Thác Bờ xưa mò tìm trên cạn

Thứ Năm, 24/09/2020, 13:06
Danh sách người liên quan đến phố Bờ luôn được bổ sung và ngày càng dài ra. Đồng thời số người loại khỏi danh sách cũng tăng lên sau khi tôi đã liên hệ mà họ không có ảnh. Người được bổ sung vào danh sách tiếp tục đem đến hy vọng, người loại khỏi danh sách cũng giúp tôi yên tâm về họ để lại tìm người khác.


Một hôm, tôi nhớ năm 1977 mình lên Đà Bắc (Chợ Bờ) nhận công tác có biết một anh cùng lứa tên Thọ, con ông Nguyễn Tuấn Đức cắt tóc ngay chợ Bờ. Năm sau thì Thọ đi học lái xe ở Sơn La và định cư trên đó cho tới nay. Nghĩ, người xa quê có thể giữ lại kỷ niệm về thác Bờ, tôi tìm hỏi số điện thoại và liên lạc với Thọ. Thọ nói: "Tôi không có ảnh nào, nhưng nhà bác tôi tên là Tuấn ở thị trấn Hát Lót có một ảnh thác Bờ đang treo ở phòng khách đấy".

Mừng quá, tôi cùng Lê Quốc Khánh (nay là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hoà Bình) lên đường. Vào nhà cụ Tuấn phải qua sân Công an huyện Mai Sơn rồi đi thêm một đoạn dài nữa. Tới nơi, chưa kịp nhìn chủ nhà, tôi tia mắt ngay khắp phòng khách và nóng người lên khi bắt gặp ảnh người thanh niên rất đẹp trai ngả người trên một hòn đá nơi thác Bờ, phía sau là dòng nước sông Đà và lô nhô đá thác.

Ông Vũ Ngọc Tuấn tại thác Bờ năm 1958.

Thời tiết đầu hè đã làm nóng khí hậu miền Tây bắc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, cụ Tuấn làm bạn cùng chiếc giường với đầy đủ chăn, đệm đã lâu. Nghe thấy có khách phố Bờ, cụ nhỏm dậy như người bình thường sau giấc nghỉ trưa.

Sinh ra và lớn lên tại phố Bờ. Năm 1958, chàng thanh niên 20 tuổi Vũ Ngọc Tuấn đi công nhân giao thông. Khi Trường đào tạo lái xe Tây Bắc mở tại Sơn La, Vũ Ngọc Tuấn được điều về làm cán bộ tổ chức của trường. Năm 1978, ông Tuấn xin cho cháu là Thọ (khi đó Thọ đang ở phố Bờ) vào học tại Trường Đào tạo lái xe Sơn La. Học xong, Thọ định cư tại TP Sơn La cho đến nay.

Cụ Tuấn như khoẻ ra khi nhắc tới thác Bờ. Cụ kể, cụ là em ruột của chủ hiệu ảnh duy nhất tại phố Bờ Vũ Tài. Khi còn thanh niên, cụ được ông anh chụp cho nhiều ảnh tại thác Bờ. Lần cuối cụ về thăm cụ Vũ Tài tại thị trấn Đà Bắc (huyện mới sau chuyển lòng hồ) cũng đã mấy năm rồi. Khi cụ Vũ Tài mất, cụ Tuấn cũng đã yếu nên không về chịu tang ông anh được.

Lựa mạch cảm xúc đang trào dâng khi nói về Chợ Bờ của cụ, tôi hỏi, thưa bác, hai bác còn giữ được nhiều ảnh về thác Bờ không ạ? Tay run run, cụ Tuấn vừa thở hổn hển vừa lật dưới gối lấy ra một bọc, mở bọc lấy gói nhỏ hơn, nhỏ hơn, rồi tới gói giấy bóng đã xỉn màu, nhỏ như bao diêm...

Nhìn cụ lật mở những gói là gói, tôi và Lê Quốc Khánh cũng nín thở trong hồi hộp chờ đợi một kho báu mình khao khát tìm kiếm bấy lâu nay. Dưới tay cụ Tuấn, trong những gói kia là những ảnh nào, góc nào của thác Bờ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu tôi. Là người đã từng đặt những bước chân đầu tiên trong đời công tác tới Chợ Bờ, rồi bao lần ra thác Bờ vẫy vùng... nên ảnh nào của thác Bờ là tôi nhận ra ngay. Rồi tôi và Khánh cùng ồ lên. Trời ơi, không phải một ảnh, hai ảnh, ba ảnh... mà có tới hơn 10 ảnh cụ Tuấn chụp ở thác Bờ lần lượt được bày ra.

Hẳn những người lớn tuổi đều biết, ngày ấy để chụp được một kiểu ảnh quả là khó khăn. Máy ảnh hiếm lại chụp bằng phim, rửa ảnh trong buồng tối. Rửa xong mới biết ảnh nào được, ảnh nào không. Do đó, đa số người có chụp thì chụp lấy cái mặt mình chứ mấy người chụp lấy cảnh như sau này. Chính thế, trong quá trình gặp gỡ người phố Bờ xưa, tôi cũng gặp một số người có ảnh cũ, kể cả ảnh chụp ở thác Bờ, nhưng hoàn toàn không có cảnh thác, dù chỉ rất ít. Thậm chí, có ảnh chụp người đứng tịt vào vách đá như đứng trước một cái phông đá vậy.

Đợi bạn.

Vô cùng cảm ơn cụ Vũ Ngọc Tuấn đã lưu giữ hơn mười tấm ảnh có cảnh thác Bờ. Ảnh cụ Tuấn bám vào mỏm đá Đầu gấu; ảnh cụ cùng bạn đứng ở bờ sông mà hậu cảnh là một phần thác Bờ...Và vô cùng quý là hơn mười bức ảnh cụ Tuấn giữ từ năm 1958 đều ít nhiều có cảnh thác Bờ. Niềm hạnh phúc quá lớn đối với người lần mò quá khứ như chúng tôi. Từ chỗ khao khát nhìn thấy một ảnh thác Bờ theo giới thiệu của anh Thọ, giờ tôi có những hơn mười ảnh. 

Có lẽ, ông Trời đã phù hộ tôi trong việc này. Nhưng có điều thật tiếc xen lẫn ân hận, khi cuốn sách ảnh "Bờ xưa" được xuất bản, tôi gửi lên tặng thì mới hay cụ Vũ Ngọc Tuấn vừa rời cõi tạm về với tổ tiên. Xin nhiều lần xin lỗi cụ về sự chậm trễ này của cháu cụ Vũ Ngọc Tuấn nhé!

Theo danh sách người quen, tôi lại tranh thủ lân la tìm gặp trên điện thoại hoặc ngoài đời. Một lần vào thị trấn Đà Bắc, tìm đến anh Nguyễn Văn Hùng là chỗ quen biết từ thời trên Chợ Bờ. Biết tôi đi tìm ảnh thác Bờ, anh Hùng tủm tỉm rồi lấy ra cho tôi ba ảnh nhỏ, trong đó có ảnh của bố anh (đã mất) cùng bạn là công nhân Bến phà Bờ đứng dưới gốc cây si chùm rễ xuống mái đền bên thác Bờ; ảnh dì của anh lúc còn rất trẻ ngồi trên thuyền dưới chân thác Bờ.

Và thật thú vị với ảnh của chính anh Hùng khoác ba lô đứng trên một mỏm đá thác Bờ giơ tay như tạm biệt ai đó? Về tấm ảnh này, anh Hùng kể, năm 1974, trong ngày nhập ngũ, sau khi nhận quân trang tại Huyện đội Đà Bắc, anh xin phép ra thác Bờ và nhờ ông Tài chụp cho tấm ảnh kỷ niệm. Chụp rồi anh về đơn vị cho mãi tới khi huấn luyện xong, anh mới về tranh thủ, nhận ảnh và giữ được cho đến nay.

Thấy tôi trò chuyện với anh Hùng, anh Hoạch nhà bên cạnh tự tin khoe: Nhà em có ảnh thác Bờ, năm ông già em (là cụ Chu - Bến trưởng Bến phà Bờ thì tôi rất biết) lái ca nô đẩy phà lên tận chân thác Bờ để đoàn làm phim quay cảnh trong bộ phim "Hai bà mẹ" nói về tình hữu nghị Việt Nam  - Lào".

Tôi càng hy vọng và khấp khởi chờ đợi. Tôi nghĩ một khi đứng trên phà giữa sông Đà mà chụp thì tất sẽ được cảnh rộng của thác Bờ. Thế rồi sau nhiều lần gượng hỏi, hỏi có khi đến phát ngại, anh Hoạch hứa sẽ tìm, rồi kết lại là không biết để đâu nữa. Tôi cứ hì hụi tiếc và vẫn tiếp tục hy vọng anh Hoạch sẽ tìm thấy ảnh như anh nói.

Hai vợ chồng cụ Vũ Ngọc Tuấn tại Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La.

Đúng là do thời gian quá lâu. Nếu tính những tấm ảnh chụp mới nhất về thác Bờ thì cũng đã gần 40 năm. Ảnh đen trắng, không ép thật khó bảo quản. Hơn nữa do hệ lụy của việc chuyển dân khỏi vùng ngập lòng hồ, mà không chỉ chuyển một lần nên càng khó giữ ảnh. Lại nghĩ, thỉnh thoảng mình tìm quyển sách nào đó trên giá sách nhà mình, giấy tờ trong tủ, trong hòm mà còn toát mồ hôi, còn ngại... huống chi họ tìm cái thứ mà họ chỉ mang máng nhớ là có, còn chính xác để ở đâu thì họ chịu. Vì thế, không có cách nào khác là phải kiên trì.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình có một hội viên rất trẻ là Phạm Thuý Quỳnh, người được giải Nhất cuộc thi "Cây bút tuổi hồng" do Hội phát động. Trong không ít truyện ngắn của Quỳnh có đề cập đến thác Bờ, thấy lạ, tôi hỏi thì Quỳnh nói được ông ngoại kể cho nghe chứ Quỳnh có biết gì về thác Bờ. Tôi tìm đến ông ngoại của Quỳnh thì hoá ra là ông Việt cán bộ Cửa hàng Lương thực huyện Đà Bắc khi xưa. Thị trấn Đà Bắc ngập, ông Việt chuyển gia đình lên tận Mường Chiềng, cách huyện lỵ Đà Bắc hiện nay trên 70km.

Nhà thơ Lê Va (tholeva@gmail.com).

Ông Việt đưa tôi xem một bức ảnh khá đặc biệt. Trong ảnh, bốn thanh niên trẻ, cởi trần, tóc dài quần loe, người ngồi giữa bế một em bé chừng vài tháng tuổi bên thác Bờ. Ông Việt giải thích, đây là bốn thanh niên thợ đá trong Thanh Hoá được thuê ra cắt mỏm đá khắc bài thơ của Vua Lê Lợi mang về thị xã Hoà Bình trước khi nơi đây chìm ngập.

Thời gian thi công, họ ở gần nhà ông và bế đứa con đầu của ông bà chụp ảnh. Giờ họ ở đâu, ông Việt cũng không biết. Thằng cu trong ảnh, năm nay cũng gần bốn mươi tuổi rồi... Vô cùng cảm ơn ông Việt đã giữ tấm ảnh không chỉ có thác Bờ mà còn gắn với một công việc rất ý nghĩa liên quan đến cuộc chuyển dân, chuyển huyện, đến một di tích lịch sử quan trọng, đó là Bài thơ tạc vách đá của Vua Lê Lợi, từ năm Nhâm Tý 1432 khi nhà vua qua thác Bờ trên đường dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn trên miền Tây Bắc. (CSTC số...đã đăng bản dịch bài thơ này). Mỏm đá khắc bài thơ ấy được gọi tắt là Bia Lê Lợi. Sau khi cắt rời, Bia Lê Lợi được chuyển về Nhà Văn hoá thị xã Hoà Bình, sau đưa về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hiện nay Bia Lê Lợi lại được đưa lên đỉnh đồi Hang Thần trên Hồ Hoà Bình và đặt trong khu tâm linh mới xây dựng mang tên "Thác Bờ Linh Từ".

Thật quá thú vị. Đúng là chịu khó đến với dân thì sẽ có mọi thứ. Cảm ơn cuộc đời. Cảm ơn nhân dân!

Lê Va
.
.
.