Tâm thức của một gia tộc

Thứ Hai, 14/10/2013, 12:41

Có lẽ trong các tộc họ ở Việt Nam, họ Nghiêm là một trong những dòng tộc có nhiều người thành đạt nhất. Kể từ thời nhà Lý đến nay đã có nhiều tiến sĩ, quan đại thần, tướng lĩnh hoặc các nhà khoa học. Mãi đến bây giờ dòng họ này xem việc học hành đỗ đạt, làm nên sự nghiệp vẻ vang là một tiêu chí để giáo dục con cái. Tuy nhiên không phải người nào mang họ Nghiêm cũng đều thành đạt, có người bị thất bại trong đời thường, nhưng dồn tâm lực vực con cháu tiếp tục đi lên để không hổ danh dòng tộc. Trường hợp ông Nghiêm Truật ở Tây Nguyên là một điển hình.

Tôi quen ông Truật tình cờ từ một quán cà phê vườn ở phố núi Blao. Ông ta vào khoảng 60 tuổi, vóc người nhỏ thó khẳng khiu, bước đi xiêu vẹo, nhưng bù lại ông có một trí nhớ và sở hữu một đôi mắt tinh tường, dường như ý chí con người này dồn cả vào thị lực của mình. Trong vài lần tiếp chuyện, tôi phát hiện mỗi lúc muốn nói điều gì ông đều mấp máy môi, có lẽ bẩm sinh hay do tính người cẩn thận. Ông Truật ít nói nhưng cách dùng từ chính xác và lôgic như một nhà toán học. Điều tôi trân trọng là kỹ năng nghe của ông thật tuyệt vời, ông luôn chú ý cả chiều dài câu chuyện, chưa bao giờ thấy ông phản ứng khi gặp quan điểm trái chiều, cũng không tỏ ra thái độ để làm cho người đối thoại thất vọng.

Tại quán cà phê heo hút này, nếu ai chú ý sẽ nhận ra nhiều âm sắc vùng miền. Tây Nguyên là dải đất Bazan màu mỡ một thời ngủ quên. Vì vậy, sau ngày đất nước hòa bình, nhiều gia đình từ các nơi khác đến đây lập nghiệp dần dần lập ra các hội đồng hương để tương trợ, gặp nhau nhớ về quê cũ. Nhưng đối với ông Truật hình như không mặn mòi về tổ chức này. Những lúc rảnh rỗi ông dành thời gian tâm sự với con cái hoặc ngồi một mình ở quán cà phê yên tĩnh. Ông sống nội tâm, nói chuyện nhẹ nhàng và chịu trách nhiệm lời nói của mình..

Có thể đây là con người mà thời xa vắng đã gánh chịu nhiều điều bất hạnh, nên tôi chủ động tìm đến nhà sau khi hẹn ông qua điện thoại. Đứng trước ngôi nhà sang trọng, tôi vẫn không nghĩ là nhà riêng của ông Nghiêm Truật. Đó là một biệt thự vườn tĩnh lặng rợp bóng cây xanh, trước nhà có một chiếc xe con nép mình dưới mái vòm cong theo tàn cây sung quả tím. Ông chủ họ Nghiêm ra tận cổng đón tôi  một cách thân thiện như hai người lính đã từng sống chết bên nhau trong đời binh nghiệp. Tôi không biết nhà ông nhiều người đến hay không, nhưng có 2 phòng khách, một phòng dành cho người nhà, một phòng rất sang trọng dành cho VIP.

Trên tường màu cam ở phòng VIP, có khá nhiều hình ảnh các con ông đang mặc áo thụng trong các buổi lễ tốt nghiệp đại học, xung quanh là các tấm huy chương quốc gia, quốc tế được lồng kính cẩn thận. Nhìn các hình ảnh này, tôi bỗng nhớ đến câu nói của nhà xã hội học Sofocies “Trong một gia đình, không có gì làm con cái vui bằng danh dự của người cha, và cũng không có gì làm người cha vui hơn từ thành quả của con cái”.

Ông Truật pha ấm trà Thái Nguyên bằng đôi tay điệu nghệ lặng lẽ, chứng tỏ ông là mẫu người uống trà bằng tâm thức. Được hỏi về sự thành đạt của gia đình và con cái, ông mấp máy môi vài lần, chia sẻ với tôi bằng âm sắc buồn buồn “Quê gốc tôi ở ven bờ sông Lam huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên không được may mắn như những người khác. Năm 1967, cả nhà tôi bị một quả bom B52 san bằng, nhưng trong bất hạnh vẫn còn người sống sót. Lúc ấy, các anh lớn của tôi đang ở chiến trường, tôi và đứa em gái ở ngoài ruộng. Khi nghe tin dữ 2 anh em tôi chạy bộ về, căn nhà tổ ấm của gia đình tôi chỉ còn là hố bom sâu hoắm, xác bố mẹ không còn được hình hài. Hai anh em tôi mang mẹt đi nhặt những mẫu thịt xương của cha mẹ trong tiếng kêu khóc xé lòng…”.

Ông Truật cúi gầm xuống như muốn che giấu sự bất hạnh khốn cùng của một đời người. “Vài ngày sau hai anh em tôi bỏ quê dắt díu nhau ra Hà Nội tìm người anh ruột để nương tựa, kiếm ăn. Tuy anh mình là cán bộ quân đội ở Thủ đô, nhưng thời tem phiếu lại nuôi cả cha mẹ già bên vợ cộng với hai miệng ăn của anh em tôi, cuộc sống càng thêm khốn khó. Lúc ấy chúng tôi đang vào độ tuổi lớn thấy cái gì ăn được cũng thèm, mỗi khi ra đường nhìn những củ khoai bày bán mà nước dãi trào ra. Có lần, tôi tận mắt thấy anh tôi ra chợ bán từng bộ quần áo đại cán, tôi biết hoàn cảnh đã trở thành gánh nặng cho anh.

Trong thời gian đói quay quắt ấy, em gái tôi tình nguyện đi làm người giúp việc, còn tôi xin đi bộ đội không phải vì tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà chỉ mong có được cơm ăn. Năm 1977 tôi ra quân về học lại phổ thông rồi chuyển sang nghề sắp chữ in ấn, nhưng ra trường lại không theo nghề, cuối cùng không có một nghề gì căn bản, làm cái gì cũng truật như cái tên của tôi. Năm 1980 tôi vào Lâm Đồng làm việc cho công ty chè kiếm sống. Cũng nhờ khả năng đọc, viết và đánh máy giỏi nên được tiếp cận nhiều thông tin về cây chè Blao và  cà phê ở Đức Trọng do người Pháp để lại.

Vào thời bao cấp, làm việc ở cơ quan lương ba cọc ba đồng, nên tôi xin nghỉ việc về trồng rau muống kiếm ăn và tận dụng mọi thời gian đêm ngày cuốc hố trồng cà phê mít theo quy trình rút ngắn thời gian thu hoạch theo tài liệu của người Pháp. Vào năm 1985 giá một ký cà phê ở Blao tương đương 30 ký gạo, năm đầu tiên với 2 sào đất tôi thu được 75 ký cà phê năm thứ 2 được 400 ký gia đình tôi bắt đầu chấm dứt nạn đói và có chút ít dư dã.

Trải qua thời xóa đói giảm nghèo từ 2 sào cà phê, tôi nhận ra nghề làm vườn nếu diện tích như thế không thể đầu tư việc học hành cho con cái sau này, nên vợ chồng quyết định bán hết chuyển sang nghề đánh máy, sắp chữ in ấn như mình đã học trước đây. Tuy nhiên xu thế xã hội thời bấy giờ không giống như những năm 1977-1980 vì thị trường đã chuyển sang vi tính hóa.

Ngày ấy ở Blao việc ứng dụng tin học vào công nghệ in gần như không tưởng, tôi vừa làm vừa học thâu đêm suốt sáng trên màn hình vi tính đến nỗi người bơ phờ, teo tóp chỉ còn bộ xương di động. Nhưng cũng nhờ xử dụng phần mềm thành thạo, tôi mới khám phá ra nền văn minh thế giới và cũng nếm được sự sát phạt dữ dội đến mức vô tính của con người từ nghề in ấn này. Đã có lần vợ chồng tính buông xuôi, nhưng nhìn các con, chúng nó đang tuổi lớn sẽ tồn tại như thế nào. Cuộc đời tôi, tôi hiểu thế nào là sự đùm bọc bảo vệ của cha mẹ từ thuở ấu thơ, tôi không muốn nhìn thấy các con tôi sống vất vưởng nước dãi chảy ra khi nhìn thấy củ khoai teo tóp đầu hè, tôi hình tượng tiếng kêu khóc xé lòng của các con tôi khi cha mẹ không còn…

Gia tộc họ Nghiêm đã có truyền thống hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên mỗi lần mở gia phả tôi không đủ can đảm nhìn vào danh sách các quan đại thần của dòng họ đã góp phần làm nên trang sử Đại Việt. Bản thân tôi đã không ra gì, đã từng bị xã hội và dòng tộc xa lánh dần dần trở thành “Anh hùng Núp” lúc nào không biết”.

Ông Truật ngã người trên chiếc ghế bành co rúm lại, đưa mắt nhìn lên ánh đèn chùm rực rỡ một cách vô hồn. Hình như sự va đập của thương trường, của sự đố kỵ cộng với cô đơn đói rách ghẻ lạnh một thời đã làm cho ông chai lì không còn nước mắt nhỏ xuống cuộc đời bất hạnh như ông.

Ông lại mấp mấy môi tiếp tục: “Chính vì mồ côi cha mẹ từ lúc bé, nên vợ chồng tôi dồn hết tình yêu thương cho các con. Có thể nói tôi dành rất nhiều thời gian gần gũi, dạy bảo và xem hai đứa con tôi như người bạn chia sẻ thăng trầm. Thông qua những tài liệu và thông tin mạng về sự thành công đời người, tôi đã âm thầm chuyển tải vào tâm thức chúng những bi kịch của thanh thiếu niên không được học hành. Phân tích từ lòng tự trọng của người Nhật sau đại bại trong chiến tranh họ đã vươn lên như thế nào, đến người Do Thái tiếp quản một vùng đất khô cằn và sa mạc ở Trung Đông đã trở thành một cường quốc mà cả thế giới phải ngả mũ cúi đầu.

Nhiều lúc cha con tôi tranh luận tìm ra chân lý, tìm ra hướng đi từ một trách nhiệm ngay bản thân mình. Thực ra, mục đích chính tôi muốn các con tôi vượt ra được nền văn minh làng xã quanh quẩn ở gốc tre làng mà lầm tưởng mình là vĩ nhân. Còn vấn đề không kém quan trọng là vợ chồng tôi phải sống gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Mình không thể dạy đạo đức cho con cái trong khi cha mẹ suốt ngày chửi nhau, nói xấu người khác, ra đường ăn nhậu, trai gái hoặc mang tiền bất chính về nhà”.

Hiện nay gia đình ông Truật có một tài sản vô giá mà không phải gia đình nghèo nào cũng có thể mong đợi. Vợ chồng của con trai đầu của ông là thạc sĩ kinh tế, vợ chồng con gái là tiến sĩ y khoa. Tất cả đều có thu nhập cao từ lao động chất xám của mình. Lúc tiễn tôi về ông Truật còn mấp môi: “Trong đời người nếu mình không làm được việc này hãy cố làm công việc khác để nuôi dưỡng điều mình thất bại. Cũng như vợ chồng tôi không được học hành nhiều, các con tôi tiếp tục đi lên từ sự dang dở của bố mẹ. Đó là sự thừa kế vô hình của dòng tộc. Mình cho con chữ nghĩa giữ gìn truyền thống của gia đình bao giờ cũng tồn tại bền vững anh ạ!”

Bảo Lộc
.
.
.