Tận thấy ''Dốc quỷ''

Thứ Sáu, 25/09/2020, 10:10
Người ta đồn rằng "Dốc quỷ" nằm trên một ngọn đảo hoang bốn bề lau lách, đêm đêm có những tiếng hú rợn người, những ánh lửa lân tinh lóe sáng, đất đá cháy đen, có một ma lực lạ lùng kéo ngược con người lên khỏi mặt đất… Và muốn đến đấy phải nhờ cảnh sát dẫn đường!

Nhiều tờ báo nói về Dốc quỷ như: "một dãy  ôtô tắt máy nằm im dưới chân dốc… một lúc đã thấy những chiếc ôtô nặng hàng tấn ấy chạy ngược lên đỉnh dốc như có một bàn tay ma quái vô hình nào đó đẩy ngược lên…". "Người nào đến đây vào ban đêm đều bị ma cầm tay dắt đi… vân vân và vân vân".

Trong chuyến đi du lịch tới đảo JeJu , tôi và một số bạn đồng nghiệp đã đề nghị được đến tận nơi, chứng kiến con dốc mà chúng tôi đã nghe được những lời đồn thổi rợn người này.

Trên chuyến bay của Hãng hàng không JEJU AIR từ Seoul ra đảo JeJu, tôi xem một tài liệu nói về hòn đảo nổi tiếng qua những bộ phim của Hàn Quốc mà người Việt Nam gọi là đảo Chê Chu, đảo Tình yêu, đảo Tuần trăng mật. Đảo Jeju được hình thành từ một đợt phun trào của núi lửa cách đây hai triệu năm. "Triệu năm đã triệu năm rồi, những ngôi sao ở trên trời đã yêu", đó là hai câu thơ của một nhà thơ phương Tây mà tôi rất thích. Không hiểu sao, khi đặt chân lên hòn đảo này, tôi bất chợt ngân lên...

Đây là nơi duy nhất ở Hàn Quốc mà ôtô có thể tự bò lên dốc dù xe đã về số N.

Nơi đầu tiên chúng tôi dừng chân trên đảo là một địa dạng có cái tên "miệng núi lửa thứ ba" (Sankulpule). Dấu tích của núi lửa có mặt hầu như khắp mọi nơi trên hòn đảo. Đất và đá ở đây đều màu than đen. Hệt như đất và đá chúng ta vừa đốt cháy ở trong lò. Tôi đứng trên những đám đất cháy đen ấy và cảm thấy rờn rợn… Điều dễ nhận thấy ở "miệng núi lửa thứ ba" là một bãi hoang mênh mang hình lòng chảo. Rừng lau bạt ngàn. Tiếng gió thổi  như tiếng người đang thì thầm gọi nhau giữa bạt ngàn hoa lau trắng lạnh cả tóc gáy.

 Bên cạnh bãi lau hoang sơ bạt ngàn, những con đường đá rêu phong cổ kính, những mái nhà cổ tưởng như không thể cổ hơn và mang đậm tính bản địa không hòa lẫn, là những khách sạn, những tòa nhà, những con đường hiện đại và tiện lợi cho du khách. Jeju còn được gọi là đảo Cam. Cam ở đây quả bé như quýt ở Việt Nam. Những vườn cam trĩu quả, vàng rộm...

Kang Dae Heng, người lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch, một người bản địa sinh ra và lớn lên trên đảo Jeju với cách ăn mặc hệt như một nông dân, quần lá tọa nhuộm nâu, áo nâu, gương mặt chất phác với nước da cũng màu nâu. Ông nhiệt tình đến mức khi đưa chúng tôi đến địa điểm tham quan nơi quay bộ phim rất quen thuộc với người Việt Nam "Chuyện tình mùa đông" thì mưa nặng hạt. Chúng tôi ngồi trên xe nhìn, ngại xuống vì không có ô che đầu, ông đã chạy ra khỏi xe, đầu trần giữa mưa để tìm ô...

Lúc ở nhà hàng đặc sản, ông chạy vào giúp nhà bếp bưng món bào ngư ra mời chúng tôi, ông bị bỏng tay vì chảo nóng... Tất cả những gì ông biết về hòn đảo, ông kể với chúng tôi say sưa. Ông còn tự bỏ tiền mua rượu, mua râu bạch tuộc sống, mời chúng tôi ăn... Ông bảo: "Đảo Jeju có ba cái nhiều: Nhiều đá, nhiều gió và nhiều con gái. Có ba cái không: Không mất trộm, không ăn xin, không ống khói nhà máy. 

Và, một cái nhất: Không khí trong lành nhất!". Như sợ chúng tôi hiểu lầm chuyện "gái mú", ông giải thích: "Dân đảo làm nghề biển, đàn ông cả ngày, cả tuần, có khi cả tháng ra khơi, chỉ có đàn bà ở nhà nên vào làng, chỉ gặp toàn con gái... Nhưng, Jeju mới thực là hòn đảo của du khách. Hòn đảo có chiều dài 167km, chiều ngang chỗ rộng nhất là 67km, với số dân 55 ngàn người nhưng mỗi năm đón trên một triệu du khách đến đảo".

Ở đây có những bãi đá cổ nghìn đời thiên nhiên bày đặt, những cột đá được nắng, gió, thời gian, sóng biển đẽo gọt tinh vi... khiến du khách ngắm nhìn không chán mắt. Biển xanh mênh mông bao lấy hòn đảo và những con tàu trắng như trong chuyện cổ tích... Trên đảo có một ngôi chùa cổ, đây là ngôi chùa ba tầng duy nhất ở châu Á, nơi du khách có thể viết họ tên, gia đình mình với những điều ước nguyện lên những viên ngói, để sau đó, được lợp lên mái chùa để cầu may. Đây là ngôi chùa rất thiêng.

Jeju có nhiều đặc sản quý hiếm, trong đó có bào ngư. Đảo Bào ngư. Tượng con bào ngư chín lỗ mà người Việt gọi là cửu khổng ngự trên đảo, ngay sát bãi biển "Tình yêu", nơi những đôi trai gái yêu nhau đến tắm đêm... Buổi chiều, chúng tôi trèo lên núi "Mặt trời", đỉnh núi cao chót vót, những người yếu tim khó mà lên đến tận nơi: Dòng người tứ phương nườm nượp đổ về, chủ yếu là những người trẻ tuổi. Từ đỉnh núi, gió lồng như bão, tôi phải vịn vào lan can...

Từ đỉnh núi nhìn xuống, tôi mới hình dung được đảo Jeju là hòn đảo của những miệng núi lửa. Những đỉnh núi ngàn đời há miệng, hệt như những con bào ngư kia. Sự sống bắt đầu từ hòn đảo chết. Hòn đảo được hình thành từ những dòng nham thạch, nhưng dòng đất đá được nung chảy trong ngàn độ lửa, tưởng vĩnh viễn sự sống bị chôn vùi. Ấy vậy mà, nó lại trở thành một hòn đảo thu hút khách du lịch bậc nhất nước Hàn.

Bức tượng yêu tinh được người dân địa phương cho là thế lực đã đẩy những chiếc xe ở đây. Bên phải là tấm bia đá giới thiệu về con đường và bản đồ khu vực.

Nhưng có lẽ du khách đến đây nhiều như vậy là vì ở đây có "Dốc quỷ" với những lời đồn thổi lạ lùng khiến người ta tò mò không cưỡng lại được. Lúc xe chở chúng tôi đến đậu trên một bãi đất rộng cạnh con dốc đã đen đặc người, tiếng xe ôtô hú còi inh ỏi. Nhiều du khách không dám đến gần con dốc vì sợ ma cầm tay dắt đi như người ta đồn thổi. Chúng tôi phải chờ khá lâu để được chứng kiến những chuyện ly kỳ. Người lái xe chạy vòng qua đoạn đường rẽ rồi bắt đầu cho xe lên dốc. 

Chúng tôi ngồi trên ôtô hồi hộp đến nghẹt thở. Người lái xe tắt máy mà ô tô vẫn chạy ngược dốc như có một bàn tay ma quái vô hình kéo ngược lên. Đột nhiên, mọi người kêu lên. Nhà báo Nam Đồng ở Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trên xe ngã xoài ra phía trước. Anh nằm sấp trên sàn xe làm chúng tôi hoảng hồn. 

Khi mọi người đỡ anh dậy, vừa sợ, vừa không nhịn được cười, Nam Đồng đã hài hước "Mình đã thấy ma rồi... nó định kéo mình xuống đất…". Một cú ngã như trời giáng nhưng Nam Đồng không hề hấn gì. Tất cả chúng tôi vừa lắc đầu vừa bám chặt vào tay vịn thành ghế…

Đúng là chuyện lạ. Chiếc xe ôtô chở chúng tôi mười mấy chỗ ngồi, đã tắt máy, vẫn vùn vụt lên dốc như có một ma lực nào đó. Lần sau người lái xe không tắt máy vì sợ đâm vào dòng người đông nghịt, anh để số mo (N). Xe vẫn lao lên dốc như đang đi số hai vậy.

Chúng tôi xuống xe, thử lấy một vật gì đó không có sắt. Tôi tìm chiếc hộp giấy đựng sữa X.O nổi tiếng của Hàn Quốc. Tôi cầm lấy vỏ một hộp sữa X.O vừa uống và thả xuống con dốc. Hộp sữa lăn, lăn mãi không dừng lại, xuống đến chân dốc, hộp sữa nằm im, không lăn ngược lên như chúng tôi mong đợi.

Vậy đã rõ, Dốc quỷ này chỉ hút các vật có sắt. Để chắc chắn hơn, chờ đến lúc gần tối, dòng người hiếu kỳ vãn dần, chúng tôi mượn cái xe đạp. Tôi thử đầu tiên, bắt đầu từ dưới chân dốc, tôi để chân lên hai bàn đạp không tác động một lực nào, lạ thế, chiếc xe lăn lên dốc như có một lực đẩy vô hình từ phía sau...

Có lẽ ở phía dưới con dốc kỳ lạ này là một khối nam châm khổng lồ chăng?

Hay có bàn tay ma quái vô hình nào đó như người ta đồn thổi?

Tôi hỏi những người dân địa phương ở đấy về bí mật của con dốc kỳ lạ này, nhưng họ chỉ lắc đầu như muốn nói là mình không biết và mỉm cười bí ẩn!

Không hiểu sao, tôi lại muốn viết đôi dòng về "Dốc quỷ" giữa mùa đại dịch này! Có lẽ ai cũng mong hết dịch để được đi du lịch tới những miền đất lạ trên thế giới…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh
.
.
.