Tháng Tư trên đảo Cồn Cỏ

Thứ Năm, 07/05/2015, 18:00
Chúng tôi theo tàu của bộ đội biên phòng Quảng Trị ra đảo Cồn Cỏ. Buổi sáng tháng Tư, trời và biển lộng gió. Mới hơn 6h sáng nắng đã lên rực rỡ. Tại cảng cá, tấp nập ngư dân và thương lái. Những xe cá đầy ắp được vận chuyển đi. Mùi biển mặn mòi như ướp cả vào tóc, vào khăn áo. Một thứ mùi rất quê hương, rất thương nhớ. Và khi tiếng còi tàu hú dài, chúng tôi lên tàu, lòng chộn rộn một cảm giác bâng khuâng khó tả.
Hơn hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển khơi, nếm trải cảm giác say sóng, chúng tôi nhìn thấy Cồn Cỏ trước mặt. Hòn đảo nhỏ xinh xắn, là địa danh anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, nay là một huyện đảo phủ rợp bóng cây xanh. Bốn bề sóng nước, dưới ánh nắng đầu hè gợi lên một cảm giác mênh mang, rộng lớn. Trong đoàn đi, có những người lính già đã một thời đạn bom chiến đấu để giữ đảo Cồn Cỏ. Trở lại Cồn Cỏ những ngày tháng tư lịch sử, các bác không khỏi xúc động ngậm ngùi.

Cồn Cỏ có tổng diện tích chưa đầy 4 cây số vuông. Đi một buổi là có thể thăm thú hết các địa danh trên đảo. Dù nhỏ, nhưng đây lại là nơi có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Nằm án ngữ trên biển Đông, cách Cửa Tùng khoảng 30 cây số, trong thời chiến, người Mỹ đã nhận thấy rằng bên nào chiếm được Cồn Cỏ bên đó sẽ kiểm soát được tình hình khu vực này.

Để giữ được hòn đảo chiến lược, rất nhiều xương máu của bộ đội, chiến sĩ, đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Trị đã đổ xuống. Trên đảo có đài tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ biển đảo quê hương. Khi đoàn chúng tôi đến đặt vòng hoa viếng linh hồn các liệt sĩ, bầu trời xanh trong không gợn một đám mây. Từng đàn chim từ ngoài biển bay về lượn vòng tròn phía trên đài tưởng niệm, cất tiếng kêu như lời chào của biển khơi.

Buổi chiều xuống, Cồn Cỏ đẹp như một bài thơ. Đại úy Phan Ánh Minh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Hỗn hợp trực thuộc Đồn biên phòng Cồn Cỏ lặn ngụp dưới biển như một chú rái cá để thết đãi chúng tôi một bữa hải sản.

Những anh lính trẻ, nước da nâu rắn rỏi vì gió biển dựng một chiếc bếp dã chiến ngay cạnh bờ biển. Một miếng sắt to như thể được cắt từ một chiếc thùng phuy làm chảo nướng. Ốc, cua, mực tươi rói vừa được tiểu đoàn trưởng và anh em chiến sĩ "cải thiện" từ biển cả trở thành những món ngon thịnh soạn khiến ai cũng phải tấm tắc khen.

Và người trong đoàn mơ đây là bữa tiệc "xa xỉ" bậc nhất đối với những người quen sống ở thành phố, ăn những bữa ăn trong nhà kính với những món ăn lưu trữ lâu ngày trong tủ lạnh. Lính biển lại có nhiều câu chuyện vui để kể khiến mọi người cười lăn vui vẻ. Phan Ánh Minh sinh ra và lớn lên ở Cửa Tùng. Cha mẹ Minh ngày trước là dân công hỏa tuyến chuyên đưa hàng tiếp tế cho bộ đội ngoài đảo Cồn Cỏ. Từ nhỏ Minh đã mơ ước mình sẽ trở thành một người lính. Học hết phổ thông, Minh thi đỗ vào trường sỹ quan lục quân.

Trước đài tưởng niệm liệt sĩ đảo Cồn Cỏ.

Năm 2013 Minh tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ, giữ vị trí Tiểu đoàn trưởng một đơn vị hỗn hợp bao gồm cả bộ binh, hải quân, biên phòng. Minh có đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn dứt khoát, cách nói chuyện cởi mở, hóm hỉnh. Minh kể, về bơi, anh tự hào là tay bơi thiện xạ nhất so với cánh lính trẻ. Chiều nào cũng vậy, nếu không chơi tennis thì môn thể thao Minh ưa thích chính là lặn biển. Và nếu có khách đến đảo, Minh sẽ trổ tài bắt ốc, bắt cá để thết đãi khách.

Đại úy tiểu đoàn trưởng có vợ và một cậu con trai. Trung bình cứ 3 tháng anh về đất liền thăm vợ con một lần. "Lính biển xa nhà là chuyện thường mà chị. Mỗi lần về đất liền phải có tàu mới về được. Bọn em sống trên đảo cũng vui lắm. Đơn vị tự tăng gia sản xuất, thực phẩm tự cung cấp cho đơn vị thoải mái. Tiểu đoàn em đang nuôi đàn heo khoảng 70 con, đàn dê chừng 50 con, đàn bò 40 con, đàn gà hàng trăm con. Riêng rau củ thì nhiều lắm, mỗi năm thu hoạch trung bình khoảng 4 đến 5 tấn. Đời sống của lính biển xa nhà bọn em về mặt vật chất là không thiếu đâu. Thực phẩm tăng gia đã đành, còn thì chịu khó xuống biển, biển hào phóng vô cùng, lúc nào cũng có thức ăn ngon. Cái thiếu thốn chỉ là tình cảm của đất liền, của gia đình thôi."

Những lúc nhớ nhà, nhớ vợ con, Tiểu đoàn trưởng Minh thường làm thơ. Anh vốn mê thơ từ nhỏ, đọc thuộc rất nhiều thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Trong lúc vừa nướng ốc thết đãi khách, vừa nhấp ly rượu ngâm chuối hột trồng trên đảo, Minh cao hứng đọc cho chúng tôi nghe vài bài thơ tình mà anh ngẫu hứng viết lúc nhớ nhà: "Đêm nay canh gác buồn vô vọng/ Không biết làm sao thỏa nỗi lòng/ Anh viết vào đây dòng tâm sự/ Gửi tới phương xa thỏa nhớ mong". Và đây nữa: "Hoàng hôn buông xuống trên mặt biển/ Bóng tối đan xen nỗi nhớ nhà/ Sóng xô bờ cát hoài không mỏi/ Lòng anh đã hóa sóng biển khơi".

Đại úy Phan Ánh Minh chia sẻ: "Em là một người con của Quảng Trị- vùng đất khốc liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh. Chiến tranh kết thúc 40 năm rồi, nhưng từng tấc đất Quảng Trị vẫn còn nhức nhối những vết thương chưa lành. Nơi nào cũng nghĩa trang. Hàng ngàn ngôi mộ chưa có tên tuổi, hàng ngàn gia đình vẫn đang miệt mài tìm kiếm hài cốt người thân của mình.

Tiểu đoàn trưởng Phan Ánh Minh lặn biển bắt cá thết đãi khách tới đảo Cồn Cỏ.

Em đã học lịch sử dân tộc ngay trên từng tấc đất quê hương mình và hiểu được cái giá của từng ngày hòa bình mình đang được sống.Em đã chọn cuộc đời binh nghiệp để cống hiến. Và được sống, công tác trên đảo Cồn Cỏ đối với em là một niềm tự hào. Cồn Cỏ thời bình được ví như con mắt, là chốt bảo vệ sự yên bình cho người dân Vĩnh Linh đi ra khơi đánh bắt tôm cá. Đây cũng là nơi nghỉ chân tránh bão của bà con đi biển.

Và khi có thuyền lạ xâm phạm vào vùng biển của ta, những người lính trên đảo Cồn Cỏ chúng em sẵn sàng cầm chắc tay súng bảo vệ ngư dân, bảo vệ biển trời chủ quyền của Tổ Quốc. Đối với em, biển là một phần cuộc sống ".

Đêm ấy trên đảo, chúng tôi được tham gia một chương trình giao lưu văn nghệ do các chiến sĩ trên đảo, cùng với đội văn nghệ xung kích của Tỉnh đội biên phòng Quảng Trị tổ chức. Những bài hát về biển, về người lính là chủ đề xuyên suốt chương trình. Gần như toàn bộ cán bộ và người dân huyện đảo đều có mặt. Họ nhập vào câu chuyện như một lẽ tự nhiên. Huyện đảo nhỏ này chỉ có vẻn vẹn 13 hộ dân, họ sống quây quần đoàn kết như một gia đình.

Các cán bộ lãnh đạo của huyện có thể nắm bắt nguyện vọng, tâm tư của từng công dân trên đảo. Huyện đảo mới được thành lập nên các cơ sở vật chất trên đảo còn nhiều thiếu thốn. Điện nước không phải lúc nào cũng có đủ. Con em của cư dân trên đảo đến tuổi học lớp 1 phải vào Vĩnh Linh đi học. Dù vậy, mỗi người dân tới đảo lập nghiệp đều xác định sẽ góp phần công sức xây dựng một huyện đảo trù phú trong tương lai. Đoàn nhà báo chúng tôi rất hào hứng khi tới thăm trường mẫu giáo của huyện đảo.

Ngôi trường nhỏ nhắn, tổng cộng có 7 công dân tí hon đang là học sinh mẫu giáo của trường. 7 công dân tí hon, đó là khởi đầu cho một câu chuyên tương lai trên hòn đảo nhỏ này. Các em sẽ là những công dân trụ cột của đảo, gắn bó đời mình với đảo, góp phần kiến thiết hòn đảo nơi mình chôn nhau cắt rốn.

Bí thư huyện ủy Huyện đảo Cồn Cỏ có lẽ là một trong những bí thư Huyện ủy trẻ nhất trong cả nước hiện nay. Anh Lê Minh Tuấn sinh năm 1975, thuộc thế hệ những người trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình.

Được điều động về nhận công tác trên đảo Cồn Cỏ, mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử, anh Tuấn rất vui với trọng trách của mình. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn có một cuộc gặp gỡ phỏng vấn, anh Tuấn chỉ khiêm tốn nói, tất cả những thành tựu mà đảo Cồn Cỏ hôm nay có được là nhờ công lao của nhiều thế hệ đi trước bảo vệ và kiến thiết. Anh chỉ tâm niệm một điều, sẽ làm hết sức mình vì một Cồn Cỏ giàu mạnh, bền vững, xứng đáng với truyền thống hào hùng đã có.

Ông Trần Hữu Thắng, nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị tại Hà Nội, đại diện cho đoàn cán bộ lão thành đồng hương Quảng Trị tại Hà Nội về thăm Cồn Cỏ đã nói, ông rất vui khi cảm nhận một thế hệ trẻ lớn lên sau ngày 30/4/1975 như bí thư Huyện ủy Lê Minh Tuấn, như Tiểu đoàn trưởng Phan Ánh Minh đang có mặt trên đảo Cồn Cỏ và gánh vác trọng trách xây dựng và bảo vệ hòn đảo tiền tiêu này.

Chia tay Cồn Cỏ những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về đất liền Quảng Trị, đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, đến đặt hoa tưởng niệm dưới chân Thành Cổ, thánh địa La Vang...Mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến đều nhắc chúng tôi về những hy sinh to lớn của hàng triệu đồng bào chiến sĩ để có được ngày hòa bình như hôm nay.

Thêm một lần lắng lòng mình để nhìn lại những trang lịch sử đã qua của dân tộc, của một vùng đất đau thương như Quảng Trị, biết trân trọng hơn những giá trị cuộc sống. Những ngày trên đảo Cồn Cỏ cho tôi thấm thía một điều rằng, ngay cả trong thời bình, vẫn có biết bao nhiêu người âm thầm hy sinh, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bình Nguyên Trang
.
.
.