Cuộc chiến thị phần

Thứ Hai, 25/09/2017, 00:17
Tôi vào làm công ty đã được 10 năm, từ một nhân viên quèn vươn lên thành cố vấn và trợ lý cho tổng giám đốc một công ty vận tải. Trong suốt thời gian dài, công ty ăn nên làm ra, doanh thu rất tốt. Và tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ làm mãi công ty này cho đến ngày về hưu.


Nhưng cuộc sống không như là mơ, trong vòng 2 năm trở lại đây, một số công ty nước ngoài nhảy vào giành thị phần với chúng tôi. Thế là doanh thu công ty sụt giảm thậm tệ. Mới 6 tháng đầu năm nay, doanh thu đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty đã cố gắng giảm thiểu tối đa chi phí, tinh giản bộ máy, một nhân viên văn phòng phải làm công việc của nhiều người. Công ty chỉ giữ lại đội ngũ tài xế, vì họ là những con ong đi hút mật về cho công ty.

Ảnh minh họa.

Tôi ngán nhất là các buổi họp đầu tháng, không khí phòng họp nặng nề, còn sếp thì giống như nồi áp suất, không biết bùng nổ lúc nào. Mà tôi là người lãnh hậu quả đầu tiên. Hôm nay cũng như mọi khi, "tia lửa giận dữ" của sếp cứ đảo quanh phòng họp.

Sếp mở đầu bằng câu nói quen thuộc: “Mọi người có ai nghĩ ra cách nào để lấy lại khách hàng và tăng doanh thu không?”.

Cả phòng ngồi im re, không ai có ý kiến gì, tiếng con ruồi bay qua cũng nghe rõ. Tôi thấy tình thế căng quá phải ý kiến, không thì “nồi áp suất” bung ra tôi sẽ là nạn nhân đầu tiên: “Thưa sếp! Có hai cách cơ bản để tạo ra lợi thế cạnh tranh: Một là làm cho bản thân mình mạnh lên. Hai là làm cho đối thủ yếu đi".

Sếp hỏi: “Làm sao để chúng ta mạnh lên?”.

“Thay 100% xe mới như BMW, Mercedes, Camry...”, tôi nhanh nhảu.

Sếp đập bàn cái rầm: “Anh điên à?! Như thế khác nào giải tán công ty?”.

“Vậy mình sẽ làm cho đối thủ yếu đi!”, tôi chuyển sang phương án 2.

Sếp nghe vậy có vẻ nguôi giận hỏi ngay: “Chú mày nói anh nghe xem?”.

Tôi trả lời: “Chúng ta tố cáo đối thủ dùng tiền mua khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh.”

Sếp lắc đầu ngay: “Không được! Không có căn cứ!”.

Tôi hiến kế khác: “Chúng ta dọa kiện đối thủ bán phá giá, khuyến mãi tràn lan”.

Sếp cũng lắc đầu: “Không được! Không đủ chứng cứ!”.

Tôi nói tiếp: “Chúng ta dùng vũ lực bằng cách đe dọa, xua đuổi đối thủ”.

Sếp lại lắc đầu: “Không được! Lỡ mà người ta quay phim, lên báo có mà dẹp công ty”.

Tôi lại tiếp: “Chúng ta kiến nghị Nhà nước dừng tăng số lượng xe đối thủ”.

Sếp cũng lại lắc đầu: “Cái này không khả thi”.

Tôi ngồi trầm ngâm một lát, bỗng chợt nảy ra thêm một ý kiến: “Chúng ta sẽ dán biểu ngữ phản đối. Như vậy khách hàng sẽ tẩy chay đối thủ và quay về với chúng ta”.

Sếp nghe xong, mặt tươi lên hẳn: “Chú mày nói đúng! Cho toàn thể nhân viên dán đề-can phản đối liền trong tuần này!”.

Tôi cũng vui lây, ngồi chờ tin vui chiến thắng và không còn phải lo lắng sẽ thất nghiệp trong tương lai.

Út Ngông
.
.
.