Tết cổ truyền dân tộc trong lòng Việt kiều Đức

Thứ Năm, 02/02/2012, 16:07

Có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở khắp các thành phố trên đất nước Đức. Hàng ngày họ quên đi được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương bởi công việc mưu sinh khá vất vả nơi xứ người. Nỗi nhớ đó chỉ được dịp thổ lộ ra mỗi độ Xuân về, cùng đất trời hoà mình vào không khí đón năm mới.

Có nhiều người lần đầu tiên xa nhà nhưng cũng không ít người vì công việc đã đón hơn 20 cái tết nơi xứ người, chính vì vậy mà họ luôn cố gắng duy trì và gìn giữ nét đẹp văn hoá của người Việt để làm vơi đi được phần nào nỗi thèm khát cái hương vị ấm áp, nồng nàn của Tết quê hương.

Hơn 20 cái tết nơi xứ người

Năm nay ở Đức mùa đông về muộn hơn mọi năm, hạ tuần tháng 11 mà thời tiết vẫn ấm áp. Nhiệt độ ngoài trời là 9 hay 10 độ C, không như mọi năm, vào thời điểm này thì tuyết đã bắt đầu rơi, mọi người đã cảm nhận được không khí lạnh và tất nhiên kèm vào đó là không khí của Giáng sinh và năm mới đến. Ở Đức đã từ lâu người ta lấy ngày Chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng 11 hàng năm là ngày tưởng nhớ Chủ nhật (Totensonntag). Sau ngày này hầu hết ở các thành phố lớn đều giăng đèn màu lung linh rực rỡ và mùa Giáng sinh và lễ đón chào năm mới bắt đầu.

Lần đầu tiên xa nhà sang Đức du học, chị Minh có phần háo hức nhưng không thể quên được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Chị vùi đầu vào công việc để có thể khuây khoả được phần nào, nhưng thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi đi mà nỗi cô độc càng bao vây lấy chị khiến chị không có cách gì mà thoát ra được. Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến với chị khi trên đường phố Berlin tràn ngập ánh đèn màu, không khí năm mới ập về khiến cả thành phố lung linh rạng rỡ như một bức tranh sinh động đủ màu sắc.

Chị được sống trong không khí vui vẻ của đất trời, trong tình yêu thương của những người đồng hương xa xứ như chị. Biết chị là người mới xa quê, tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt ở đây đã cố gắng bù đắp và kéo chị hoà nhập với cuộc sống hiện tại. Họ tổ chức các nghi lễ đón năm mới không khác gì khi chị ở Việt Nam. Tình cảm ấm áp mà mọi người dành cho nhau đã khiến chị Minh không còn nghĩ là mình đang sống xa quê hương đến nửa vòng trái đất.

Không phải ai cũng được như chị Minh bởi chỉ sau hai năm tu nghiệp, chị lại được trở về quê hương và chỉ quay lại Đức trong mỗi chuyến công tác ngắn ngày.

Xuất ngũ, anh Lê Văn Thành sang Đức theo diện Hợp tác lao động từ giữa những  năm 1980, rồi lập nghiệp định cư ở Potsdam (thủ phủ bang Brandeonburg), một thành phố du lịch hấp dẫn của Đức, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm bởi sự yên bình, trong lành và sạch đẹp với những vạt rừng xanh mát mắt, điểm xuyến những hồ nước trong veo cùng rất nhiều danh thắng và lâu đài cổ kính mà giá trị kiến trúc và lịch sử không thể phủ nhận.

Quán Sushi khiêm tốn nằm trên con phố đi bộ giữa trung tâm thành phố Potsdam cổ kính thường xuyên đông đúc thực khách khiến ông bà chủ Lê Văn Thành - Nguyễn Thị Minh Thảo suốt ngày bận rộn. Mải làm ăn mưu sinh nên thấm thoát đã hơn 20 năm ít có điều kiện trở về ăn Tết ở Việt Nam, nhưng không bao giờ anh Thành quên được những cái Tết sum họp đầm ấm ngày còn thơ ấu nơi quê nhà. Vì thế, năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết sắp chạm ngõ, dù kinh doanh bận rộn đến mấy, anh vẫn cố gắng thu xếp công việc để lo tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc chu đáo trên xứ người với tâm niệm giữ cho gia đình, đặc biệt hai cô con gái sinh ra ở Đức, một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của tổ tiên đã theo anh từ những ngày còn nhỏ.

Gìn giữ nét văn hoá người Việt

Ở châu Âu, người dân được nghỉ đón lễ Giáng sinh và Tết dương lịch vào cùng một dịp cuối tháng 12. Người Việt định cư ở Đức cũng bị chìm trong nhịp sống ấy và bị cuốn vào không khí chuẩn bị đón lễ Giáng sinh và Tết dương lịch của toàn xã hội. Trong khi đó, Tết Nguyên đán Việt Nam hầu như chỉ diễn ra trong cộng đồng người Việt, mọi sinh hoạt xã hội vẫn bình thường, bà con vẫn phải đi làm, không có ngày nghỉ như ở Việt Nam nên họ phải thu xếp công việc mới có thời gian tổ chức vui đón Tết cổ truyền dân tộc thật tươm tất.

Một tiết mục văn nghệ của các cháu thiếu nhi người Việt tại Đức.

Để có những món ăn truyền thống không thể thiếu được trong ngày Tết, cộng đồng người Việt Nam ở những địa phương nhỏ thường đổ về các Trung tâm thương mại châu Á lớn ở thành phố Leipzig, Dresden, Magdeburg, thủ đô Berlin… để mua sắm hàng Tết. Thực phẩm châu Á được các chủ kinh doanh nhập về khá đầy đủ, ngoài những mặt hàng thường nhật như thịt thà, tôm cá, gạo mì, bún phở khô đến các loại rau muống, rền, cần, cải, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, khoai sọ, khoai lang, sắn và các loại hành răm, kinh giới, tía tô, ngổ, mùi, gừng, tỏi, ớt, riềng, sả...

Dịp Tết còn có cả lá dong, bánh chưng, bánh tét, giò chả, hoa quả, mứt kẹo, đèn nhang, trầu cau… phong phú đến ngập mắt, cảm giác như ở chợ Đồng Xuân - Hà Nội vậy. Kẻ mua, người bán tấp nập, gia đình nào cũng cố sắm đầy đủ những thứ cơ bản cho ngày lễ lớn. Nhịp sống những ngày giáp Tết tại các Trung tâm thương mại khá sôi động, khẩn trương chẳng khác ở Việt Nam.

Tết năm ngoái, là khách nhà anh Thành, tôi đã thực sự được tận hưởng một bầu không khí thân tình toát ra từ trái tim các thành viên trong gia đình. Mặc dù ngoài trời ngập đường tuyết trắng và giá lạnh nơi xứ người, nhưng tôi vẫn cảm thấy có một ngọn lửa quê hương ấm cúng đang đượm cháy trong gia đình như ở Việt Nam vậy. Cả nhà, mỗi người một việc, hai cô con gái Phương Thảo và Thái Thảo ngoan ngoãn, học giỏi, thi nhau "biểu diễn" các món ăn Việt độc đáo, hương vị cỗ Tết lan tỏa khắp nhà.

Tuy sống trong một nền văn minh, văn hóa khác, nhưng hầu như gia đình người Việt nào ở Đức cũng lập một ban thờ nho nhỏ để nhang khói tổ tiên vào ngày Rằm, mồng Một hằng tháng. Ban thờ nhà anh Thành ngày Tết đầy đủ cả đèn nhang, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, giò chả, chè kho, mứt kẹo, hoa tươi và phong bao lì xì,… 30 Tết có gà luộc nguyên con, đĩa xôi khéo tay đơm đầy đặn và các món ăn dân tộc cúng Giao thừa.

Việt kiều ta thường thắp nhang làm lễ vào lúc 18 giờ ở Đức, bởi đó là đúng 12 giờ đêm Việt Nam, thời khắc giao hòa linh thiêng của trời đất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới,  háo hức cùng bà con trong nước đón nghe thông điệp chúc Tết của Chủ tịch nước trên kênh truyền hình VTV4; mọi người nâng ly sâm-banh chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, may mắn, làm ăn phát đạt và không thể thiếu được tiết mục lì xì cho con cháu cầu mong chúng học hành tấn tới, thành đạt, hiếu thảo với bố mẹ, ông bà và luôn nhớ về quê cha đất tổ; sau đó cả nhà quây quần dùng bữa trong phút giây đầu tiên của năm mới cùng với những câu chuyện đầy "kỷ niệm ngày xưa" ở Việt Nam, thật vui vẻ và đầm ấm.

Tổ chức văn nghệ đón Tết truyền thống của Việt Kiều tại Đức.

Nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp đó đã được gia đình anh Thành và hầu hết bà con Việt kiều ở Đức duy trì từ những ngày đầu họ đặt chân tới nước Đức xa lạ, thật là đáng quý. Nó không chỉ giúp họ có những giờ phút thoải mái bứt khỏi công việc để nhớ về quê hương đất nước, mà điều có ý nghĩa quan trọng hơn thế nhiều là để nuôi dưỡng một dòng máu trong tim các thế hệ con cháu luôn chảy về cội nguồn dân tộc, bởi nhiều người nhận thấy truyền thống văn hóa dân tộc đang có xu hướng bị mai một dần ở các thế hệ sinh ra và lớn lên tại Đức.

Tết là dịp sum họp đầm ấm bên nhau nên không chỉ mỗi gia đình người Việt ở Đức cố gắng thu xếp công việc để đón Tết, mà từ nhiều năm nay, Hội người Việt Nam ở hầu hết các thành phố đã tích cực tổ chức đón Tết cổ truyền và mừng Xuân mới cho bà con với quy mô rộng lớn, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Ở các thành phố lớn như Leipzig, Dresden, Chemnitz, Magdeburg,… hàng ngàn người, trong đó khá đông thanh, thiếu niên thế hệ người Việt sinh ra ở Đức đã tới họp mặt chung vui, giao lưu, chuyện trò về quê hương đất nước, trình diễn các tiết mục văn nghệ dân gian Việt Nam và thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo ngày Tết.

Không chỉ những người Việt Nam tại Đức duy trì những nét văn hoá đón Tết cổ truyền Việt Nam mà tất cả những người Việt xa xứ trên thế giới đều không bao giờ quên được hương vị của quê hương. Cho dù có đi nơi đâu thì cội nguồn vẫn là nơi mà tất cả mọi người hướng về

Nguyễn Xuân
.
.
.