Thằng mõ và nhu cầu kiểm duyệt văn minh

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:08

Ngọc Đại là nhạc sỹ tài năng và cũng là nhạc sỹ gây nhiều ồn ào nhất bằng những dự án không nhiều người có đủ năng lực để thẩm thấu. Ông ở một lãnh địa khác với cái thể tạng của người nghe số đông bây giờ, lãnh địa vẫn tạm được gọi bằng cái tên Thể Nghiệm.

Nghệ sỹ cần thể nghiệm vì đó chính là quá trình dứt khoát phải trải qua trước khi định hình một đường lối thực hành nghệ thuật riêng nhất cho mình.

Nhưng bản thân thể nghiệm không phải là sự khép kín đơn riêng. Mà nó cũng rất cần sự tương tác từ khán giả, như một sự tự định lượng của người nghệ sỹ về khả năng vang lên của tác phẩm mình sáng tạo ra.

Ngọc Đại mới đây cho phát hành (tạm gọi là chui) một album có tên Thằng mõ I, một bản ghi âm gây ồn ào trong cả giới khán giả; giới đồng nghiệp lẫn giới quản lý văn hóa. Đơn giản, nó có những câu chữ khá "sốc" khi đi trực diện vào chuyện tính dục. Lời ấy không phải của Ngọc Đại, mà của nhà văn Nguyễn Đình Chính, được ông Đại phổ nhạc vì sự yêu thích, mê say những ngôn từ như thế.

Điều đáng nói là cách phát hành của ông Đại và phản ứng của cơ quan quản lý. Ông Đại không phát hành chính thức qua một hãng đĩa nào cả mà tự sao chép; tự in ấn; tự bán. Nói nôm na, album của ông Đại không tem, không giấy phép và nó như một thứ hàng lậu trên thị trường.

Cơ quan quản lý đòi thu hồi lại. Cơ quan quản lý nói sẵn sàng cấp phép nếu thẩm định là nó tốt.

Còn ông Đại thì nói chắc chắn rằng chẳng cơ quan nào dám cấp phép cho album của ông và ông phát hành tự do vì người nghệ sỹ cần sự tự do.

Thực ra, khen hay chê ở đây đều không đúng với tầm vóc ở vấn đề, đặc biệt là khen và chê chỉ xoáy sâu vào mỗi chuyện ca từ có dung tục hay không.

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, cơ chế kiểm duyệt cổ điển thực ra đã bộc lộ sự lạc hậu.

Ở thời đại mà mỗi người đều có thể tạo ra một hệ thống phát hành riêng cho mình nhờ vào sự phổ biến của mạng xã hội như hôm nay, không thể nào cơ chế kiểm duyệt cũ có thể vươn tay tới một sản phẩm sắp được phát hành để kiểm soát nó, biên tập nó hoặc ngăn chặn nó một cách hiệu quả. Sức lan toả của kênh phát hành trên mạng giống như những lỗ rò. Bịt lỗ này, nó lại tuồn qua lỗ khác.

Đúng là nghệ sỹ cần tự do nhưng có lẽ ông Đại chưa hiểu hết về bản chất của tự do nên mới phát biểu như thế. Tự do của người này có thể xâm phạm vào tự do của người khác. Thế nên, bản thân mình cũng phải tự kiểm duyệt mình để đừng xâm lấn vào tự do người khác.

Vả lại, người ta không chọn được cửa sinh. Ông Đại cũng thế thôi, không chọn được đất nước mà ông làm công dân ở đó, ngay từ khi ông mới chào đời. Trong hoàn cảnh như thế, chấp nhận nguyên tắc của nơi mình sinh sống là yếu tố quan trọng nhất. Người nghệ sỹ, cũng là người trí thức, nếu không biết thượng tôn pháp luật, thì đừng vội nghĩ đến làm điều gì đó văn minh

Anh Nghi
.
.
.