Không có gì mà ầm ĩ cả

"Thập diện mai phục"

Thứ Ba, 27/12/2016, 15:08
Ngày 25-12-2016, Việt Nam đón vị du khách quốc tế thứ 10 triệu trong năm, phải nói là rất tưng bừng. Năm 2015 đạt 8 triệu lượt và năm nay vượt năm 2015 tới 2 triệu lượt.


Khách tăng, nhưng tình trạng du khách "một đi không trở lại" chưa thực sự thay đổi. Việt Nam khó có thể đuổi kịp chỉ tiêu về số lượng khách du lịch so với nhóm các nước đứng đầu. 

Ngó sang láng giềng thấy  việc đầu tư cho hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam hiện còn rất còm cõi, chỉ bằng khoảng 3% của Thái Lan, 2% của Malaysia. Du lịch vẫn chưa thấy đây là một ngành công nghiệp không khói mà chỉ là ngành giải trí vui chơi.

Một vị lãnh đạo nói: "… đảo Hawaii của Mỹ, chỉ có Trân Châu Cảng với con tàu đắm mà người người lũ lượt xếp hàng, hết ngày này qua ngày khác chỉ để ra chụp cái ảnh rồi đi về mà cũng thu được 20 USD/người trong khi Việt Nam có bao nhiêu di tích như vậy mà không thu hút được khách du lịch." Singapore nhỏ bé chỉ bằng hòn đảo Phú Quốc, thiên nhiên nghèo nàn nên họ đành tạo ra vườn thiên nhiên nhân tạo Gardern By The Bay bán vé thu tiền.

Ở đó có ngôi nhà kính khổng lồ với đủ hoa thơm cỏ lạ, những thác nước hoạt động bằng máy bơm. Thế mà du khách Việt thích thú vào đây chụp ảnh "tự sướng" với thiên nhiên giả, trong khi quê hương mình có trăm ngàn thắng cảnh núi cao thác lớn ngoạn mục hơn nhiều. 

Biển Maldiver không hề có núi, chỉ là nhóm đảo san hô cao hơn mặt biển khoảng 1,5m. Nhưng sản phẩm du lịch thì đa dạng, đáp ứng từ ông hoàng bà chúa đến những du khách chi li tính đếm. Maldiver còn hào phóng miễn visa cho du khách.

Minh họa của Lê Tâm.

Bờ biển của Việt Nam dài 3.260km sơn thủy hữu tình là mơ ước của nhiều quốc gia. Dọc biển Trung Bộ về phía nam  nước xanh như ngọc, cát trắng như ngà xứng đáng top đầu những bãi biển đẹp nhất hành tinh, sao vẫn tình trạng 3 đông 7 ế?

Thái Lan rất nổi tiếng với du lịch mua sắm. Khách có thể đi một hơi mua sắm không đứt quãng khi các hệ thống như tàu điện gắn với trung tâm mua sắm. Siêu thị này liên thông với các siêu thị khác khiến du khách có thể "bơi" trong biển hàng hóa cho đến khi tiêu đồng bạc cuối cùng. Các siêu thị này có rất nhiều ghế băng đủ kiểu dáng cho khách nghỉ, hoặc nằm ngủ. Các nhà hàng thơm ngào ngạt luôn tiếp năng lượng cho khách sau một nhịp mua sắm.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141nền kinh tế (Singapore hạng 11, Malaysia hạng 25, Thái Lan hạng 35, Indonesia hạng 50,  Philippines hạng 74). Hú vía! Ta vẫn cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar.

Chúng ta ngủ quên trong lời xã giao của ông Tây: "Việt Nam phong cảnh đẹp, con người thân thiện, món ăn tuyệt vời". Chúng ta vẫn "phổng mũi" là xứ sở của nụ cười nhưng nhìn mặt ai cũng khó đăm đăm. Mỗi người dân thực sự phải là một đại sứ của du lịch thì may ra, du lịch Việt mới có cơ cất cánh.

Thiên nhiên ta gấm vóc nhưng chủ của nó lại điềm nhiên chặt phá, xả rác. Dịch vụ thì săn đón niềm nở nhưng lại lăm le chặt chém. Ẩm thực ngon nhất thế giới nhưng lại thờ ơ tiêu chuẩn vệ sinh. Lời thẳng đau tai, nhưng chắc chắn mỗi người chúng ta đều đã từng nếm trải sự thật này. Giá nào cũng có người trả, nhưng vấn đề là phải thỏa mãn được người chi tiền. Du lịch hấp dẫn ở dịch vụ tuyệt vời chứ đâu phải nghề "mài dao mai phục".

Còn bạn! Bạn có tin vào sự bền vững của nghiệp "mài dao" không?

Lê Tâm
.
.
.