Tan một giấc mơ

Thứ Hai, 11/09/2017, 10:40
Từ nhỏ tôi vốn là người chí thú làm ăn, với khát khao có ngày sẽ thành đại gia tiền tỷ, giúp cha mẹ nở mặt nở mày với xóm làng.


Mà số tôi cũng hên, sinh ra vào đúng lúc Nhà nước đang hô hào cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện hết cỡ cho những người khởi nghiệp, mà tiếng Anh gọi là “sờ-tát-úp”.

Trong bối cảnh người người đua nhau sờ-tát-úp, tôi cũng quyết tâm bỏ học sớm để theo đuổi mộng kinh doanh, vì như thằng V - bạn chí cốt của tôi khuyên: “Bây giờ có thiên thời, địa lợi, Nhà nước khuyến khích và có nhiều chính sách hỗ trợ sờ-tát-úp, mày không ra làm ăn thì đợi khi nào?!”.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Muốn sờ-tát-úp trước tiên phải chọn được một nghề độc, lạ mà hứa hẹn lợi nhuận lớn. Vì vậy, tôi đã bỏ ra hẳn một tháng để nghiên cứu, tìm hiểu các phương án làm ăn.

Ảnh minh họa.

Đọc báo X, tôi thấy có ông Y tuyên bố chạy xe ôm nhưng cũng kiếm được tiền tỷ xây biệt phủ. Quá hay! Tôi vỗ đùi đánh đét và quyết tâm thử học theo ông này.

Là một người thông minh sáng tạo, tôi không bê nguyên khuôn cách làm của ông Y, mà “ứng dụng linh hoạt”, chạy xe ôm theo kiểu công nghệ cao qua ứng dụng Grab.

Mấy tháng đầu tôi cũng có thu nhập kha khá, hơn hẳn việc dạy gia sư lúc làm sinh viên. Nhưng được một thời gian, “sáng kiến” chạy xe ôm qua Grab của tôi đã bị khối người học theo, nên khách ít dần, thu nhập chỉ vừa đủ tiền xăng xe và ăn trưa.

Nản lòng, tôi tìm tới thằng V xin lời khuyên. Nó bảo: “Mày đã phạm sai lầm lớn ngay từ đầu khi học theo ông Y”.

“Tại sao?” - tôi há hốc mồm kinh ngạc.

“Vì mày chỉ nhìn việc ổng làm, mà không nhìn nhân thân của ổng. Ổng là quan ‘khá to’, lại có chị là quan ‘rất to’. Nên khách đi xe ôm của ổng ‘không phải dạng vừa’, toàn là những đại gia có dự án lớn đến xin xỏ chạy chọt. Một cuốc xe ôm của ổng giá từ vài chục ‘chai’ trở lên, cho dù chỉ trong ṿng 5 cây số trở lại!” - thằng V đáp.

Tôi nghe ra cảm thấy “sốc toàn tập”, bèn hỏi nó: “Vậy theo mày tao nên làm cái gì bây giờ?”.

“Mày đừng bao giờ học theo mấy ông quan, dù mấy ổng có thể thu tiền tỷ từ mấy nghề đơn giản như nấu rượu, nuôi lợn, buôn lá chít, bán chổi đót… nhưng mình thì đừng có mơ” - thằng V đáp. “Theo tao mày nên đầu tư vào cà phê, vì Chính phủ đang khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp và những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm”.

Oa! Tôi nghe nó nói xong lòng hí hửng như tìm được con đường sáng. Trở về nhà, tôi bàn với cha mẹ cầm cố hết sổ hồng sổ đỏ, vay vốn đầu tư nhà máy rang xay chế tạo cà phê bột, cà phê hòa tan.

Vì là dự án nông nghiệp công nghệ cao, nên tôi được hưởng những chính sách ưu đãi như cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí… Nhờ đó, chẳng bao lâu doanh nghiệp của tôi đã phất lên, thương hiệu cà phê bột của tôi có tiếng trên thị trường, các đại lý và quán cà phê đua nhau đặt hàng…

Tuy nhiên, vào một mùa hè năm nọ, bỗng tất cả đại lý và quán cà phê trước đây vẫn lấy hàng của doanh nghiệp tôi đều tới tấp trả hàng. Quá ngạc nhiên, tôi cho “lính” đi điều tra xem có phải có thương hiệu nào mới nên họ “có mới nới cũ” hay không. Nhưng quân của tôi về báo: Các quán cà phê, đại lý nay đều chuyển ngành, không buôn bán cà phê nữa!

Trong tâm trạng hoang mang, tôi lại ôm thắc mắc đến chỗ thằng V một lần nữa. Vừa thấy tôi, thằng V đã mở lời: “Tao thành thật xin lỗi mày, chuyện này tao không tính trước được. Các đại lý và quán cà phê mối của mày chuyển ngành do nghe đồn sắp tới uống cà phê sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt!”.

Tôi nghe xong xây xẩm cả mặt mày. Rồi đây nhà cửa đất đai của cha mẹ tôi sẽ bị ngân hàng siết nợ, cả nhà biết đi đâu về đâu?

Út Ngông
.
.
.