Tắm "trèo rào" hay câu chuyện tranh giành của người Việt

Thứ Năm, 30/04/2015, 12:08
Câu chuyện tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây đã qua rồi, nhưng dư âm về một phong cách ứng xử của người Hà Nội thì vẫn như một điều hổ thẹn và ám ảnh. 

Trước khi bàn đến câu chuyện "tắm hôi" này, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại một câu chuyện "miễn phí" tương tự để như một sự suy ngẫm so sánh. Chuyện là: Trước đây không lâu, ở TP Hồ Chí Minh người ta dựng một đường trượt nước khổng lồ giữa thành phố. Rồi thì người ta cũng cho tắm và trượt cảm giác, mà là trượt và tắm miễn phí luôn. Cái đường trượt nước ấy nó khủng lắm, lạ lắm.

Miễn phí nhưng người ta rất chi là đàng hoàng, xếp hàng hẳn hoi, tuyệt nhiên không có chuyện chen lấn xô đẩy. Chả biết như thế là văn minh, là văn hoá hay là thanh lịch, chỉ biết đấy là chuyện không phải ở Thủ đô.

Kinh hãi cảnh người dân chen nhau trèo rào vào tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây.

Cái công viên nước Hồ Tây của xứ Tràng An thanh lịch thì ai cũng biết rồi. Ấy vậy mà khi nghe hô miễn phí một tiếng thì tất thảy già trẻ trai gái chen chân. Mấy ông làm phim tư liệu dàn cảnh ngày xưa đi phá kho thóc của Nhật cứ là há hốc mồm luôn. Mơ một đời không dàn nổi cảnh "cướp nước" như thế đâu, há mồm là đúng rồi.

Thôi thì đàn ông đàn bà, nam thanh nữ tú, kẻ bồng con, người bế cái nhất tề đạp đầu nhau vượt hàng rào sắt, váy ngắn váy dài thật sức phô diễn. Các chú đặc công đứng nhìn mà chỉ muốn bái sư các thánh, chúng em tập vã mồ hôi mà leo rào tắm hớt thế này thì cũng phải chắp tay chấm com các thánh cô thánh cậu ! Mấy ông bà người Nhật sống và làm việc ở Việt Nam nhìn cảnh này, bảo: "Người Việt Nam như thế là bình thường, nếu không như thế thì không còn vui nữa". Chao ôi, nghe rất đỗi nhẹ nhàng mà sao cay đắng!

Nào có lạ lẫm và sang chảnh gì cho cam. Thế mà cả ngàn giai, gái, trẻ con chèn nhau ngụp lặn hớn hở như cả đời chưa được tắm táp bao giờ. Cứ nhìn cảnh quần đùi, váy ngắn chen nhau hì hục vượt rào, mồ hôi nhễ nhại, trong số ấy thiếu gì người mắc bệnh nọ bệnh kia mà ngán. Tất cả cứ nhào xuống bể tắm, bấy nhiêu thứ nó trộn nó khuấy vào đấy thì có khi nước cũng đã sánh đặc rồi.

Đời ta sao mà lại có lúc được tắm miễn phí thế này, tự hào lắm chứ, tuyệt vời đến vênh cả mặt với cái bọn chậm chân yếu tay không đu nổi suất "tắm hôi". Thủ đô đây, người Tràng An thanh lịch đấy, cứ cái gì miễn phí là chả còn phép tắc gì, tranh giành chen lấn, chả cần biết nó bẩn thỉu hay xấu đẹp thế nào. Thế mà nếu có đi về các tỉnh thì các thánh nổ như pháo Bình Đà ta đây là người Hà Nội, dân trí ta cao, văn minh, thanh lịch nhất nước. Cứ khoe mẽ danh xưng dân Thủ đô đi, nhưng nhìn lại, cái phần "con" của các thánh còn nhiều, tính bầy đàn còn cao lắm.

Cũng may trong mấy triệu dân Thủ đô không phải ai cũng bon chen, chèn lấn, nghèo túng đến nỗi chỉ vì mấy chục ngàn mà phải xô đẩy, vén váy ôm con leo rào mà tắm hôi, đi ra đường thì bất chấp luật lệ, quên cả nhường nhịn mà chèn mặt cả ông già bà cả, lấn lướt như cô hồn cướp cháo lá đa. Công bằng mà nói thì một cuộc tắm tập thể miễn phí chỉ là một câu chuyện bình thường nếu như nó diễn ra một cách bình thường, có trật tự chứ không phải là một cuộc chen lấn xô đẩy đến nỗi xách nách cả trẻ nhỏ đu qua rào. Đây là biểu hiện của sự hám lợi.

Người ta vì một vài cái lợi nhỏ mà tranh giành nhau thật đáng xấu hổ. Họ dường như đã quên danh dự của bản thân mình, tạo nên một hình ảnh vô cùng phản cảm về mặt văn hoá. Cứ nhìn vào cảnh ấy không thể không liên tưởng đến một số lễ hội truyền thống với các hành vi như: Cướp ấn, cướp lộc, cướp phết....

Câu hỏi đặt ra là, tranh giành có hàm chứa văn hoá truyền thống của một dân tộc vốn được coi là có hiếu nghĩa và trọng tình? Liệu trong số những người cố bon chen xô đẩy vượt rào một cách hết sức nguy hiểm ấy có phải tất cả đều nghèo thật hay chỉ do hám lợi, đã thấy lợi là quên mất tư cách và lịch sự? Tư duy bao cấp đã ăn không chỉ vào máu một thế hệ mà đến bây giờ nó vẫn còn được thể hiện như một sự trao truyền của nhiều người nên cái gì đó được cho không, được miễn phí thì người ta cố gắng để giành giật, để thụ hưởng và thậm chí là chiếm dụng. Vì cái lợi nhỏ, lợi riêng mà người ta quên đi hình ảnh cá nhân, hình ảnh cộng đồng và cao hơn là hình ảnh của quốc gia, dân tộc.

Cũng cần phải nói thêm rằng cách thức tổ chức quản lý công viên nước Hồ Tây là non kém, là có vấn đề. Hoặc là họ chỉ biết kinh doanh theo kiểu chặt khẩn vơ nhanh, hoặc là họ nghĩ đến hai chữ miễn phí như là một sự bố thí nên họ không kiểm soát tốt dịch vụ của mình. Cuộc "đổ bộ" tắm tháo khoán ở công viên nước Hồ Tây vừa qua còn như một sự cảnh tỉnh những bậc làm cha làm mẹ khi cho con trẻ đi xem hoặc trực tiếp tham gia vào sự chen lấn ấy. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm hồn, bồi đắp thêm vào sự hiếu động vốn sẵn có trong con trẻ, để rồi nhen nhóm trong chúng tư tưởng quá khích, thói chà đạp lên người khác để tranh giành cái lợi cho mình.

Người Việt Nam chúng ta vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của tư duy đám đông. Nếu một người có thể làm được là nhiều người khác làm theo, thành ra ồ ạt, vỡ trận, tạo ra những phản ứng dây chuyền. Hú hồn là cuộc "tập hợp" tắm miễn phí còn ngon lành, không có ca nào phải hú còi nhằm hướng nhà thương, nếu không thì hệ lụy, phức tạp còn lằng nhằng vì ai đúng, ai sai chỉ trời mới hiểu.

Theo luật sư Phạm Văn Phất thì: "Thông qua sự việc này cũng phản ánh sự tôn trọng trật tự xã hội của các tầng lớp người dân nói chung trong giai đoạn hiện nay. Dường như thiếu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước thì người dân dễ tự ứng xử, tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự dàn xếp… nên sinh ra nhiều thứ phản cảm, thậm chí làm điều trái pháp luật".

Một Thủ Đô ngàn năm văn vật và là một vùng đất mang trong lòng mình một bề dày lịch sử và chứa đựng những giá trị nhân văn của cả một dân tộc, một nơi hội tụ tinh hoa, con người hào hoa thanh lịch. Liệu chúng ta có thể chấp nhận sự tồn tại của những giá trị văn hoá đang ngày càng trở nên méo mó dị dạng như thế không? Câu hỏi ấy xin được dành cho các cấp chính quyền và các ngành quản lý.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:

Xung quanh câu chuyện tranh giành vượt rào tắm tháo khoán ở công viên nước Hồ Tây vừa rồi, có thể nhìn ra nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ trong văn hóa người Thủ đô. Tôi chợt nhớ những năm mình sống ở Đức. Người ta cũng ăn lương thất nghiệp, rồi vào những thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, chính phủ có chương trình cấp phát thêm lương thực, rau quả cho những người nghèo. Nhưng họ mang lương thực tới và để vào một chỗ quy định, rồi ai có nhu cầu tới lấy, chứ không phải điểm danh sách gọi tên ai cả. Tôi quan sát rất nhiều lần, chỉ những gia đình đông con, nghèo thực sự họ mới tới lấy đồ cấp phát thêm. Còn một số gia đình, dù họ vẫn đang sống bằng lương thất nghiệp, nhưng không tới lấy. Cơ bản là họ thấy nhu cầu của mình vừa đủ, không cần thiết phải sở hữu thêm nữa.

Nhìn lại câu chuyện vừa rồi ở ta mà cắt nghĩa thì có thể nói, cảnh chen lấn để được vào tắm tháo khoán là bộc lộ một thói quen khá phổ biến của người Việt. Nghĩa là cái gì miễn phí cũng nhao lên sở hữu cho bằng được, dù chưa chắc nhu cầu của mình đã cần tới mức đó. Tôi rất e ngại cảnh phụ nữ váy ngắn trèo rào để vào bên trong tắm tháo khoán, nó có cái gì đó gây kích động, quên mất thuần phong mỹ tục đẹp của phụ nữ Việt, rất khó chấp nhận.

Qua câu chuyện này cũng thấy rằng, các cơ quan kinh doanh chơi trò tháo khoán kiểu như công viên nước Hồ Tây vừa rồi là không được hay lắm, nhất là trong tình trạng dân trí hiện nay. Họ đã không lường hết được câu chuyện nên công tác bảo vệ của họ không tốt, gây náo loạn trật tự, tạo ra một hình ảnh xấu, tác động không tốt tới đời sống xã hội. Nhưng câu chuyện này cũng bộc lộ một vấn đề nữa mà các cấp chính quyền thành phố phải chú ý. Đó là Hà Nội đương quá thiếu những điểm vui chơi cho dân nghèo. Những người ít tiền thì không phải lúc nào cũng có thể mua vé vào công viên nước Hồ Tây. Cho nên, bên cạnh những khu vui chơi cao cấp, nhất thiết phải có những khu bình dân phục vụ người lao động bình dân.

Đinh Nam Nghị
.
.
.