Thăm thẳm Gòi Re

Thứ Năm, 21/04/2016, 13:21
Ba Tơ đang vào mùa lúa chín, dọc con đường từ trung tâm thị trấn vào Ba Xa là những cánh đồng vàng rụm nép mình dưới chân núi. Tiếng máy tuốt lúa xập xình, tiếng cười nói no say của những người nông dân được mùa thóc lúa. Đâu đó, bầy trâu no dạ quẫy đạp thỏa thuê giữa con suối mát lành. Non thiêng hữu tình cuốn vòng xe chúng tôi mải miết về Gòi Re.


1.Chúng tôi tới trụ sở Công an xã Ba Xa (Ba Tơ - Quảng Ngãi) khi mặt trời đứng bóng, cái nắng thật là khủng khiếp. Trưởng Công an xã Phạm Văn Liễu phải huy động hai xe máy tốt nhất, cùng hai Công an viên trẻ, khỏe, tay lái "lụa" nhận nhiệm vụ đèo người miền xuôi lên núi. Chưa kịp hình dung Gòi Re thăm thẳm như thế nào đã nghe anh Liễu nói với cấp dưới: "Chỗ nào không đi được thì dắt bộ nhé, đừng cố kẻo rơi xuống vực".

Chúng tôi bậm môi đi, như người điếc không sợ súng. Đoạn đường từ trung tâm xã Ba Xa vào tới Gòi Re gần 20 cây số toàn đường dốc đá và khe suối. Ngồi sau xe Công an viên Phạm Văn Lai, tôi bấu chặt áo anh, những chỗ anh về số một để lên dốc, tưởng như chiếc áo của anh bung ra, xoạc hết cúc.

Thượng nguồn sông Re đi qua Gòi Re cạn trơ đáy.

Bấu vạt áo không ổn, phải chuyển sang nắm giữ thành yên xe, một tay phía trước, một phía sau. Con đường ngoằn ngoèo như con lươn, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu, phóng tầm mắt ra xa, thấy hoa mắt chóng mặt. Những đoạn đổ dốc, chẳng khác nào đang trượt băng xuống dòng sông Re cạn trơ đáy, đá lổn nhổn phơi mình giữa những lạch nước đỏ quạch như đang há miệng để nuốt chửng những con người nhỏ bé vào lòng.

Tôi nhắm tịt mắt lại, miệng không dám kêu nhưng lòng chỉ muốn thét lên thật to, và thật sự muốn khóc. Công an viên Phạm Văn Lai thật thà nói rằng, từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ anh mới vào Gòi Re lần này là thứ hai. Vì xa xôi cách trở nên lãnh đạo Công an xã đã phân công hẳn một Công an viên là người của bản cắm chốt trong bản. Báo cáo qua điện thoại hằng ngày và khi nào có việc gấp mới triệu tập ra xã họp.

Thăm thẳm, hoang sơ, hiểm nguy là vậy nhưng Gòi Re hiện nguyên hình là một vùng đất đẹp như bức tranh thủy mạc. Nắng dát vàng tủa xuống những thửa ruộng lấp lánh, rừng xanh bạt ngàn gọi gió ầm ào tràn vào từng liếp phên nghèo. Những khe suối xuyên vào lòng núi, dân làng đặt ống tre hứng nước dùng trong sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Dòng nước trong lành, chảy róc rách quanh năm, ngay cả mùa nắng nóng, hạn hán dưới xuôi thì ở đây nước vẫn tràn trề. Không khó để bắt gặp người đàn bà mình trần địu con ngồi bên tảng tá đập quần áo giữa trưa, cũng dễ dàng nhận ra những đứa trẻ trần truồng, đen nhẻm vẫy vùng sảng khoái dưới lạch nước trong vắt. Xe dừng lại ở khe suối, chúng tôi nhào xuống vục mặt vào dòng nước mát lành, cảm giác mệt nhọc, lo lắng đều tan chảy.

Người H'Rê xem những mạch nước ngầm ấy là lộc của mẹ thiên nhiên ban tặng, nên ý thức bảo vệ rừng của họ rất cao, họ sống giữa rừng và nhờ thần rừng che chở. Mỗi cây xanh, mỗi hòn đá đều thân thương và gần gũi, bao bọc bản Gòi Re từ đời này sang đời khác. Cách đây vài năm thôi, người H'Rê đi làm rẫy gặp chúa sơn lâm là chuyện bình thường.

Sống giữa núi rừng, những lúc buồn, già Nhiếc lấy chiếc đàn bầu cũ kỹ ra gẩy.

Như bà Phạm Thị Lót, gặp hổ mà cứ như gặp con chó, con gà ở nhà mình. Từ nhà bà Lót tới rẫy phải băng qua hai khe suối, một quả đồi. Hôm ấy, bà Lót cơm nắm cơm đùm đi làm từ tinh mơ. Tới khe suối cạnh nương, chợt bà khựng lại khi nghe tiếng loạt soạt ở bụi cây trước mặt, chưa kịp định hình thì có tiếng gầm gừ nghê rợn, con hổ lầm lì bước ra, hai chân trước khuỵu xuống trong tư thế vồ mồi.

Bà Lót tái mét, mặt không còn giọt máu. Hai tay bà buông bỏ túi cơm, giơ lên cao rồi nước mắt giàn giụa, miệng lẩm bẩm không kêu thành tiếng. Con hổ nhìn bà một lúc thì bỏ vào rừng. Bà Lót chạy một mạch về nhà kể chuyện cho chồng nghe, ai cũng hồn bay phách lạc.

Khi đến tai những người lớn tuổi như già Phạm Văn Nhiếc thì chuyện đụng hổ không còn lạ lẫm nữa, do bà Lót lần đầu tiên thấy hổ nên sợ hãi thôi. Từ ngày giáp mặt chúa sơn lâm, bà Lót không dám đi làm nương một mình nữa, lúc nào cũng phải có chồng hoặc con trai theo. Vài tháng sau, khi hai vợ chồng bà Lót đang nghỉ trưa ở gốc cây, chợt bà Lót nghe tiếng gầm giống y lần trước.

Bà hoảng hồn chồm dậy, thì thấy con hổ đang đứng ở bìa rừng cách vài chục mét. Hai vợ chồng bà chắp tay phía trước, cầu khẩn. Nó cứ đứng im, nhìn về phía con người, một lúc thì biến mất. Trên đường về, qua khe suối lần trước, bà Lót phát hiện ở tảng đá có vết máu loang dài, có thể hổ đã bị thương. Hai lần gặp hổ là hai lần đốn tim bà Lót, bà đã nghĩ đến việc bị phanh thây xẻ thịt ở rừng hoang núi thẳm, nhưng chúa sơn lâm đã không làm gì người đàn bà này. Dân làng tin rằng, ông hổ chính là vị thần núi, sẽ bảo vệ con dân của bản và sẵn sàng trừng trị những kẻ săn bắn, tàn phá rừng xanh.

Đó là với dân làng Gòi Re, còn với phường săn bắn, thì ông hổ chính là món hàng béo bở, chúng sẵn sàng ra tay một cách tàn bạo đưa ông về trời. Cho nên ông hổ có là thánh thần gì đi chăng nữa cũng phải khiếp sợ phường săn bắn và lâm tặc. Mấy năm nay không biết rừng Gòi Re có còn chúa sơn lâm nào không mà chẳng ai nhìn thấy nữa. Già Phạm Văn Nhiếc nói dõng dạc: "Chắc là còn mà ông trốn kỹ rồi. Dân mình tuyệt đối không phá rừng, không săn bắn, chỉ sợ người ngoài vào làm bậy thôi".

2.Sống hiền hòa trong lòng thiên nhiên, bao đời nay, Gòi Re bình yên như vương quốc của loài chim cá. Tuy nhiên, việc tách biệt với thế giới bên ngoài khiến con người cả đời không biết đến văn minh là gì. Trẻ em học xong cấp 1 phải cuốc bộ gần 20 cây số ra trường xã học cấp 2. Thường thì chúng không có sức để đi và về quãng đường như vậy nên lũ lượt nghỉ học.

Con đường "xương cá" vào Gòi Re.

Những người có tuổi như già Nhiếc thì họa hoằn lắm mới ra xã, đó là những dịp nhà nước phát hàng cứu trợ hoặc có tổ chức từ thiện nào về cho mắm muối. Già dậy từ lúc 3 giờ sáng, chống gậy lần theo đường rừng mà đi. Ra đến xã hết khoảng 8 tiếng, nhận cân đường hộp sữa xong lại chống gậy về, tới nhà đã nửa đêm.

Già Nhiếc cho biết, ngày xưa còn khỏe, đi bộ phăng phăng không biết mệt. Đi đến nỗi hai bắp chân bè ra, săn lại như khúc gỗ, hai bàn chân chai đến mức gai góc, sỏi đá đâm không thủng. Nhưng năm nay yếu rồi, không đi được nữa. Có ai chở xe máy thì đi nhờ, mà ngồi xe máy xong về nhà cũng đau hết gân cốt, vì con xe như con cào cào, lúc thì bổ xuống hố to như ổ voi, lúc lại chồm lên vụng nước dài thườn thượt như mình trâu.

Phong tục của người H'rê, con cái lấy chồng, vợ phải ra ở riêng, tự làm ăn sinh sống. Vợ chồng già Nhiếc có người con trai duy nhất đã ra riêng. Căn nhà sàn rộng thênh thang, trống hơ trống hoác, gió lùa phân trâu len lỏi vào tận giường ngủ. Ấy vậy mà cũng quen, không có cái mùi ngai ngái lại khó ngủ.

Già Nhiếc cười, nói rất vô tư về cái mùi phân trâu thân thuộc. Vợ già đi chăn trâu té gãy chân mấy tháng nay chỉ ngồi một chỗ. Bà cũng không nói được tiếng Kinh nên chỉ cười. Nụ cười đen nhánh sau tấm áo rách vai. Già Nhiếc ngồi buồn lấy đàn ra gẩy, chiếc đàn làm bằng quả bầu khô và mấy thanh dây cũ kỹ. Già bảo, quên hết nhạc rồi, cứ gẩy lung tung thôi, nhưng nghe cũng ra giai điệu. Có tiếng đàn tí tách, tưng tưng sau phên giậu, làm cuộc sống của đôi vợ chồng già bớt hiu quạnh, vắng lặng.

Đang miên man theo giai điệu, chợt già Nhiếc dừng lại, nhìn ra ngọn núi trước mặt, buông lời tiếc nuối: "Già rồi không đi rừng được nữa, nhớ lắm. Ở trong ấy còn mồ mả của tổ tiên, còn bao nhiêu ký ức tuổi trẻ một thời lăn lộn".

Gòi Re hoang dã và bí ẩn, người Gòi Re chứa đựng cả một kho thần thoại về tổ tiên của mình. Chúng tôi muốn khám phá Gòi Re, nhưng rất tiếc vì ở đây rất ít người nói được tiếng Kinh, nhìn thấy người lạ họ chỉ cười thay cho lời chào. Hiếm lắm mới được một vài người như già Nhiếc, nghe, hiểu và nói được tiếng phổ thông. Nhưng cũng phải nhờ phiên dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Kinh, vì thổ âm họ phát ra ầm ầm, rục rịch, đan cài vào nhau như màng nhện, nghe được nhưng không hiểu được.

Rời Gòi Re mà trong lòng trống trải, thấy luyến tiếc một điều gì đó. Vẫn còn một con đường chưa qua, còn nhiều ngọn núi chưa trèo và còn một con nước ở mãi đầu nguồn chưa được xả mình tắm mát. Xe đổ dốc thăm thẳm, sau lưng chúng tôi, rừng xanh vẫn gào thét.

Ngọc Thiện
.
.
.