Từ ngoài 20 tháng Chạp, trên mọi nẻo đường, từ phố về quê, nhìn đâu cũng thấy Tết đang về nô nức, bầu không khí không khỏi khiến người ta thấy nôn nao, xôn xao. Dân tứ xứ đi làm xa cả (bao) năm trời, dân mê dịch chuyển với bao chuyến đi, nhưng riêng Tết vẫn có thể vẫy gọi họ tìm đường, tìm cách về nhà cho bằng được. Năm dài tháng rộng, cũng chỉ có dịp Tết được nghỉ ngơi dài hơi nhất để đoàn viên bên gia đình, người thân, bạn hữu...
Trên con đường trở về, cũng là lúc ta trải lòng, nhớ về những thăng trầm năm tháng, từng chặng đường đời, từng kỷ niệm đã trải qua...
Gia đình anh dắt nhau đi làm kinh tế ở phương xa. Năm trước đã khất sang năm sẽ về quê ăn Tết. Hóa ra là có lý do thực tế che giấu phía sau. Nay anh mới chân tình chia sẻ: Tết năm đó “đói ăn”, do chăn nuôi gặp dịch bệnh, chết tỏng không kịp trở tay, mất trắng số vốn lớn mà chẳng dám than vãn với người thân, vì không muốn trở thành mối lo chung, nhà mình lại ăn cái Tết không ngon.
Cận kề những ngày cuối năm muộn màng, anh mới hé răng nhờ bạn thân chuyển khoản cho một số tiền để tiêu Tết. Rồi vin vào lý do tranh thủ buôn bán, chẳng lỡ đóng cửa vì sợ mất mối, nên Tết gia đình anh không về.
Anh bảo, Tết năm đó thấy buồn thiu ngay từ chiều mùng Một, rồi sang mùng Hai đã buôn bán trở lại, miệt mài làm ăn, gầy dựng suốt cả năm ròng. Có cái Tết, người ta phải dặn lòng nuốt hết nỗi niềm vào trong khi hướng về quê nhà, ngăn mình nước mắt lưng tròng, yếu đuối. Dặn lòng can trường bước tiếp trên con đường đã chọn.
Chuyện cũ được anh kể lại mà vẫn cứ đau đáu như mới hôm nào. Cha mẹ cũng công nhận, Tết năm đó, ai cũng có linh cảm lo xa, vì con cái đang ở đàng xa, không biết ăn Tết có đủ đầy, có thấy ấm vui giữa đất khách quê người hay không. Đương nhiên là không thể! Yên tâm toàn vẹn khó có thể có trong lòng mỗi người cha người mẹ. Những mối lo lắng, thầm thương con cái cứ gieo trong lòng cha mẹ theo năm tháng đằng đẵng, có lẽ đến hết đời.
Suốt năm trời, không quản công khó, làm ăn kinh tế, để hăm hở trở về đón cái Tết tại quê nhà. Khi tất cả con cháu hiện diện vui vầy dưới một mái nhà, cũng đủ khiến bậc cha mẹ thấy an lòng xiết bao. Mỗi năm còn có dịp được quay về bên nhau, sau những bộn bề lo toan của đời sống, đó đã là niềm hạnh phúc bình an thiết thực, khó có thể diễn tả qua vài dòng.
Đón Tết về, có một việc tiêu biểu, chắc không ai bỏ qua được, đó là dọn nhà. Ai cũng luôn chân, luôn tay, mà việc nhà cứ như “đẻ” thêm. Bộ bàn ghế chạm trổ biểu tượng bốn mùa với tùng, trúc, cúc, mai từng là gia tài tự hào của nhà mình, vừa là thách thức làm sạch và giữ gìn. Bàn thờ được lau dọn tỉ mẩn. Phủi bụi sắp xếp giá sách, ngăn tủ chưng đồ lưu niệm theo năm tháng, theo những chuyến đi để mang trở về. Nhà cửa quét dọn gọn gàng tinh tươm. Mạnh tay lược bỏ những thứ đã không còn phù hợp, hay cho đi có gì để tiếc… Tất cả sao cho ngăn nắp nhất có thể. Sau đó, cũng như vừa dọn lại những ngổn ngang trong lòng mình.
Tết ùa về đến nhà sẽ có mùi đặc trưng đến độ nhận ra được mùi quả chín, hương hoa tỏa lan trong không gian quen thuộc, mùi thơm trang phục mới sắm, mùi thức ăn, gia vị thơm nức từ gian bếp hay mùi hương trầm từ bàn thờ tổ tiên…
Tết mang rực rỡ, rộn ràng đến từng hiên nhà. Những ngày Tết, hiếm ai không cảm thấy hân hoan. Mọi khoảng cách dường như được xóa nhòa. Gặp nhau ngay thềm năm mới, phơi phới câu chào chúc. Gặp nhau trong tâm khí ai cũng trở nên hiền hòa, hành xử niềm nở, để mong những ngày tiếp theo trong năm an hòa, suôn sẻ.
Cha mẹ tôi không tìm chọn người hợp tuổi hợp mệnh để xông nhà đầu năm. Nhân vật xông nhà của bố mẹ năm nào cũng chỉ đơn thuần là từng đứa con trong gia đình, cùng bước vào nhà, với những lời chào chúc ý nghĩa. Cha mẹ tôi quan niệm, chúng con đến đều đã là món quà!
Tết nay còn có cảnh ngồi một chỗ có thể liên lạc xuyên lục địa, bao xa cũng nối lại cho gần, qua màn hình công nghệ gọn nhẹ, gương mặt, tiếng nói thân thương ùa về, dù không thể chạm, nắm, nhưng đó cũng là may mắn tận hưởng từ thời cuộc.
Hay cả năm, mới có dịp thư thả, đưa người thân đi thăm lại những người thân mến thương. Có người già sống trong cảnh mùi khai không giấu được, có người đã lẫn đến mức con mình còn chẳng nhận ra. Có đứa em thơ ở nhà với ông bà, cha mẹ còn phải tranh thủ làm ăn phương xa. Có đứa bạn nhắn rằng, năm nay xung phong làm xuyên Tết tại công ty nhằm lãnh thưởng gấp đôi gấp ba, để ra Giêng, phụ gia đình xây công trình vệ sinh khép kín. Tết cũng là dịp tìm đến những “căn nhà” có chung địa chỉ, để chăm nom lại nơi an nghỉ cho những người ta từng rất thương đã khuất, cắm nhành hoa thanh thỏa, xin thắp lên nén hương trầm cùng lời kinh cầu.
Tết về, khi ta có thể san sẻ chút gì đó từ chính mình, đến với những hoàn cảnh không giống ta, đó sẽ là cái Tết an yên vì sự thấu hiểu và cho đi một cách chân thành.
Khi trong lòng mình có Tết, ta sẽ đón Tết với biết bao dư vị, cảm xúc riêng.
Tết hóa ra là một hành trình đong đầy tâm tư gắn liền với chữ “nhà”: về nhà, ở nhà, xông nhà, chơi nhà, xa nhà…
Tết đến và đi như thế đó! Cứ khiến ta không nỡ rời xa, cũng không thể xóa bỏ.
Trên chuyến đi đầu năm, ai chẳng muốn ôm hết bao nhiêu ý niệm về Tết vào trong lòng, để mang theo mình.
Và một hành trình mới mở ra…
Trần Duy Thành