Tân Thủ tướng Thái Lan rất mê phong thủy

Thứ Tư, 01/10/2014, 09:00

Trước khi chuyển đến văn phòng mới, tân thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã kỳ công chọn lựa ngày giờ, tìm hiểu phong thủy, thậm chí thực hiện các nghi lễ để "giải lời nguyền" của các đối thủ.

Niềm tin vào số 9

Tư lệnh Lục quân Prayuth chính thức được bầu làm thủ tướng Thái Lan mới đây, sau khi dẫn dắt cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của đảng Pheu Thái cách đó ba tháng.

Giống như nhiều chính trị gia và các vị tướng đi trước, Thủ tướng Prayuth tin vào thuyết duy linh và bói toán. Các thành viên trong đoàn tùy tùng của ông được nhìn thấy bê các tượng Phật và các biểu tượng tôn giáo được cho là mang lại vận may đến Tòa nhà Chính phủ.

Thời điểm nhập trạch văn phòng thủ tướng cũng đã được tính toán kỹ lưỡng. Nội các của ông Prayuth bắt đầu làm việc vào 9h sáng, ngày 9/9. Số 9, với phát âm trong tiếng Thái là "Gaow", được tin là con số mang lại may mắn đặc biệt. Phát âm của nó cũng tương tự từ "Gaow-Nah", có nghĩa là tiến bộ.

Nội thất trong văn phòng dành cho ông Prayuth được sắp xếp theo quy tắc phong thủy.

"Bàn làm việc đặt tại phía đông của phòng, được cho là sẽ giúp ông đưa ra các giải pháp nhanh chóng"- một trợ lý tiết lộ. "Màu sắc trong tòa nhà hầu hết là xanh lá cây, vì đây là màu của quân đội và ông Prayuth, một tư lệnh quân đội, hợp với màu xanh".

Trước đó, ông đã yêu cầu một người dội nước thánh lên người ông, từ đầu đến chân để giải trừ "lời nguyền" của kẻ thù.

Sự chỉ trích

Các nhà phê bình chỉ trích rằng, sự tồn tại của những tín ngưỡng như trên đang làm tổn hại nền dân chủ và tiến trình chính trị cần được quyết định bằng ý chí của những người đang sống chứ không bằng niềm tin của các chính trị gia vào những linh hồn và các vì sao.

Tân thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vái lạy trước cuộc họp nội các nơi ông làm việc trên cương vị mới.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự khẳng định, quan điểm của ông Prayuth về thế giới tâm linh và các lễ nghi xua đuổi ma quỷ không thể gây ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ.

"Giống như hầu hết người Thái, tướng Prayuth có một niềm tôn kính sâu sắc với thế giới tâm linh, nhưng các chính sách của ông sẽ được quyết định dựa trên tính cấp bách, thực tiễn và nhu cầu của người dân"- Veerachon Sukhontapatipak, phó phát ngôn viên quân đội nói.

Trước cuộc đảo chính năm 2006, thầy bói nổi tiếng Thái Lan Warin Buawiratlert cho biết, ông đã báo với tướng Sonthi Boonyaratgalin, tư lệnh quân đội Thái Lan khi đó, rằng sẽ có một cuộc đảo chính và Sonthi sẽ dẫn dắt nó.

Ngày 19/9/2006, ông Sonthi lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông ta đã kể lại những tiên đoán đó trong một cuốn sách được viết sau cuộc đảo chính.

Ông Prayuth lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 5 năm nay, sau nhiều tháng liền Bangkok chìm trong cuộc biểu tình của những người phản đối em gái ông Thaksin, bà Yingluck.

Ông Prayuth gây sốt với ca khúc tự sáng tác

Một ca khúc trữ tình do chính Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-O-Cha sáng tác, với lời hứa hẹn mang lại hạnh phúc cho Thái Lan, thu hút hơn 200.000 lượt xem trên YouTube.

AFP cho hay, tân thủ tướng Prayuth từng viết lời cho ca khúc "Trả lại hạnh phúc cho Thái Lan".

Sau khi ghép nhạc cho phần lời trên, một ban nhạc quân đội đã chia sẻ ca khúc trên trang web của họ và nó nhanh chóng trở thành hit. Ca khúc chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng Thái Lan với những ca từ như "chúng tôi sẽ chăm sóc và bảo vệ cho các bạn bằng cả trái tim", "hãy cho chúng tôi một chút thời gian".

Một video kèm lời bài hát đã thu hút đến 150.000 lượt xem sau khi được một người đăng tải lên trang YouTube. Các nguồn khác cũng chia sẻ đường dẫn đến ca khúc này và thu hút thêm hàng chục nghìn người xem.

Quân đội Thái Lan từng cố gắng xoa dịu tình hình căng thẳng sau đảo chính bằng cách tổ chức các chương trình ca nhạc, nhảy múa với binh sĩ và phát thức ăn miễn phí cho người qua đường.

Ông Prayuth đã cho biết, ông buộc phải tổ chức đảo chính nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình kéo dài hơn nửa năm qua khiến đất nước tê liệt và làm gần 30 người thiệt mạng.

Từ khi lên nắm quyền, quân đội Thái Lan cấm các cuộc biểu tình công cộng, thực hiện kiểm duyệt truyền thông và đã triệu tập hàng trăm chính trị gia, nhà hoạt động và học giả để thẩm vấn.

Bất chấp lệnh cấm, những người phản đối chính quyền quân sự vẫn tập trung thành những nhóm nhỏ để biểu tình với các biểu ngữ và biểu tượng "ba ngón tay".

Khi bài hát của ông Prayuth được chia sẻ lên Youtube, có hàng nghìn người đã bấm nút "thích", trong khi những người khác viết bình luận ủng hộ quân đội. Tuy nhiên, có những ý kiến tỏ rõ sự giận dữ với vị tướng.

"Mang lại hạnh phúc cho một nhóm người trong khi uy hiếp nhóm khác"- một người viết. "Ông nên tổ chức một cuộc bầu cử và hỏi mọi người muốn gì"

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.