Tạp chí của cộng đồng LGBT bằng tiếng Ả rập đầu tiên trên thế giới

Thứ Năm, 03/10/2019, 16:21
Khalid Abdel-Hadi bắt đầu xây dựng tạp chí cho cộng đồng LGBT bằng tiếng Ả Rập từ khi còn là một thiếu niên với mong muốn chống lại những điều cấm kỵ và khuôn mẫu trong khu vực. Bây giờ, tạp chí này đã có hàng ngàn độc giả ở khắp nơi trên thế giới.


Đến tận bây giờ, nhiều người ở khu vực Trung Đông vẫn coi đồng tính luyến ái (LGBT) là một tội lỗi. 

Khalid Abdel-Hadi bắt đầu xây dựng tạp chí cho cộng đồng LGBT bằng tiếng Ả Rập từ khi còn là một thiếu niên với mong muốn chống lại những điều cấm kỵ và khuôn mẫu trong khu vực. Bây giờ, tạp chí này đã có hàng ngàn độc giả ở khắp nơi trên thế giới.

15.000 độc giả mỗi tháng

Khalid Abdel-Hadi, 29 tuổi, xuất hiện với bộ râu lởm chởm, đi giày thể thao màu trắng và đeo túi chéo ngang ngực. “Khalid” tiếng Ả rập có nghĩa là "người vĩnh cửu" và có lẽ, cái tên này, phù hợp với sự mạnh mẽ, kiên cường của Khalid, dù nhiều người ở Jordan không chấp nhận anh. 

Trong thế giới Ả Rập, đồng tính luyến ái vẫn là một điều cấm kỵ, thậm chí bi coi là tội lỗi, một căn bệnh, một kẻ hư hỏng. Đàn ông và phụ nữ đồng tính phải sống cuộc sống bí mật, giấu kín con người thật với những người xung quanh.

Khalid Abdel-Hadi là người sáng lập My.Kali, tạp chí dành cho cộng đồng LGBT bằng tiếng Ả Rập đầu tiên trên thế giới. My.Kali hiện có hơn 15.000 độc giả mỗi tháng và khoảng 100.000 lượt truy cập tạp chí mỗi tháng qua các phương tiện truyền thông xã hội. 

My.Kali được sản xuất bởi khoảng 30 nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, đồ họa và các nhà thiết kế thời trang... rải rác trên toàn cầu. Tất cả đều làm việc qua Skype. Cứ sau hai tháng, loạt bài viết, ảnh mới lại được quảng bá nó trên Twitter, Instagram, Facebook, cũng như trên Grindr - một ứng dụng hẹn hò đồng tính

My.Kali không né tránh bất cứ điều gì. Nó đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến người đồng tính nam, đồng tính nữ, thảo luận nhiều vấn đề được cho là nhạy cảm, chụp những bộ ảnh khác thường như phụ nữ đeo râu giả và đàn ông đi giày cao gót... Tại Jordan, Qatar,  My.Kali bị cấm phát hành.

“Trên phương diện chính thức, đồng tính luyến ái không bị cấm ở Jordan. Không có luật nào trừng phạt đồng tính luyến ái nhưng nó cũng không hoàn toàn hợp pháp vì còn những quy định của tôn giáo. Trong một cuộc khảo sát năm 2013 do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện, 97% số người Jordan được hỏi cho biết, không chấp nhận đồng tính luyến ái", Abdel-Hadi nói.

Abdul-Hadi, Tổng biên tập My.Kali, tạp chí dành cho cộng đồng LGBT bằng tiếng Ả rập đầu tiên trên thế giới.

Nỗ lực thay đổi định kiến xã hội về cộng đồng LGBT

Abdel-Hadi chỉ xuống phía con đường nhỏ, dưới những tán cây cọ ở Amman và cho biết thêm, cùng với thủ đô Beirut của Lebanon, Amman là một trong số rất ít thành phố trong khu vực tồn tại những địa điểm của cộng đồng LGBT. “Có một số quán bar nơi phụ nữ có thể làm quen với phụ nữ và đàn ông có thể gặp đàn ông nhưng sự thân mật lộ liễu sẽ không được chấp nhận”, Abdel-Hadi nói.

Abdel-Hadi cho biết, anh từng phải đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời là nên sống thật với chính mình hay trốn tránh, nên bảo vệ danh tiếng gia đình hay công khai giới tính của mình. Và cuối cùng, anh quyết định mạo hiểm. Năm 2007, khi anh mới 17 tuổi, Abdel-Hadi cùng bốn người bạn xuất bản My.Kali. 

Trong số đầu tiên, My.Kali có 12 bài viết bằng tiếng Anh, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp. Vì không có tiền để in tạp chí, Abdel-Hadi đã ghi các nội dung vào đĩa CD. Khalid Abdel-Hadi là người xuất hiện trên bìa đĩa số đầu tiên, không mặc áo, ánh mắt nhìn thẳng vào ống kính.

“Tôi đã trải qua quãng thời gian tồi tệ, bị bắt nạt ở trường vì nữ tính hơn những nam sinh khác. Các giáo viên thường xuyên hỏi ngay trong tiết giảng rằng, tại sao tôi lại có hành động như con gái. Có lần, tôi chạy vào nhà vệ sinh và khóc vì quá uất ức. Một ngày, tôi nói với mẹ rằng, tôi thích đàn ông. Khi đó, mẹ nói rằng, bà không biết gì về khái niệm “gay” và chỉ có mong muốn duy nhất là tôi trở thành người cha thực thụ trong tương lai. Tôi có cảm giác như mình đang nói một ngôn ngữ khác với gia đình", Abdel-Hadi nói.

Abdel-Hadi cho biết, My.Kali đang nỗ lực thay đổi cách nhìn của mọi người về cộng đồng LGBT.

"Số lượng người truy cập vào My.Kali ngày càng tăng. Rõ ràng, có rất nhiều người đang quân tâm tới các vấn đề mà chúng tôi đề cập. Tuy nhiên, trang web My.Kali từng bị Ủy ban Truyền thông Jordan chặn và người dùng ở nước này phải truy cập tạp chí bằng cách nhấp vào liên kết đặc biệt được chia sẻ qua phương tiện truyền thông xã hội. Giờ đây, My.Kali không còn là tạp chí của cộng đồng LGBT mà đã trở thành một không gian cho tất cả những người cảm thấy bị đẩy ra ngoài rìa của xã hội”, Abdel-Hadi nói. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.