'Thả rông' niềm tin

Thứ Tư, 30/09/2015, 16:00
Thời đại ngày nay khi mà nền văn minh công nghệ đã ngự trị đời sống xã hội, có những điều tưởng như không thể nhưng chỉ với vài cái nhấp chuột là trở thành có thể. Thế mà không ít người vẫn cứ u mê và hồn nhiên tin vào những điều nhảm nhí để rồi vô tình tạo ra mảnh đất mầu mỡ phì nhiêu cho những chiêu trò lừa đảo của những kẻ dựa hơi thánh thần để móc hầu bao của  mình. Không ít người nhẹ dạ vãi niềm tin vào cửa hoang tưởng để rồi dở khóc dở cười vì tiền mất tật mang.

Ngày nghỉ, còn đang bải hoải với chuyến công cán miền Tây thì ông em rỉ tai hệ trọng: "Anh ơi, ta vòng xuống Cà Mau sở thị và bái "thánh cua" đi anh". Hơ… sốc nhỉ, lại có cả "thánh cua" cơ à? Khốn khổ, đã sẵn thói hay hóng hớt những chuyện li kỳ làm sao lại bỏ qua "thánh cua" được.

Giời ạ, chỉ là chuyện một người dân nuôi trồng thủy sản bắt được một con cua to chừng nửa ký, có khác là con cua có một cái càng phụ mọc chòi trên cái càng chính. Thế là cái sự lạ được người ta phong thánh cho con cua, rằng "thánh cua" có thể nhìn thấu tâm can con người, ai có được "thánh cua" này coi như được trời ban tài lộc vô biên! Một đồn mười, mười đồn trăm, kẻ xa người gần khăn gói tìm về diện kiến "thánh cua", người nào cũng muốn sờ được tay vào "thánh" để lấy may, loạng quạng bị cua kẹp thì lại cho rằng "thánh cua" khó chịu nên quở trách.

Con cua có 3 càng được người dân hiếu kỳ ở Cà Mau “phong thánh”.

Chuyện về con cua ba càng cứ thế mà lan đi, có người vì thích con cua lạ muốn mua về chơi nên trả giá 500 ngàn. Thôi xong, thế thì đúng là "thánh" rồi. Không phải thánh thì ai mà mua con cua với giá ấy. Kể từ đó nhờ vào sự ấu trĩ của một số người mà con cua nhảy tót một phát thành "ông cua" và rồi cái giá của "ông cua" cũng thăng vùn vụt. Chả biết là người ham chơi đồ lạ hay cò cói đong đưa mà quát cái giá chục triệu vẫn không cung nghinh được "thánh cua" về, thế là quay sang hằm hè đe dọa. Tài lộc mà "thánh cua" mang đến chưa thấy đâu chỉ thấy gia chủ đang phải chốt cửa ôm cua mà sống trong sợ hãi!

Xem ra ngày nay chuyện phong thần phong thánh đã trở thành hội chứng, thành một hiện tượng xã hội. Cứ cái gì không bình thường một chút là có cơ trở thành thần thánh. Cái cây đẻ ra cái nhánh khác thường lập tức được phong "thần cây", thế là người người xì xụp lầu bầu khấn khứa. Ấy thế mà gặp tên lâm tặc để mắt đến thì coi như chưa biết "thần cây" sẽ chầu bãi gỗ lúc nào.

Còn nhớ ở Bình Phước có câu chuyện một cái tổ mối đùn lên có hình đầu người, thế là có người giầu trí tưởng tượng bảo rằng "bụt" xuất hiện linh lắm. Chuyện loang ra, người người kéo về chen nhau đội hương đội lễ lên đầu vái như tế sao. Chỉ béo mấy kẻ khôn ranh nhanh chân dựng lều bán hương hoa lễ vật tự nhiên hốt bạc. Được mấy bữa mưa trôi béng cái tổ mối, coi như "bụt" đã về Tây Trúc.

Chuyện con cua ba càng, con gà sáu móng, con bò sáu chân... cũng giống như trường hợp những đứa trẻ sinh ra có những dị tật hoặc dị dạng… Tất cả những điều đó chỉ là trội gien hay đột biến gien. Những chuyện như thế khoa học thừa khả năng để giải thích, nhưng tại sao nhiều người vẫn cứ thả rông niềm tin một cách mơ hồ ngớ ngẩn như thế nhỉ? Nực cười hơn là nhiều người còn ảo tưởng đến mức đặt cược cả sức khỏe tính mạng vào những "thánh cô thánh cậu" chỉ sờ sờ nắn nắn tát cho vài cái, phun cho tý nước lã vào người mà tứ chứng nan y cũng khỏi.

Không phải người dân bình thường ít hiểu biết mà ngay cả những người là trí thức, công chức, nghệ sỹ… có trình độ, có hiểu biết hẳn hoi mà vẫn hồn nhiên tụt quần, cởi áo nằm ngoan cho "thánh cô" giẫm đạp tin rằng mọi bệnh sẽ tìm đường tẩu tán như vụ "thần y" ở Đồng Tháp hay "thánh Phú" ở Thái Nguyên thật là thương vụ béo bở ngon ăn của các "thánh".

Có không ít câu chuyện cười ra nước mắt khi chứng kiến những trường hợp một người dở dở ương ương chân tay lèo khèo, mắt mũi lem nhem, chả học hành gì bỗng có một ngày "nổ" mù mịt là "cô" cho ăn lộc. Thế rồi cũng lập am lập điện đốt hương khói mù mịt, tay chân múa như con nghiện vã hàng, lại thêm đám cò le ve kiếm chác tự xưng là đệ tử chia nhau tám hướng dò la tin tức rồi rỉ tai đồn đại "cô" linh lắm, "cô" biết tuốt. 

Thôi thì già trẻ tứ phương lũ lượt kéo đến chầu, việc của "cô" là trùm khăn kín mít ngồi lắc lư, việc vơ tiền nhét bị và trả lời người đến khẩn cầu là việc của con nhang đệ tử. Được dăm ba bữa thấy "cô" hết linh, lại ngồi bậu cửa rớt rãi lèo nhèo, ruồi đậu không muốn đuổi. Vãi cô!

Chúng ta đang từng ngày tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại đồng thời gạt bỏ những hủ tục lạc hậu, đẩy lùi và nghiêm cấm những hành vi mê tín dị đoan để "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Nhưng câu hỏi đặt ra là ngành văn hóa và các cấp chính quyền cơ sở đã ở đâu và đã làm gì để tuyên truyền giải thích cho người dân, đồng thời ngăn chặn kịp thời những chuyện phong thần phong thánh vô lý như vậy.

Cũng không hiểu tại sao không ít người dân vẫn cứ mê muội ấu trĩ tin vào những chuyện hoang đường như thế, để rồi không chỉ tiền mất tật mang mà còn gây ra sự hoang mang và lo lắng cho chính bản thân và gia đình, và kéo theo bao nhiêu là hệ lụy xã hội. Đã đến lúc cần có sự ra tay quyết liệt của các ngành chức năng, của chính quyền cơ sở để sớm dẹp bỏ những hiện tượng văn hóa không lành mạnh đó.

Đinh Nam Nghị
.
.
.