Tên người đã thành tên phố

Thứ Bảy, 29/11/2014, 13:30

Chủ nhật, nắng rực rỡ lên như chiều lòng người. Phố Kim Lân, tấp nập văn nhân mặc khách ghé về. Các phóng viên báo chí rộn ràng tác nghiệp. Hoa của lãnh đạo và người dân Kinh Bắc, của bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ đặt dưới cột chỉ đường mang tên Kim Lân. Các con cháu của nhà văn tề tựu đông đủ, cùng ôn lại những kỷ niệm về cha, ông mình - một người con của quê hương Kinh Bắc, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Làng", "Vợ nhặt", "Con chó xấu xí"…

Nhà văn Kim Lân đã trở thành người thiên cổ, nhưng cuộc đời và tác phẩm của ông mãi còn là một câu chuyện để những người cầm bút thế hệ sau suy ngẫm. Trong buổi gặp gỡ thân mật với bạn bè văn nghệ và báo chí tại thành phố Bắc Ninh, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái cả của nhà văn Kim Lân chia sẻ: "Chúng tôi, các con của nhà văn Kim Lân rất tự hào khi có một đường phố Kinh Bắc mang tên cụ. Sinh thời, bố tôi là người khiêm nhường, không thích khoa trương, ồn ào. Cụ sống gần gũi với thiên nhiên, là bạn của những người nghèo khổ, yếm thế trong xã hội.  Bố tôi chắc chưa bao giờ mong mỏi việc tên mình sẽ được đặt ở đâu đó. Cụ chỉ biết sống và viết chân thành như chính con người mình. Và hôm nay, tên của cụ, nhà văn Kim Lân, thành tên một con phố, là một sự ghi nhận, trân quý của chính quyền và nhân dân địa phương với một người nghệ sĩ sinh ra ở vùng quê Kinh Bắc. Chúng tôi là những người con của nhà văn Kim Lân, rất biết ơn và cảm kích tấm lòng của các vị lãnh đạo địa phương, bạn bè văn nghệ sĩ cả nước, đã luôn dành cho cha tôi một tình cảm đặc biệt".

Các nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm trên phố Kim Lân tại thành phố Bắc Ninh.

Sinh thời, nhà văn Kim Lân có rất nhiều bạn bè, không chỉ trong giới văn chương, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như hội họa, điện ảnh. Nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim, vào vai Lão Hạc trong tác phẩm điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy” được chuyển thể từ một số tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Đạo diễn NSƯT Nguyễn Văn Lượng ôn lại những kỷ niệm khi ông làm phim tư liệu về nhà văn Kim Lân. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng nhà văn diễn đi diễn lại một cảnh đến lần thứ 9, cho đến khi ông cảm thấy hài lòng. Họa sĩ Đào Hải Phong kể lại: "Tôi học cùng với người con thứ 6 của nhà văn Kim Lân. Chúng tôi thân nhau lắm. Thời đi học, tôi thích nhất là được đến nhà bạn chơi, nghe chuyện của cụ Kim Lân. Những câu chuyện cụ kể bao giờ cũng để lại cho chúng tôi nhiều suy ngẫm. Tôi nhớ nhà cụ rất hẹp, không gian dành cho cây cối và các thú vui của cụ chỉ khoảng 1m2 thôi. Nhưng trong 1m2 ấy cụ Kim Lân có thể bài trí rất nhiều thứ, mà mỗi thứ đều mang một vẻ đẹp riêng, đặc biệt. Cụ trồng cây, trồng hoa, nuôi chim cảnh. Ngay cả một viên đất, viên đá cụ nhặt về bài trí, thì nó vẫn luôn có một bố cục đặc biệt. Cụ có tư duy của một người họa sĩ. Bạn đến chơi với cụ hình như họa sĩ còn nhiều hơn cả nhà văn".

Trong số 200 người đến dự buổi gặp gỡ thân mật nhân dịp Kinh Bắc có tên phố mang tên nhà văn Kim Lân, ngoài các lãnh đạo địa phương và bạn bè văn nghệ sĩ, còn có cả những người cùng làng với nhà văn Kim Lân. Ngôi làng Phù Lưu chính là nơi chôn rau cắt rốn của anh thợ sơn guốc Nguyễn Văn Tài năm xưa (sau trở thành nhà văn Kim Lân). Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Kim Lân yêu quý, tự hào, trân trọng ngôi làng của mình, và đưa khái niệm Làng trở thành ký tự văn hóa đặc biệt theo cách của ông. Những người lao động ở đâu mà ông gặp, ông cũng yêu thương, thân thiết gần gũi như người làng của mình vậy. Mỗi phận người trong làng cũng đều có bóng dáng thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm, trong suy ngẫm của nhà văn Kim Lân. Hôm nay, họ đến, dù trang phục không còn quần thâm áo nâu, có thể đã biết dùng internet và có tài khoản facebook. Họ đứng chụp ảnh dưới tấm biển mang tên nhà văn Kim Lân - một người làng mình, thật hồn nhiên, đáng yêu.

Ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, tỉnh Bắc Ninh có hẳn một quỹ đường phố chưa đặt tên để dành đặt tên cho những danh nhân văn hóa là người Kinh Bắc. Tôn vinh những người con có đóng góp cho quê hương đất nước chính là văn hóa sống của những người lãnh đạo địa phương, và là thông điệp văn hóa mà không ít địa phương khác cần học tập. Riêng người viết bài này, khi ngắm nhìn con phố rất rộng và thoáng, yên bình với cây xanh và hoa nở, chợt nghĩ, thật khéo quá, người sao thì phố thế. Con phố tĩnh lặng đúng như tính cách của nhà văn Kim Lân. Tưởng như ông đang mỉm cười rất nhẹ, đi dạo ung dung trên con phố mang tên mình, dõi theo bóng những người làng mình rất ân cần, âu yếm…

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.