Tết xa, Tết gần

Thứ Ba, 13/02/2018, 09:00
Cứ tầm 27, 28 Tết là tôi đã được nghỉ học rồi, mà mẹ cha vẫn tất tả ngược xuôi lo toan. Tôi, trong cái không khí Tết cận kề ấy, đã bật khóc nức nở, trước khi mẹ dắt chiếc xe đạp rời khỏi nhà để đi chạy việc gì đó.


Trong ký ức, tôi nhớ về những chiều cuối năm. Thứ gió bấc của miền Bắc vẫn trổ lên từng đợt, rét lạnh căm căm. Tôi vẫn được người lớn trang bị quần áo ấm lành để tới trường học tập. Còn cha mẹ tôi thì lại tất tả ra đồng. Còn nhiều sào ruộng cần kịp san, bờ cỏ phải làm sạch… thường là cứ hối hả, tranh thủ con nước, thời vụ để kịp hoàn thành tiến độ của vụ lúa Ðông - Xuân.

Giữa cái lạnh buốt giá, hai người trụ cột trong gia đình vẫn bì bõm lội nước, bóng nhỏ giữa cánh đồng lớn, họ chỉ trở về nhà khi đã nhọc lao. Khi nghe thấy tiếng xe đạp lạch cạch rồi dựng bên hàng rào dâm bụt thì tiếng bầy con chào hỏi cũng líu ríu cất lên. 

Chúng tôi đi học về sớm đã phân công nhau để nấu được bữa cơm gia đình giản dị mà nóng ấm, chỉ đợi cho đến khi mẹ cha kịp rửa tay chân rồi ngồi sà xuống để ăn chung mâm, đâu đó, tôi vẫn còn ngửi thấy mùi ngai ngái của bùn đất thoang thoảng, mà có chút bận lòng, xót thương.

Rồi chúng tôi cứ lớn lên, trưởng thành bên nhau, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau từ những điều cỏn con đến những điều không cần nói ra, nhưng cũng vẫn luôn sẵn lòng vì nhau. Chúng tôi mỗi người, mỗi nghề đi theo định hướng của bản thân mà tự nhủ phải nỗ lực, tự thân. Có những khi mệt mỏi, chán nản, yếu đuối trên đường đi… thì tìm cách về với mái nhà, và mặc nhiên sẽ an yên khi ở đó.

Chúng tôi, mỗi đứa cũng tự mang về gia đình mình những điều chưa từng nghĩ được khi còn thơ bé. Đó là những điều có thể cha mẹ tôi không nghĩ đến hay không mong mỏi, nhưng khi điều kiện đến, trước tiên, chúng tôi luôn muốn dành dụm cho những người ưu tiên, là cha mẹ.

Mỗi đứa con góp vào bằng phần nào của mình, mái nhà khang trang hơn ngày tháng xưa cũ. Tiện nghi cũng đầy đủ dần và con lại phải hướng dẫn cha mẹ biết cách sử dụng, phải nhẫn nại vô cùng. Vậy mà, không dưng nhớ lại, hai người lớn nhất trong nhà cũng đã phải kiên trì vô cùng với những non nớt, ngây dại, ương bướng, cá tính… của tuổi thơ, rồi tuổi trẻ của chúng tôi. Thường thì không mấy ai trưởng thành rồi, mà lại dám chối bỏ một thời gắn bó dưới một mái nhà với mẹ cha. Âu cũng là một thời để nhớ và ghi lòng.

Tết năm nào cũng vậy, con cái chúng tôi cũng chăm khuôn kéo về ngôi nhà chung nào là những đồ đạc, những đồ ăn, thức uống… Những thứ mà, nhìn xem cũng chỉ nghĩ đến cho gia đình mình, họ dùng được không nhỉ? Rồi tất tả đón xe về quê nhà với cha mẹ, trong một chiều cuối năm.

Khi đón cái gió lạnh từ đồng chiều thổi về,  làm tôi nhớ nao lòng về thoáng chiều xưa ngồi bên khung cửa đợi cha mẹ đi làm đồng về. Cứ tầm 27, 28 Tết là tôi đã được nghỉ học rồi, mà mẹ cha vẫn tất tả ngược xuôi lo toan. Tôi, trong cái không khí Tết cận kề ấy, đã bật khóc nức nở, trước khi mẹ dắt chiếc xe đạp rời khỏi nhà để đi chạy việc gì đó.

Bà đã nán lại, và vội vàng lau những giọt nước mắt thơ dại cho tôi, vuốt má tôi và nói yêu: “Mẹ đi rồi mẹ lại về mà, có xa như Tết Công-gô đâu mà lo sợ gì. Nín đi con”.

Hồi thơ dại ấy, tôi không hiểu cách so sánh với “Tết Công-gô” là gì cả? Chúng ta vẫn hay nhắc đến sự kiện đó (không biết có thật hay không?) nhưng mấy ai biết được, dẫu cùng chung địa cầu, nhưng tại đất nước Công-gô hẻo lánh nơi có đầy rẫy những dịch bệnh diễn ra triền miên, đi kèm đó là đói khổ khiến con người ta hao mòn đi. Lại thêm nữa, những toán quân bạo động thỉnh thoảng lại nổ súng giết chóc, thảm sát những người vô tội…

Có lẽ dân Công-gô cũng chẳng biết Tết là gì, và Tết cũng trở nên xa vời vợi với họ. Bởi có lẽ, họ cũng chẳng mong gì, ngoài bình yên để sống. Nghĩ đến mà xót lòng, rồi chợt hiểu tại sao mẹ tôi hồi đó lại trấn an tôi bằng thứ lời “cửa miệng” của bà nhưng lại hàm chứa cả về tình thương yêu, lo lắng rất chân thật. Có lẽ, tôi may mắn lắm thay, vì có gia đình luôn ở bên, là điểm tựa, niềm ủi an, vỗ về từ thơ bé tới khi dạn dĩ.

“Mẹ ơi, Tết Công-gô là gì hả mẹ?”, tôi đã từng hỏi thế. Nhưng tôi nghĩ, Tết ở đâu, thì nhà ở đó, vì tâm an là khi thấy những người mình thương yêu rất mực được bình an và hạnh phúc bên nhau.

Tết, con cái chúng tôi dành dụm mang thứ gì về cho gia đình, cha mẹ cũng mừng cũng quý. Nhưng họ vẫn mừng hơn nhiều lần nữa, khi những điều mà chúng tôi đã vô tình mang đi xa nhà trong  suốt hành trình năm tháng đeo đuổi của mỗi đứa, thì khi chúng tôi trở về trước bậc thềm nhà, đó là mùa Xuân sum vầy rồi. Quà nào quý giá hơn?

Trần Duy Thành
.
.
.