Tàu bay một phen hú vía

Thứ Tư, 17/06/2020, 13:45
Tất cả hành khách trên chuyến bay VJ322 trưa 14-6 được phen hú vía khi chiếc máy bay không về nhà ga như thường lệ mà lại đánh võng lượn ra ngoài đường băng.

Trường hợp này hiếm. Nói theo kiểu "dân gian" là "khó thế mà cũng làm được". Tổ lái tạm thời bị đình chỉ bay để điều tra. Ai cũng vui vì tính mạng còn nguyên. Đấy là thí dụ cho thấy bắt buộc phải dùng dây an toàn trong quá trình cất, hạ cánh.

Có anh bảo sao không làm cái đường băng rộng gấp ba lần, làm sao mà "lội ruộng" được. Anh khác cãi, cứ cho là thế đi, bác có trả tiền vé gấp 3 không? Dù hàng không luôn đứng đầu về an toàn nhưng rủi ro dù ít vẫn xảy ra. 

Khi chưa có tàu cao tốc thì nói chung hàng không vẫn đứng đầu về tiện lợi. Nếu tàu cao tốc chạy tốc độ hơn 300km/h thì hơn đứt trực thăng, nếu 500km/h thì chả kém gì máy bay vận tải. 

Cái lợi là tàu cao tốc giảm thiểu gần hết thời gian làm thủ tục như hàng không. Nên nếu thực hiện được thì hàng không cũng thua vì riêng phần ra sân bay làm thủ tục là đã tốn 1 buổi rồi. 

Nhưng ý tưởng tàu cao tốc có vẻ không được dân tình mặn mà lắm. Bàn tới bàn lui, mở ra, đậy lại chưa đi đến đâu. Lại nhớ cái dự án sân bay Long Thành ích lợi thấy ngay, nhưng dân cũng lắm ý kiến quá, thành ra nhúc nhích nhưng vẫn kiểu rùa bò.

Minh họa Tả Từ

Điều kiện thời tiết là thứ liên quan rất gần đến mọi sự cố. Nếu tệ quá, máy bay có thể chọn sân bay khác hoặc có thể về chính nơi nó xuất phát. Về nguyên tắc thì máy bay đủ nhiên liệu về nơi xuất phát. 

Những trường hợp này sẽ trễ hàng tiếng đồng hồ. Hành khách thì lâu nay kêu trời vì trễ, đến nỗi, họ gán cho các hãng bay chữ SorryAirline, bởi khi trễ thì loa của sân bay lặp đi lặp lại lời xin lỗi.

Cách đây ít lâu, một máy bay của Nga đã hạ cánh bằng cách trượt bụng vào cánh đồng ngô. Tổ lái đã xử lý tốt hạ cánh khẩn cấp, cứu thoát 230 hành khách. Nguyên nhân thật trời ơi đất hỡi, đó là đâm phải... chim. Lại một lần nữa thấy sự nguy hiểm của thứ tưởng như vô hại là chim.

Vụ máy bay hành khách số hiệu 1549 của US Airways hạ bằng bụng xuống sông Hudson cũng làm chúng ta chưa hết sự hoan hỉ. Lý do cũng là do chim. Nhưng đây là một đàn chim. Cơ trưởng Chesley B. Sullenberger III, 57 tuổi đã quyết định hạ cánh xuống sông và đã cứu thoát toàn bộ hành khách một cách kỳ diệu.

Sự cố hàng không là khó tránh. Mỗi sự cố qua đi mà không để lại hậu quả là điều đáng mừng, là may mắn . vấn đề là từ đây cần thấy được chỗ yếu để khắc phục. May mắn ít khi lặp lại, nên cẩn thận vẫn hơn.

Lê Tâm
.
.
.