lan tỏa với tốc độ ánh sáng.

Có những tâm thư sau vài ngày chìm vào quên lãng. Nhưng lại có tâm thư bị hàng loạt tâm thư khác vạch rõ sự ngụy tạo. Những bức thư bị lật tẩy nhiều nhất là những bức thư ký tên một người ngoại quốc nào đó. Nếu không là tây thì cũng là Nhật. Những bức thư này nhằm vào căn bệnh sính ngoại kinh niên của xứ ta. Thực tế, cả chính danh và nặc danh người ta cũng đăng trên mạng rồi cùng nhau thổn thức. Người viết thư thẳng từ tim sẽ không phải tốn công viết cả trăm dòng rồi phải ẩn núp sau bút danh ngoại quốc hay nặc danh hoàn toàn. Ý nghĩa của những bức thư tâm huyết đã được thay bằng chữ nhảm. Tâm thư thậm chí đã nồng mùi sát khí như chiến thư. Mỗi bức tâm thư vừa có vai trò như một thứ thòng lọng với bên này và là cái phao cứu sinh với bên kia. Té ra người viết tâm thư không chỉ cần có huyết mà còn phải rất dũng cảm không kém phần nguy hiểm.

Khi nhiều tâm thư quá cũng là lúc cần phân loại rõ đâu là tâm thư, đâu là sáng tác. Chủ đề này rơi vào địa hạt văn chương chưa biết chừng?

Hãy cho tôi đọc tâm thư của bạn, tôi sẽ biết bạn là người thế nào?

À quên. Bạn đã thực sự ghét ai chưa nhỉ?

Lê Tâm
.
.
.