“Thâm nhập” xứ sở Châu Mạ

Thứ Năm, 04/02/2016, 16:44
Trong cơn lốc văn hóa hiện đại, nhiều tập tục truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số dần phai nhạt và mất đi, nhưng người Châu Mạ (xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) vẫn còn giữ được nét trinh nguyên của truyền thống văn hóa từ ngàn xưa của đồng bào mình. Đó là “viên ngọc quý” hiếm hoi còn sót lại mà các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường tìm đến.

Trong chuyến công tác cuối năm về vùng sâu của huyện Tân Phú, chúng tôi đã được sống trong không gian văn hóa đặc sắc của dân bản nơi đây.

Độc đáo cách trồng lúa nước

Xưa nay Tà Lài được xem là xứ sở cư ngụ của người Châu Mạ, một khu làng hẻo lánh, nằm sát vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Miền đất được coi là điểm chót của vùng Đồng Nai xưa là nơi khởi phát của nền văn hóa gốc người Châu Mạ. 

Người Mạ ở xen lẫn với rừng, lấy cây làm nhà, cỏ tranh lợp mái và cái ăn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Đó là cơ sở hình thành nên nền văn hóa không tách biệt với điều kiện sống. Từ cách săn bắn, trồng trọt, chăn nuôi, đến cách làm đẹp, thờ cúng tổ tiên... đều thấm đậm chất dân dã. 

Cho đến nay, các tập tục ấy vẫn được người Mạ gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ như dòng chảy không ngớt nối hiện tại và ngàn xưa. Bên kia chiếc cầu treo là những ngôi nhà sàn truyền thống lúp xúp chìm trong tán cây rừng, gợi nên không gian cổ tích. 

Vào làng người Mạ, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đen nhẻm, tóc xoắn nô đùa bên những vạt đất, người lớn ngậm tẩu thuốc rê phả khói đặc quánh. Thi thoảng còn gặp những cụ già tóc bạc với đôi dái tai dài thỏng, cười tươi lòi đế răng sát vào lợi, dấu tích của tập tục độc đáo cà răng làm đẹp thuở xưa.

Già làng KGõ và vợ bà KLư.

Người Mạ hồn hậu và mến khách, những đứa trẻ thấy người lạ vào làng thì hùa nhau đến làm quen, người lớn tìm đến thăm hỏi. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà già làng KGõ, người gần như là lãnh tụ tinh thần của buôn làng. Bà con dân bản xem ông là lãnh tụ tinh thần, người nắm giữ nhiều câu chuyện của cha ông và am hiểu tập tục, truyền thống của đồng bào mình nhất. 

Nhà già KGõ hun hút trong con đường đất gồ ghề, đá lởm chởm. Đợi một lúc thì ông cụ ở trần lấm láp vác xà-gạc (công cụ chặt cây) về, biết chúng tôi là nhà báo, ông cười tươi niềm nở tiếp đón. Cái bụng người Mạ bao giờ cũng giàu tình cảm hơn vật chất, người lạ chóng thành quen khi đã hiểu về nhau. 

Già KGõ hiện sống cùng vợ là già KLư, cả hai đã ngoài 70 tuổi nhưng tình cảm vẫn mặn nồng thắm thiết, khi lên rẫy hay lúc xuống suối, một bước cũng không rời nhau. Vợ chồng già sống đạm bạc giản dị theo truyền thống ông cha, là biểu tượng của tình cảm đẹp của người Châu Mạ, người dân vẫn coi đó là tấm gương để noi theo.

Bên nền căn nhà sàn cũ kỹ, đôi vợ chồng già trò chuyện với khách. Già KGõ nguyên gốc người Châu Mạ nên tiếng Kinh còn lơ lớ, nhưng nói và nghe thì sành như người Kinh, còn già KLư thì chỉ nghe mà không nói được nhiều. Già KGõ bảo, mấy ngày nay bận rộn công việc với đám lúa trên nương, vì lúa đang đến kỳ làm đòng phải cần bàn tay chăm sóc của con người. 

Từ bao đời, người Mạ coi cây lúa là nguồn lương thực chính nuôi sống gia đình, ngoài ra còn cây lương thực phụ trợ như sắn, ngô. Lúa gieo ở những vùng đất trũng gần suối nước, còn ngô, sắn thì trồng trên đồi, dưới sàn nhà nuôi heo, gà, vịt. Công cụ làm ruộng, rẫy của người Châu Mạ khá thô sơ, đó là dao, rìu, xà-gạc, xà-bách, gậy chọc lỗ tra hạt.

“Ngày trước chúng tôi có chân con trâu xéo cho ruộng nhão đất, rồi rắc hạt lúa lên, nhưng nay thì không còn nữa”, già KGõ cho biết. 

Như già giải thích, thì cứ đến mùa gieo hạt, dân làng lại lên đồi lùa trâu về, sau chăn đến đám ruộng cần gieo cho trâu dẫm, đạp làm đất sục bùn lên. Khi thấy ruộng đã nhũn, lúc này người dân mới đem hạt thóc ra rải và kể từ đó chờ đến ngày thu hoạch, đó là cách tự thân người Châu Mạ tìm ra. 

Ngày nay đã có cán bộ người Kinh về làng hướng dẫn làm ruộng bằng kỹ thuật tiến bộ, chăm sóc lúa bằng phân đạm, nên cho năng suất gấp nhiều lần cách canh tác xưa. Vì thế khi nói về cách gieo hạt của đồng bào, già KGõ coi đó để biết cha ông xưa đã phải vất vả như thế nào để có hạt lúa ăn. Cuộc sống của người Mạ gắn với cây lúa, vì thế cái tên Châu Mạ của đồng bào nguyên gốc là “mir” cũng có nghĩa là người làm rẫy.

Cách làm đẹp lạ lùng

Ngoài văn hóa lúa nước độc đáo trên, người Mạ còn có tục “cà răng, căng tai”. Cà răng thì đàn ông làm, căng tai thì đàn bà, phụ nữ. Tục cà răng xuất phát từ ý nghĩa để hàm răng vĩnh viễn không bao giờ phải thay. Vì người Mạ quan niệm cái gì thuộc về thân thể thì không được vứt đi, cũng có quan niệm cho rằng, họ sống trong rừng nên để không “nhầm” với hàm răng sắc nhọn của con thú thì phải cà cho bằng hoặc cụt bớt đi. 

Do đó, trẻ con người Mạ khi vừa nhú răng, cha mẹ đã dùng một loại đá nhám hoặc thanh sắt nhám cà mòn tận chân lợi, khi lớn lên họ tiếp tục cà như thế khiến hàm răng rất bền chắc. Thế nhưng đến nay thì tục lệ đó đã không còn nữa, do điều kiện sống và quan niệm đã thay đổi. Còn tục căng tai thì chỉ còn dấu tích trên những đôi tai dài thỏng của người già. 

Già KLư vợ của già làng KGõ là “tín đồ” của tục căng tai, lỗ đeo trang sức rỗng làm dái tai dài thỏng là dấu tích của một thời già từng đeo ngà voi và những vật nặng để căng tai. 

Già KLư bảo, đó là cách làm đẹp của con gái và phụ nữ người Mạ, người ta quan niệm dái tai càng dài, đeo được nhiều vật nặng có nghĩa là đẹp, người giàu có thường đeo ngà voi cưa ra thành đoạn, còn phần lớn người bình thường thì đeo những loại trang sức khác. 

Có những chiếc ngà voi truyền qua nhiều thế hệ, càng đeo càng sáng bóng, trở thành vật vô giá. Ngày nay người Châu Mạ không còn ai đeo ngà voi nữa, họ thường để rất kỹ trong nhà, hoặc họ đã vô tình bán đi cho những tay săn đồ cổ khi thiếu thốn.

Trăn trở bài toán bảo tồn

Có một tục lệ mà đến nay người Châu Mạ vẫn còn giữ nguyên đó là tục “chia của” cho người chết. Chia của ở đây có nghĩa là sự san sẻ những tài sản của người đang sống với người đã chết. Người Mạ quan niệm có cả cõi dương và cõi âm, trần thế sao thì âm phủ vậy, đều có buồn, vui, đau thương, giận hờn... Vì thế, họ cho rằng khi người ta đi xuống cõi âm cũng cần mang theo của. Vì thế, nếu trong nhà có người chết, công việc đầu tiên của người nhà là mua cho người chết những bộ trang phục rất đẹp mặc vào. 

Quan trọng nhất trong đám tang người Châu Mạ là phần sắm sửa và phân chia đồ đạc cho người chết như thuở còn sống. Trang sức, vật dụng thường ngày thì bỏ vào quan tài, nếu là con vật lúc sinh thời gắn liền với người chết thì đem giết thịt ngay trong những ngày tang lễ để cả dân làng ăn, lúc nào hết mới thôi. Do đó, từ ngày tắt thở cho đến lúc đưa vào hòm hạ huyệt chôn phải kéo dài đến trên dưới tuần lễ.

Đường vào làng người Mạ.

Huyệt đào xong lót một ít lá cây, đặt hòm lên trên, trải chiếc chiếu của người chết nằm khi còn sống, sau đó đắp đất, vun cao mộ. Những nhà giàu có, họ giết trâu và làm một chuồng trâu và để ít xương và sừng của con trâu bị giết đặt cạnh mộ. Con cháu, anh em thường cắt một phần tóc của mình bỏ vào hòm người đã chết, với hi vọng khi về cõi âm người chết có nguyên liệu để lợp nhà. Vì thế, đi vào những nghĩa địa người Châu Mạ thường có những chiếc sừng trâu trắng hoác, vừa ghê rợn nhưng cũng đầy tính khiêu gợi cho những ai tò mò. 

Sau khi chôn cất người chết và chia của xong, người Mạ sẽ bỏ luôn ngôi mộ đó không quay lại nữa. Nhưng về sau này, khi người Mạ định cư gần người Kinh thì tập tục một số phần bị phai nhạt, vì họ nhận thấy việc thờ cúng, chăm sóc mồ mả tổ tiên cũng là nét đẹp truyền thống nên phát huy. Đến nay thì người Mạ đã có nghĩa địa dành riêng cho làng dành cho việc chôn cất người chết.

Và còn nhiều tục lệ độc đáo khác nữa mà già KGõ kể với chúng tôi, già tự hào vì trải qua hàng trăm năm, dân bản Châu Mạ ở Tà Lài vẫn gìn giữ bảo tồn và phát huy góp phần thiết thực vào đời sống thường ngày. Tuy nhiên, có điều già KGõ vẫn trăn trở là hiện nay nhiều tập tục văn hóa nguyên sơ của đồng bào mình đã và đang dần mất đi trong vòng xoáy giao thoa của cơn bão văn hóa hiện đại. Phải làm sao giữ được nét đặc sắc ấy, đó chính là trách nhiệm của các ngành chức năng.

Khi nói về truyền thống bất khuất của buôn làng, đôi mắt già KGõ lại ánh lên niềm tự hào. Những năm tháng chiến tranh, dù thời Pháp, hay Mỹ - ngụy, đồng bào Mạ đều có đóng góp to lớn. Trai làng, gái bản lớn lên đi làm giao liên cho cán bộ, có người cầm súng lập những chiến công. Dù bọn giặc dùng nhiều biện pháp dụ dỗ, chia cắt họ nhưng chưa bao giờ đồng bào phản lại cách mạng, chúng dồn dân lập ấp, đồng bào rủ nhau chạy vào rừng trốn rồi vót chông, làm ná đánh giặc. 

Chỉ bằng những chiếc ná, bẫy, chông và cung tên tẩm thuốc độc, những chiến binh Mạ đã hạ không biết bao nhiêu tên lính ngoại quốc xâm lăng, khiến chúng khiếp hồn bạt vía. Và chắc hẳn trong ký ức của những người già ở thế hệ như già KGõ vẫn chưa quên chiến công đồng bào Mạ đã bắn rơi chiếc máy bay của Pháp vào “thời kỳ 9 năm” (kháng chiến chống Pháp). Đến nay già KGõ vẫn hay kể lại câu chuyện hào hùng ấy cho con cháu để rèn luyện truyền thống cho con em đồng bào mình.

Hoàng Hà
.
.
.