Tản mạn trên cung đường… cá ngựa

Thứ Năm, 16/06/2016, 13:04
Con đường thiên lý Bắc Nam đi qua thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có một cung đoạn uốn lượn quanh co ven đầm Cù Mông thuộc địa phận xã Xuân Cảnh. Dừng chân ở đó, du khách không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ non nước hữu tình, mà còn bắt gặp hình ảnh khá thú vị khi nhiều nhà hàng, quán xá ven đường đều treo bảng hiệu quảng cáo món… cá ngựa. Có lẽ vì thế nên nhiều người dân địa phương và giới lái xe đường dài đều gọi nơi này là "cung đường cá ngựa".


1. Giữa buổi trưa mênh mang nắng gió, tôi cùng một đồng nghiệp lang thang xe máy trên đường thiên lý qua xã Xuân Cảnh và rất dễ dàng nhận ra bên cạnh những bảng hiệu nhà hàng, quán xá trên cung đường này đều kèm theo tấm bảng quảng cáo... cá ngựa. Với chiêu quảng cáo “bắt mắt” như thế sẽ khiến cho du khách lần đầu đến đây đều phải ngạc nhiên, tò mò, vì trong giấy phép kinh doanh lẫn trong thực đơn đều không có món... cá ngựa. 

Bên trong các quán ăn Biển Nhớ, Thanh Nhàn, Mỹ Thiện, Mỹ Thủy, Kiều Duyên, Tấn Tài, A Vinh, Hải Phú, Loan… đều có các loại cá ngựa với giá cả như nhau. Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước vào quán Thanh Nhàn là hình ảnh những bình rượu ngâm cá ngựa cùng nhiều loại động, thực vật các kiểu được trưng bày trên những kệ gỗ, kệ sắt xếp bậc thang trông rất hấp dẫn. 

Những bảng quảng cáo cá ngựa trông rất bắt mắt.

Một nữ nhân viên phục vụ trạc chừng hăm bốn tuổi đón khách bằng nụ cười thiện cảm rồi cất tiếng chào mời: “Anh dùng cơm trưa hay mua rượu ngâm đặc sản cá ngựa?”. Thấy tôi lướt nhìn những bình rượu bằng ánh mắt dò xét, nghi ngại, cô gái đon đả mời tiếp: “Nếu không ưng ý thì anh hai mua cá ngựa sống để tự ngâm rượu”. 

Dứt lời, cô gái hướng dẫn cho tôi xem những con cá ngựa đang bơi lượn theo chiều đứng trong một bể kính được sục khí ô xy suốt ngày đêm, rồi dẫn giải: “Cá ngựa vàng có giá trị dược liệu cao hơn cá ngựa đen. Giá bán mỗi loại tùy theo kích cỡ lớn hay nhỏ, nhưng bao giờ một cặp cá ngựa phải có con đực, con cái mới hiệu nghiệm. Ưng giá cặp nào thì bắt cặp đó”. 

Trong lúc tôi còn mải mê ngắm nhìn cá ngựa sống trong bể kính thì cô gái tiếp lời: “Ngoài cá ngựa sống trong bể kính còn có cá ngựa khô, cá ngựa đông lạnh giá mềm hơn một chút”.

Vài phút sau đó, trong cuộc tiếp xúc thân thiện với chị Thanh, chủ quán Thanh Vi ở thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh có hơn 15 năm chuyên nghề mua bán cá ngựa, chị mở tủ lạnh giới thiệu cho tôi từng loại rồi cho biết, tại thời điểm này, cá ngựa đông lạnh dài 6,5-7cm, bề ngang phần bụng 1,2-1,5cm, giá bán mỗi cặp màu vàng nghệ 400.000-500.000 đồng, vàng nhạt 150.000 đồng, màu đen 100.000 đồng. Cá ngựa vàng đại dương dài 15-17cm, bề ngang phần bụng 2,1-2,3cm, giá bán mỗi cặp 3,3-3,5 triệu đồng.

Rời tủ lạnh, chị Thanh bước về phía kệ gỗ xếp bậc thang đang trưng bày hàng chục loại rượu chứa trong bình thủy tinh có dung tích khác nhau, rồi giới thiệu: “Ngoài cá ngựa, trong các bình rượu ở đây còn có hải long, trùn biển, sao biển, hải sâm, bào ngư, bìm bịp, tắc kè và một số vị thuốc Bắc như nhân sâm, câu kỷ tử, nhục thung dung, đảng sâm... Ví như bình rượu 20 lít ngâm 10 loại động vật và một số vị thuốc Bắc giá 2,5 triệu đồng, bình rượu 10 lít ngâm 8 loại động vật giá 2,5 triệu đồng, những bình rượu còn lại có dung tích, bình rượu 5 lít ngâm 8 loại động vật giá 600.000 đồng, bình rượu 2 lít ngâm 6 loại động vật giá 260.000 đồng...”. 

Bằng những trải nghiệm nghề nghiệp, chị Thanh chia sẻ : “Cá ngựa đen sinh trưởng bên trong đầm, vịnh có màu đen sẫm, sinh trưởng ở biển có màu đen nhạt, nếu đen sậm hơn là cá ngựa nuôi. Dân gian có câu “Cá ngựa bổ mắt, tắc kè bổ đuôi”, nên mỗi khi mua bán tui kiểm tra rất kỹ, nếu cá ngựa mất mắt đương nhiên tui không mua mà cũng không bán vì mình kinh doanh ổn định lâu dài chứ đâu phải một ngày hay nửa bữa mà gian dối, kể cả chất lượng sản phẩm cá ngựa tự nhiên và cá ngựa nuôi tui cũng phân loại và định giá rõ ràng để khách hàng chọn lựa theo sở thích”.

Tác giả đang mua cá ngựa.

Khi nghe tôi chia sẻ câu chuyện ở đâu đó người ta từng đồn rằng sau khi uống hết bình rượu, tửu khách mới phát hiện mình bị sập bẫy lừa vì mua nhầm cá ngựa… nhựa, một lão ngư ở xã Xuân Cảnh khẳng định: “Tui dám chắc trên cung đường này chưa bao giờ có chuyện gian dối, lừa bịp như thế. Phần vì giới mua bán rượu ngâm cá ngựa ở đây xuất thân từ dân làng biển, luôn “ăn chắc, nói thiệt”, phần vì mỗi khi có khách phương xa dừng chân mua bình rượu, người bán luôn mong họ quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè, người thân tìm đến”.

2. Không chỉ riêng ở Xuân Cảnh mới có cá ngựa, mà nhiều vùng đầm, vịnh, ghềnh, rạn ven biển Việt Nam và một số nước trên thế giới đều có. Ở vùng biển Nam Trung bộ, thị xã Sông Cầu là nơi có nguồn cá ngựa phong phú với chất lượng cao, nên thu hút nhiều ngư dân địa phương săn bắt. 

Ông Năm Nghĩa – một “thợ săn” cá ngựa sỏi nghề, trú ở xã Xuân Thịnh cho biết: “Trước kia tụi tui chuyên nghề lặn bắt tôm hùm giống, đến khi tửu khách thập phương quan tâm đến con cá ngựa nên tui cùng mấy người bạn rủ nhau “săn bắt” để kiếm cơm”. 

Theo đó, mỗi khi triều xuống, cánh thợ “lặn bộ” mang kính ra đầm Cù Mông và ghềnh, rạn ven biển để bắt cá ngựa mỗi bữa một vài con, còn những người có tàu thuyền hành nghề lưới mành, giã cào thì sau mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt tôm cá, họ còn thu được năm, bảy cặp cá ngựa. 

Nghe tôi hỏi đến giá bán cá ngựa cho các nhà hàng, quán xá, những tay thợ lặn đều lắc đầu né tránh vì họ muốn giữ “mối” tiêu thụ lâu dài, chỉ riêng Năm Nghĩa bộc bạch chân tình: “Bắt được con, nào tụi tui giao cho đầu mối thu mua với mức giá thấp hơn các nhà hàng, quán xá bán lại cho du khách từ 30-40%. Họ mua đi bán lại đương nhiên có lãi thì sản phẩm mới lưu thông, tụi tui mới có cơ hội tiếp tục “săn bắt” cá ngựa”.

Trở lại với rượu ngâm cá ngựa và một số động, thực vật bày bán trên “cung đường cá ngựa”, tôi lân la dò hỏi tác dụng sản phẩm này, hầu hết những người bán hàng đều nói nửa đùa, nửa thật: “Loại này được ví như thần dược ông uống, bà khen”. Nghe vậy, tôi tếu táo hỏi thêm: “Uống thần dược này bao lâu thì được bà khen?”, nữ nhân viên ở quán Kiều Duyên đáp lại bằng âm giọng khôi hài: “Không mua có đâu mà uống, không uống có đâu mà biết, không biết có đâu mà kể. Tin chắc anh hai mua về uống thử nhưng kiểu gì chị hai cũng phải khen thật”. 

Trong khi đó bà chủ quán Thanh Vi kể rằng: “Tháng trước, một phụ nữ ở tận Kon Tum đi xe du lịch bốn chỗ ngồi chủ động tìm đến quán của tui mua năm cặp cá ngựa vàng. Thấy khách rất sành giá và khéo léo lựa chọn, tui dò hỏi thì người phụ nữ này cười tủm tỉm rồi mới “bật mí” cho tui biết, năm ngoái người chồng đã tới đây mua một bình rượu về uống thấy hiệu nghiệm nên lần này người vợ mua thêm cá ngựa để tăng cường “bản lĩnh” cho chồng”. 

Một người quen của tôi trước kia mắc chứng liệt dương, sau một thời gian uống rượu cá ngựa anh ấy đã mạnh mồm nói chắc rằng: “Loại thần dược này độc chiêu hơn nhiều loại thuốc tây đang được quảng bá trên thị trường”.

Theo các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang, cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus, phân bố ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Tại Việt Nam, cá ngựa phân bố từ Bắc đến Nam, chủ yếu tập trung ở vùng nước ven bờ, đặc biệt là vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. 

Trong những năm gần đây, cá ngựa đã được nuôi trong bể bê tông, bể kính. Đây là loại hải sản có giá trị cao trong dược liệu Đông y ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. 

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật 1981, cá ngựa là loại giống cá nước mặn, có đầu giống hình đầu ngựa nên mới có tên là cá ngựa hay hải mã. Cá ngựa to, nhỏ, trắng, vàng đều dùng làm thuốc, nhưng loại trắng, vàng tốt hơn. Tại Trung Quốc, cá ngựa dùng làm thuốc và được ghi đầu tiên vào bộ sách Bản thảo cương mục thập di của Triệu Học Mãn - 1765 và được khai thác nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam. 

Theo đông y, cá ngựa có tính ôn, vị ngọt, không độc, có tác dụng như vị thuốc bổ, kích thích bền lâu trong phòng sự, tráng dương, khí huyết thông, phụ nữ khó đẻ. Dân gian thường vận dụng điều trị liệt dương, nữ giới không có con theo phương thang một cặp cá ngựa vàng phơi khô, tán bột rồi dùng rượu chiêu thuốc.

Nếu có một lần đến Phú Yên trên đường thiên lý, du khách nên dành chút thời gian dừng chân bên “cung đường cá ngựa” để tìm hiểu và thưởng thức thứ thần dược “ông uống, bà khen”!

Thế Hữu
.
.
.