Thắp sáng niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh

Thứ Ba, 08/09/2015, 09:30
Một lần tình cờ đi làm qua thôn khác, thấy các em nhỏ phải vất vả lội nước đánh giậm để kiếm con tôm cái tép về phụ giúp gia đình, bà trăn trở nhiều lắm. Trở về hợp tác xã (HTX), bà quyết định đề xuất ý tưởng tập hợp những cháu nhỏ, kể cả những cháu khuyết tật trong xã về dạy nghề miễn phí, với mong muốn giúp các cháu có được việc làm ổn định sau này.
Ý tưởng của bà được các xã viên HTX và xã, huyện Phú Xuyên lúc bấy giờ ủng hộ hết mình. Bao nhiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã cưu mang, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các cháu khuyết tật khi nuôi ăn, ở và dạy nghề miễn phí ngay tại HTX.

Người phụ nữ giàu nghị lực

Dù hết giờ làm việc, các học viên đã về nhà sum họp bên gia đình trong lễ Vu Lan báo hiếu, nhiều học viên ở xa không có điều kiện thì trở về phòng ngay tại HTX để chuẩn bị bữa cơm chiều nhưng bà Vui vẫn miệt mài bên bàn làm việc, xem xét, quản lý công việc của HTX. Giữ vai trò là Chủ nhiệm HTX, công việc của bà lúc nào cũng bận rộn. Phải đợi rất lâu chúng tôi mới gặp được bà.

Có lẽ vì tuổi cao, vì áp lực công việc nên nhìn bà Vui khá mệt mỏi nhưng khuôn mặt bà vẫn rạng rỡ khi nhắc đến các học viên khuyết tật. Bà bảo, các con cháu đều đã lớn và thành đạt, nhiều lần khuyên mẹ nên nghỉ công việc ở HTX vì tuổi cao, sức khoẻ đã yếu, nhưng bà vẫn muốn làm đến lúc nào không thể làm được nữa, bởi HTX Sơn khảm Ngọ Hạ là nơi bà đã cống hiến cả tâm huyết, tuổi xuân.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghề khảm trai ở Ngọ Hạ nên bà Vui may mắn học được nghề và trở thành thợ giỏi có tiếng của thôn Ngọ Hạ lúc bấy giờ. Năm 1965 là thời điểm làng nghề truyền thống Ngọ Hạ ngàn năm tuổi đang đứng trước muôn vàn khó khăn, có nguy cơ thất truyền. Bà Vui được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân giao tiếp quản HTX Sơn khảm Ngọ Hạ.

Bà Vui (bên trái) miệt mài làm việc dù đã hết giờ từ lâu.

Khi ấy cơ sở vật chất của HTX đều đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ là mấy gian nhà cũ nát làm bằng tre, nứa rộng hơn 100m², nguyên vật liệu sản xuất cũng thiếu thốn… khó khăn chồng chất khó khăn. Để vực dậy làng nghề truyền thống, bà Vui đã chạy vạy khắp nơi, vay mượn để có tiền sửa sang lại cơ sở vật chất, trả lương cho công nhân, mua nguyên liệu để khôi phục sản xuất. Tìm nguồn ra trong nước không đủ, bà còn tận dụng các mối quan hệ để tìm đường xuất khẩu sang nước ngoài.

Giờ đây, về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, nhiều người không khỏi bất ngờ khi HTX đã thay đổi hoàn toàn với khuôn viên rộng hơn 5.000m2, những dãy nhà cao tầng rộng rãi, khang trang đầy đủ tiện nghi vừa là nơi học, nơi ở của các học viên. Không những thế, bà Vui còn dành hẳn một khu đất để trồng rau, thả cá, chăn nuôi lợn gà… để làm nguồn thức ăn sạch cho các học viên.

Gắn bó với những mảnh đời bất hạnh

Học viên của HTX Sơn khảm Ngọ Hạ hầu hết là những trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Cái duyên đưa bà Vui đến với các em nhỏ rất tình cờ. Một lần đi qua thôn khác, bà nhìn thấy nhiều em nhỏ đang dầm mình trong dòng nước lạnh để đánh giậm, mò cua, bắt cá phụ giúp gia đình.

Thương các em tuổi nhỏ đã vất vả, bươn chải, tương lai không có nghề nghiệp ổn định, trở về HTX bàn bạc với các xã viên, bà quyết định kiến nghị lên UBND xã Chuyên Mỹ, UBND huyện Phú Xuyên đề nghị cho thành lập Trung tâm dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật và các em có hoàn cảnh khó khăn ngay tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ.

Bà Vui (bên trái) miệt mài làm việc dù đã hết giờ từ lâu.

Nhớ những ngày đầu mới thành lập, dù được dạy nghề, ăn, ở miễn phí nhưng học viên không có, một phần vì các em khuyết tật tự ti, mặc cảm không dám đi học, một phần vì suy nghĩ các bậc phụ huynh thương con, lại chưa tin tưởng vào HTX. Lúc ấy, bà Vui cùng các xã viên phải đến từng nhà động viên, khuyên bảo. Thậm chí, nhiều gia đình quá khó khăn, HTX lại hỗ trợ tiền chữa bệnh, sửa sang nhà cửa...

Dạy nghề khảm trai cho người khoẻ mạnh đã khó, nhưng dạy nghề cho các trẻ em khuyết tật còn khó khăn bội phần, bởi nhiều em khiếm khuyết về chân tay hoặc về trí tuệ nên việc ghi nhớ hay thực hành trên gỗ là rất khó.

Mỗi khoá học nghề của các học viên kéo dài 1 năm. Trong suốt 1 năm ấy, các em không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào, việc ăn, ở đều được HTX lo chu đáo. Có thời gian, HTX Sơn khảm Ngọ Hạ có tới 150 học viên, bà Vui và các xã viên phải huy động tới 6 nhân viên nấu ăn cả ngày cho các em.

Hiện nay, HTX còn khoảng 50 học viên thì chỉ có 2 nhân viên nấu ăn cho các em khuyết tật. Còn các công nhân của HTX khoẻ mạnh hơn có thể tự nấu nướng, giặt giũ thì các xã viên lại hằng ngày đi chợ mua sẵn gạo, thức ăn để các em về tự nấu.

Nhờ uy tín của nghệ nhân Nguyễn Thị Vui luôn đào tạo được các học viên có tay nghề cao nên cứ sau mỗi khoá học, các doanh nghiệp trong xã, huyện lại tìm đến xin lao động đi khắp nơi làm việc. "Nhất là dịp Tết, những doanh nghiệp trong xã, huyện lại kéo đến HTX chụp ảnh, chuyện trò rồi xin người đi làm ở trong xã, huyện, thậm chí là miền Nam, vui lắm", bà Vui chia sẻ.

Nhiều học viên tay nghề cao về tự mở được cơ sở sản xuất, tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Ánh ở thôn Tre, xã Tân Dân (Phú Xuyên), một trong những học sinh khóa đầu tiên học nghề tại đây, đã vào lập nghiệp ở tỉnh Gia Lai. Hằng năm, anh Ánh đều về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ để nhận người vào làm việc.

Hiện nay, cơ sở sản xuất khảm trai của Nguyễn Văn Ánh thường xuyên tạo việc làm cho hơn 30 lao động. Còn nếu học viên nào có ý định ở lại gắn bó với HTX, bà Vui sẵn sàng nhận vào làm và trả công đầy đủ, trong khi tiền ăn, ở vẫn hoàn toàn miễn phí.

Nhờ đó, bà Vui ngày càng tạo được uy tín và niềm tin với những người dân trong vùng. Nhiều gia đình ở xa cũng tìm đến để xin học cho con. Bà được các học viên ở đây yêu quý gọi là "bà" xưng "con", có việc gì cũng tìm đến chia sẻ.

Bà Vui tâm sự, trước đây bà cũng có một người anh trai khuyết tật nên bà thấu hiểu những khó khăn cũng như vất vả, thiệt thòi mà người khuyết tật phải chịu đựng. Với các học viên khuyết tật, bà phải nhẹ nhàng mềm mỏng, bởi chỉ cần quát to là các em nổi khùng lên, có khi bỏ học, trốn ra ngoài. Thời gian đầu mới nhận học viên khuyết tật, nhiều em chưa biết đọc, biết viết.

HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, nơi thắp sáng niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh.

Không chỉ lo dạy nghề, bà Vui và các xã viên còn lo mời giáo viên các trường tiểu học trong xã đến dạy chữ và kĩ năng sống cho các em. Nhiều khi đang làm việc, bà cũng phải lo "xử lý" những vụ đánh nhau, cãi nhau của các học viên khuyết tật. Lúc ấy, bà lại gọi riêng từng cháu ra, hỏi han, khuyên bảo nhẹ nhàng. Giờ đây các học viên và các công nhân của HTX đều đi vào nền nếp ổn định. Ngoài giờ học, các em còn phân công nhau dọn dẹp nhà ăn, phòng ở, nhặt cỏ, trồng rau, nuôi cá… để cải thiện thêm bữa ăn. Người khoẻ mạnh giúp đỡ người yếu hơn, cùng nhau làm việc như những người thân trong gia đình.

Điều vui nhất với bà Vui là ở HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, nhiều học viên khuyết tật đã tìm được hạnh phúc của chính mình nhờ sự giúp đỡ, vun đắp của bà và các xã viên. Nhắc đến các em, ánh mắt bà rạng ngời hạnh phúc: "Từ trước đến giờ có đến 8 - 9 cặp thành đôi ở HTX như cháu Trang với cháu Việt này, cháu Út với cháu Chiến, cháu Trọng với cháu Ngọc Anh... Nhiều cháu sinh được những đứa con xinh như thiên thần, mà khoẻ mạnh, lành lặn. Nhiều đôi còn đến gặp tôi xin được tổ chức cưới ở HTX nhưng tôi không đồng ý mà khuyên về nhà vì còn bố mẹ, gia đình họ hàng nữa". HTX Sơn khảm Ngọ Hạ giờ đây luôn tràn ngập niềm vui và tình thương yêu, chia sẻ lẫn nhau giữa những người có cùng hoàn cảnh.

Với những cống hiến thầm lặng không mệt mỏi của mình, bà Vui và các cán bộ, nhân viên HTX được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương, đặc biệt HTX của bà còn vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm. Năm 2012, bà Vui được vinh danh là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô.

Năm 2015, bà được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen là Điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước.

Ngọc Trâm
.
.
.