Thái Lan: Phạt lái xe phạm luật, say rượu phải đến nhà xác làm việc

Thứ Năm, 28/04/2016, 14:00
Lễ hội té nước truyền thống Songkran ở Thái Lan (diễn ra nhiều ngày trong tháng Tư dương lịch) được rất nhiều người trên thế giới biết đến và yêu thích. Bởi vậy, cứ vào dịp này hàng năm, xứ sở Chùa Vàng luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài, mang về doanh thu cho ngành công nghiệp không khói gần 600 triệu USD mỗi năm.


Nỗi lo từ "lễ hội chết chóc"

Hàng ngàn người Thái đang trên đường trở về quê nhà từ các thành phố lớn sau lễ hội. Nhiều người trong số họ đi trên đường sau khi uống rượu bia và những người lái xe gắn máy thường không tôn trọng luật đội mũ bảo hiểm. Chính phủ gọi thời điểm diễn ra lễ hội là  "Những ngày nguy hiểm", trong khoảng thời gian kể trên, trung bình có 2,3 người chết và 160 người bị thương mỗi giờ.

Lễ hội té nước Songkran đã kết thúc ngày 17-4. Theo thống kê, trong 7 ngày diễn ra lễ hội mừng năm mới, có tới 442 người chết trong các vụ tai nạn đường bộ, tăng 21,4% so với năm ngoái. Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda cho biết, kể từ ngày 11-4 đến ngày 17-4, 3.447 vụ tai nạn đường bộ đã được ghi nhận, trong đó có tới 3.656 người phải nhập viện trong tình trạng bị thương nặng. Chiang Mai có số vụ tai nạn cao nhất cả nước, còn thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Ratchasima có số người tử vong nhiều hơn cả. Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do người lái xe say rượu và bất cẩn. Có hơn 16.000 giấy phép lái xe bị tịch thu do tài xế say xỉn.

Mỗi năm ở Thái Lan xảy ra khá nhiều vụ tử vong do tai nạn giao thông.

Trước đó, mặc dù chính phủ Thái Lan đã đưa ra hàng loạt biện pháp mới nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, cũng như số người thương vong: tăng cường an ninh ngăn chặn tội phạm và cấm tuyệt đối các trang phục gợi cảm để giữ gìn văn hóa lễ hội, thế nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói: "Những phụ nữ hay người chuyển giới cố tình ăn mặc khiêu gợi, nhảy múa trên xe tải đều sẽ bị bắt". Yêu cầu này được đưa ra sau kết quả một cuộc thăm dò cho biết, một nửa số phụ nữ tham gia lễ hội Songkran bị quấy rối tình dục từ những người đàn ông say rượu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất mà các nhà chức trách Thái Lan cần tìm câu trả lời bây giờ là làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong trong mùa lễ hội năm tới. Thái Lan đứng thứ hai trên thế giới về số ca tử vong do tai nạn giao thông, các chuyên gia y tế và an toàn giao thông sợ rằng thậm chí tình hình sẽ có thể tồi tệ hơn nữa.

Giúp người vi phạm thấy rõ hậu quả

"Những người vi phạm luật giao thông bị tòa án kết tội sẽ được gửi đến làm việc tại nhà xác trong bệnh viện", Đại tá Cảnh sát Kriangdej Jantarawong, Phó Giám đốc bộ phận hoạch định nhiệm vụ đặc biệt cho biết.

Ông này nói thêm: "Đây là chiến lược được sử dụng để làm cho những người vi phạm luật giao thông cảm thấy e ngại khi lái xe thiếu thận trọng hay lái xe trong khi say rượu vì họ có thể gặp kết cục tương tự như thế. Nó là một biện pháp răn đe, một cách để ngăn cản người dân vi phạm".

Phạm luật có thể bị gửi đến nhà xác cũng là nhằm thực hiện nghĩa vụ công ích, một hình phạt mới để giúp người vi phạm nhìn thấy rõ hậu quả tang thương có thể xảy đến vì những hành vi vô trách nhiệm của họ. Đầu năm 2016, các quan chức thông báo lái xe say rượu có thể bị tạm giữ phương tiện trong suốt lễ hội và gần đây họ phê duyệt phương án gây sốc trên là bắt làm việc tại nhà xác.

Hôm 13-4, Giám đốc Phòng cấp cứu của Cục Y tế Công, Anurak Amornpetchsathaporn nói rằng, để người vi phạm làm việc trong nhà xác có thể khiến họ ngẫm nghĩ sâu sắc hơn, thay vì làm các công việc cộng đồng khác như vệ sinh công viên hay thư viện. Những việc này đã được chứng minh là không đạt được hiệu quả kỷ luật. "Họ sẽ thấy thiệt hại thực tế về thân thể và tinh thần", Anurak nói, "Trong nhà xác, họ sẽ phải dọn dẹp và vận chuyển các xác chết, vì vậy hy vọng họ sẽ cảm nhận được nỗi đau, sẽ có thể thấu hiểu và cảm thấy có trách nhiệm. Việc đó sẽ giúp họ an toàn hơn khi lái xe".

Vân Trường - L.T (Tổng hợp)
.
.
.