Thành phố không động cơ

Thứ Tư, 17/10/2018, 11:17
Giao thông đô thị là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các thành phố, đặc biệt là những thành phố có lượng xe cá nhân cao.


Thành phố Pontevedra của Tây Ban Nha cũng từng tấp nập 14.000 ô tô qua lại mỗi ngày và nổi tiếng là ô nhiễm và lắm tai nạn giao thông, nhưng giờ đây điều đó đã không còn nữa. Đến với Pontevedra là đến với thành phố không động cơ, cực kỳ yên ả, trong lành và thanh bình.

Trước đây, Pontevedra vốn là một thành phố đổ nát, bị ô nhiễm nghiêm trọng và thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông. 

Ông Anabel Gulias, Phó Thị trưởng thành phố, cho biết đầu thế kỷ XX, Pontevedra đã trải qua giai đoạn suy tàn lâu dài dưới chế độ độc tài Franco. Vì thế, các nhà chức trách thời điểm đó đã quyết định chọn thành phố láng giềng Vigo là thủ đô kinh tế của vùng. Vào cuối những năm 90 thế kỷ trước, Pontevedra vẫn là một khu vực đổ nát, nhà cửa cũ kỹ, xiêu vẹo; thêm vào đó, tệ nạn buôn bán ma túy bùng phát khiến người dân rất lo ngại cho sự an toàn của con em họ.

Năm 1999, ông Miguel Anxo Fernández Lores, một ứng cử viên của Khối Quốc gia Galicia, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thành phố. Triết lý của ông rất đơn giản: Sở hữu một chiếc xe hơi không cho bạn quyền chiếm không gian công cộng. Do đó ngay khi nhậm chức, tân Thị trưởng vốn là một bác sĩ đã khởi xướng một cuộc cải cách đô thị, nhằm biến trung tâm thành phố Pontevedra thành nơi chỉ dành cho người đi bộ. 

Từ năm 2009, xe ô tô bị cấm ở phần lớn các con phố. Các loại xe khác chỉ được chạy với tốc độ tối đa 20 km/giờ. Các bãi đậu xe lớn được xây dựng ở vùng ngoại ô và người nào đỗ xe bừa bãi sẽ bị phạt nặng. Khu đất 300.000 m2 của thành phố được lát gạch granite, quy hoạch để dành riêng cho người đi bộ. Khu trung tâm sầm uất nhất của Pontevedra cũng rất vắng vẻ. 

“Thực ra ban đầu Pontevedra chỉ định giảm bớt lượng xe lưu thông. Song vì "sức khỏe" của thành phố vẫn không khá lên nên chúng tôi quyết định loại bỏ tất cả xe chạy bằng động cơ ra khỏi thành phố" - ông Lores kể lại.

Ngày nay, nếu muốn vào đô thị Pontevedra, mọi người phải gửi xe ở bên ngoài. Đổi lại, Pontevedra chuẩn bị hẳn 1.686 điểm đậu xe miễn phí xung quanh thành phố. Ngay cả ở ngoại ô của Pontevedra, các lái xe cũng phải chấp hành quy định với tốc độ không vượt quá 30km/h. 

Các biện pháp trên ban đầu không được người dân đón nhận. Khó khăn lớn đối với chính quyền thành phố, đó là làm cho người dân hiểu rằng để phát triển cần có cuộc cách mạng về cải cách đô thị. Họ phải thấy mình có trách nhiệm đóng góp vào sự thay đổi đó và hơn hết, họ phải luôn tự hào về thành phố. 

Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều... nhưng cuối cùng, khi mọi người nhìn thấy kết quả, họ đã bị thuyết phục. Đó là lý do vì sao Thị trưởng Miguel Anxo Fernández Lores tái đắc cử đến 3 lần. Ông đã được trao danh hiệu Thị trưởng xuất sắc nhất Tây Ban Nha năm 2013.

Với việc thúc đẩy đi bộ trong thành phố, chính quyền Pontevedra đã tạo ra một thành phố "dân chủ và bình đẳng" cho tất cả cư dân. Pontevedra bây giờ yên ả đến nỗi có thể nghe thấy cả tiếng muỗng cà phê va lanh canh vào thành ly, âm thanh thường trực chỉ là tiếng người lao xao và tiếng chim ríu rít. Không còn động cơ ồn ào hay còi xe chói tai lấn át người dân. Các cửa hàng nhỏ đã được thay thế bằng các trung tâm thương mại lớn để mọi người có thể tìm thấy thứ họ cần chỉ trong vài bước chân”.

Sau khi cấm xe vào năm 2009, Pontevedra không còn tồn tại bất kỳ vụ tai nạn giao thông nào nữa. Lượng khí thải CO2 cũng giảm đến 70%. Được hưởng lợi hơn cả là các giáo viên mầm non. Họ thậm chí chẳng phải lo canh chừng các cháu khi chúng băng qua đường nữa. Người dân nơi đây luôn hài lòng và tự hào với cuộc sống không xe cộ hiện tại. Trong khi nhiều thành phố khác đang ngày một co cụm, mất mát dân cư vì ô nhiễm, thì Pontevedra lại tiếp nhận thêm 12.000 người.

Raquel García, một cư dân mới của Pontevedra, cho biết: "Tôi đã từng sống ở Madrid và nhiều nơi khác nữa, nhưng đối với tôi, Pontevedra mới chính là thiên đường. Đây là một nơi vô cùng tuyệt vời để sinh con".

Quả thực Pontevedra đúng là mô hình phát triển đô thị an toàn, bền vững mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới.

Trần Đức Tân
.
.
.