Thảm họa môi trường khủng khiếp nhất thế kỷ

Thứ Ba, 23/07/2019, 10:28
Một vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, phía Đông Nam Brazil đã khiến hàng nghìn mét khối bùn và nước đổ xuống khu vực dân cư xung quanh khiến ít nhất 200 người mất tích.

Theo thông báo của Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale, chủ sở hữu của khu mỏ và là nhà sản xuất và khai thác sắt lớn nhất thế giới, sự cố xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 25-1-2019 (giờ địa phương) và vào thời điểm đó, trong hồ chứa có khoảng 1 triệu mét khối chất thải khoáng sản. 

Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco. 

Trong những ngày đầu tiên vỡ đập hồ chứa bùn thải có 5.000 cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu. Cho tới lúc này, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang tiếp tục và chưa biết khi nào mới hoàn tất bởi hậu quả để lại quá lớn.

Brumadinho là một đô thị thuộc bang Minas Gerais, dân số trên 32.000 người, mật độ khoảng 50 người/km². Tháng 1 năm 2019, ngay cạnh thành phố này đã thực sự cận kề ngày tận thế: do vỡ đập hồ chứa bùn thải nên nhiều triệu mét khối bùn thải có chứa chất độc hại tích cóp trong nhiều năm ở mỏ quặng sắt lộ thiên đã tràn xuống phủ ngập làng thợ mỏ. 

Lúc đó không có hệ thống báo động tự động, phải vận hành thủ công mà không ai biết sử dụng, biển bùn thải đã cuốn đi các ngôi nhà, trang trại, tòa nhà hành chính và cuốn chết hàng trăm thực khách đang đông nghịt trong nhà ăn. 

Thảm họa này đã làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân vùng Brumadinho: trong thị trấn, nơi hầu như từng gia đình đều có người làm việc trong mỏ quặng sắt và biết mặt những người thợ mỏ cho đến bây giờ vẫn còn nhớ từng người trong số hơn 240 nhân mạng bỏ mình trong ngày đó.

Vỡ đập ở hồ chứa bùn thải Brumadinho.

Ngày 25-1, do bể chứa bùn thải sau khi đã làm giàu quặng bị hỏng, dòng bùn độc hại có khối lượng 12 triệu mét khối đã làm vỡ con đập, không những gieo vô số chết chóc và sự phá hủy, mà còn làm cho bối cảnh kinh tế Brazil càng tồi tệ hơn. 

Các chất độc hại chứa trong bùn thải đã phá hủy môi trường sinh thái của dòng sông Paraopeba, nước đã không thể dùng để uống, hàng trăm loài sinh vật đã chết. Thảm kịch ở Brumadinho là bi kịch môi trường khiếp hãi nhất trong toàn bộ lịch sử Brazil và quy mô nhất, nó lọt vào Top 3 thảm họa môi trường kinh khủng nhất trong toàn bộ lịch sử loài người, mà hai thảm họa kia xảy ra từ thế kỷ trước.

Suốt từ ngày ấy đến nay, những nhân viên tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục công việc, nhờ sự nỗ lực của họ đã tìm được 244 nạn nhân, cứu được 192 người trong 48 giờ đầu tiên, còn 26 trường hợp được chính thức công nhận là đã mất tích. Trong những ngày đầu tiên của thảm họa có 5.000 cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu và hiện giờ còn 120 người đang tiếp tục làm việc tại hiện trường.

Một nhân viên cảnh sát nói: “Tôi không thể nói rằng mình biết rõ cơ cấu của hồ chứa bùn thải, nhưng ngay cả người không có nghiệp vụ cũng thấy rõ ràng là hãng khai khoáng Vale đã bước qua ranh giới cho phép. Họ cứ nghĩ rằng nguy cơ không đến nỗi lớn, nhưng tất cả hóa ra lại còn tồi tệ hơn nhiều so với họ nghĩ”.

Phần lớn người dân Brazil đều công khai khẳng định: thảm họa xảy ra không phải tình cờ mà là do “tên giết người” có tên là Vale, họ đã vì lợi nhuận mà tiết kiệm chi phí cho công tác an toàn. 

Những người dân địa phương trong cơn bất bình còn cho biết: Năm 2015 đã vỡ một hồ chứa bùn thải của Vale ở Mariana, nơi có mật độ dân số trên 44,5 người/km², khi đó có 19 người chết, môi trường xung quanh bị tàn phá nghiêm trọng. 

Cả hai hồ chứa bùn thải này đều được gia cố bằng thứ công nghệ rẻ nhất. Công bằng mà nói, bản thân việc khai thác quặng sắt là rất thiếu hiệu quả: những thu nhập từ đó không đủ để xây dựng những hồ chứa bùn thải chắc chắn.

Anderson Passos, 45 tuổi, chỉ huy đoàn tìm kiếm.

Gần đây, Tổng thống Brazil mới nắm quyền từ ngày 1-1- 2019 Jair Bolsonaro hứa sẽ giúp các hãng khai thác khoáng sản nước này. Trước khi xảy ra thảm họa một tháng, hồ chứa bùn thải ở Brumadinho đã qua kiểm tra, khi đó hãng Vale đã được nhắc nhở là con đập hồ bùn thải có nguy cơ đe dọa, song Vale cứ cam đoan là tất cả đều ổn.

Dòng bùn thải phụt ra rộng tầm 10 kilomet, cao 15 mét, sức mạnh của nó có khả năng xé thân thể con người ra thành từng mảnh, trùm lấp các ngôi nhà trong hai làng Córrego do Feijão và Parque da Cachoeira.

Hernando Luiz Preto, 50 tuổi, người sống sót sau thảm họa Brumadinho kể: “Khi đập bị vỡ thì tôi đang ở fazenda (nhà vườn), tôi thấy dòng bùn bẩn ào đến rất nhanh nên bỏ chạy, bùn chỉ bắn vào tay. Nhưng fazena mà tôi chăm sóc hàng ngày thì không còn nữa. Nhiều người ở đây sinh sống bằng nghề trồng trọt đã trở nên trắng tay, tất cả chỉ vì Vale”.

Một cửa vòm cuốn là tất cả những gì còn lại của khách sạn Nova Estancia, nơi dừng chân của nhiều du khách từng đến thăm công viên – bảo tàng nghệ thuật hiện đại “Inhotim”. Ở thời điểm vỡ đập, có 38 người trong khách sạn. Cũng may, dòng bùn không đụng đến công viên.

Jolande Oliveira Lika, 49 tuổi, mất người con trai trong thảm họa: “Một con trai mất vì bệnh bạch cầu, một con trai nữa bị giết trên đường phố, còn thảm họa Brumadinho cướp đi của tôi người con trai cuối cùng, nó là thứ ba, đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. 

Tôi tin đây không đơn thuần là tai nạn rủi ro, nó là vụ giết người thật sự, vì Tập đoàn Vale đã chủ ý coi thường các quy tắc an toàn. Con trai chết, họ sẽ bồi thường cho tôi mỗi tháng 1.000 real (250 USD) trong vòng một năm, giá một mạng người chỉ rẻ thế đấy”.

Bùn thải sẽ đổ vào sông, mức độ sắt trong dòng sông sẽ tăng gấp trăm lần, mức độ nhôm – nghìn lần, ngoài ra hàm lượng thủy ngân không sử dụng hết sẽ lẫn vào trong nước. Theo một giả thuyết thì điều đó xảy ra đã đụng đến những mỏ vàng đã qua khai thác. Sự ô nhiễm được ghi nhận trên suốt chiều dài 150 kilomet. Bùn thải của ngành công nghiệp khai khoáng cũng thấy có ở São Francisco, dòng sông lớn gần đấy.

Do ô nhiễm dòng sông mà làm đảo lộn cuộc sống một làng nằm ở 20 kiliomet dưới hạ lưu của bộ lạc Pataxó, nơi có 26 gia đình lấy làm nguồn nước chủ yếu. Người da đỏ nói rằng sau khi vỡ đập, nước sông bỗng đen xì, cá ngoi ngóp nhảy cả lên bờ, nhìn cảnh ấy không thể không ứa nước mắt.

Dường như để bồi thường thiệt hại cho dân, hãng Vale tổ chức tiếp tế nước, thịt và cá cho làng. Người da đỏ không tin một khi nào đó đàn cá lại trở về với dòng nước ở đây, họ nói rằng dòng sông đã chết chỉ vì lòng tham vô độ của con người. Tuy thế, thổ dân nơi đây không hề có ý định bỏ nhà bỏ cửa mà đi nơi khác, họ sẵn sàng đấu tranh vì cuộc sống cho đến cùng.

Thảm họa đã làm đảo lộn cuộc sống của các bộ lạc hạ lưu sông Paraopeba.

Andress Lanchoti, Chưởng lý bang Minas Gerais chuyên theo dõi vụ vỡ đập nói rằng không thể cho phép để tình trạng đó – trong vòng 3 năm xảy ra 2 vụ liền ở hồ bùn thải của cùng một hãng. 

Hãng khai thác khoáng sản Vale là nhà sản xuất quặng thép lớn nhất thế giới chuyên khai mỏ trên 6 quốc gia. Theo kết quả năm 2018, hãng Vale đạt kỷ lục 384,639 triệu tấn, tổng số vốn quay vòng khoảng 36.500 triệu USD. 

Năm 2012 hãng này từng “được” tặng giải thưởng Public Eye vì không tôn trọng môi trường và quyền con người. 25.000 trong số 90.000 phiếu bình bầu qua mạng “chọn” Vale là hãng khai thác khoáng sản tồi tệ nhất vì tham gia xây dựng thủy điện Belo Monte sát cạnh rừng Amazon đe dọa phá vỡ hệ sinh thái đặc biệt và các bộ lạc sở tại. 

Về độ thiếu vững chắc của con đập đang sử dụng ở Brumadinho thì người ta đã biết từ lâu: Chỉ trong vòng một thập niên gần đây đã xảy ra hơn 30 trường hợp kết cấu của đập gặp sự cố, song họ vẫn tiết kiệm chi phí cho công tác an toàn. Trong tiếng địa phương, “Vale” có nghĩa “đáng giá”, nên người dân chơi chữ “Cuanto Vale?” ngụ ý “Đáng giá bao nhiêu?” để trương lên biểu ngữ trong các cuộc mít tinh thường xuyên chống coi thường mạng người.

Nữ tình nguyện viên Lorena Castell Mendes, 24 tuổi cho biết: “Tôi đã mất người chú ruột trong thảm họa Brumadinho, tôi hiểu, mình không thể là người ngoài cuộc nên tôi tham gia tổ chức tình nguyện "Bạn bè của Brumadinho". Nhiệm vụ chính của chúng tôi hôm nay là cung cấp cho người dân ở đây có đủ nước sạch và thực phẩm được gửi đến từ những con người không thờ ở trên khắp đất nước”.

Tìm hiểu vì sao vỡ đập, các nhân viên làm việc tại mỏ có kể rằng ở quả đồi phía trên đập có một dòng suối nước chảy rất xiết xuống dưới, thông thường người ta vẫn dẫn nước chảy qua cống, nhưng cống tắc. Các chuyên gia được BBC News hỏi thì nhận xét rằng tình trạng tương tự là không chấp nhận được: những chất thải dùng để làm vách ngăn trên thực tế là không thấm nước, do đó áp lực đè lên con đập chỉ có tăng lên, kéo gần nguy cơ bi kịch.

Thảm họa hoàn toàn có thể tránh được: những tài liệu thẩm vấn bị lọt ra ngoài cho biết trước khi xảy ra thảm họa hai ngày, các kỹ sư đã bàn cãi về những thông số dị thường chỉ ra trên các thiết bị tự động đặt ở cạnh đập, song, không có những phản ứng tiếp theo như thông báo chế độ tình trạng khẩn cấp, không sơ tán dân. 

Chỉ riêng ở nước Brazil hiện nay đang có 200 hồ chứa bùn thải như vậy, mới thấy cực kỳ nguy hiểm nhường nào. Nhiều người cho rằng, tình hình ở Brumadinho cần phải làm thay đổi tận gốc công việc của tất cả các xí nghiệp khai thác khoáng sản. Trên thế giới còn bao nhiêu hồ chứa bùn thải như thế này? Tôi không nghĩ rằng tất cả các hồ chứa bùn thải ấy đều an toàn. 

Đăng Bẩy (theo Elpais.com - Tây Ban Nha)
.
.
.