Thay gạch mới, sang năm ta lại đào

Thứ Tư, 15/11/2017, 09:24
Rất nhiều tuyến phố, gạch còn tốt được đào lên. Những chồng gạch, đá xanh mới lại lát xuống. Việc lát mới làm cho cuộc lát gạch năm ngoái, năm kia và hàng chục năm trước, bao công sức, tiền bạc trở nên "đổ xuống sông xuống biển".


Mỗi độ cuối năm, một điệp khúc lại vang lên: Đào vỉa hè lên, lát mới.

"Cùng nhau đào hè

Cùng nhau đào hè gạch tốt, bóc sạch trơn

Thay gạch mới sang năm ta lại đào"

(Mượn giai điệu bài "Mẹ vẫn đào hầm'', xin tác giả đại xá!)

Rất nhiều tuyến phố, gạch còn tốt được đào lên. Những chồng gạch, đá xanh mới lại lát xuống. Việc lát mới làm cho cuộc lát gạch năm ngoái, năm kia và hàng chục năm trước, bao công sức, tiền bạc trở nên "đổ xuống sông xuống biển". Cứ nhân số tiền trên từng mét vuông sẽ thấy sự lãng phí là khổng lồ. Nhưng việc lát mới vỉa hè vẫn không thể dừng được. Lát mới là một thói quen. Không thể nhịn lát được. Y như người nghiện hát. Cứ nhịn hát là ốm.

Minh họa Lê Tâm.

Dân Thủ đô thường đi xe máy mà gặp phải vỉa ba toa dựng đứng thì gay quá. Họ bèn "ăn gian" là kê miếng gì đó như gạch, kim loại làm cầu để dắt lên cho dễ. Ích kỷ hơn thì họ xây hẳn bằng xi măng. kệ cho nước cống muốn chảy đâu thì chảy. Thế là cống nghẽn. Bên quản lý lâu lâu lại phải mở những cuộc "ra quân" đập tan những cái cầu ích kỷ này.

Một dạo, người ta cải tiến, làm vỉa ba toa vát chéo. Vui sao, những chiếc xe máy vào nhà không phải đi vòng. Thật là một cải tiến rất vì dân. Năm sau, lại có sáng kiến mới, người ta đào vỉa vát chéo lên, thay vào đó là vỉa dựng đứng. Thế là dân lại xây cầu nghẽn cống. Lại phải đập. Y như bắt cóc bỏ đĩa. Vỉa hè cũng là một phần giảm tải gánh nặng giao thông đáng kể chứ không chỉ là một chiếu nghỉ chân. 

Dân số tăng chóng mặt, đường thì chật, lại gặp phải chiến dịch chỉnh trang vỉa hè, dân đổ cả xuống đường chính nên đã tắc càng thêm tắc. Thật là yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.

Phải đặt câu hỏi, có gì bí hiểm mà châu Âu lát vỉa hè hàng trăm năm mà nó chẳng cần thay đổi. Những con đường cổ từ thời La Mã vẫn chịu được xích xe tăng thế chiến thứ hai. Chúng ta rất thích nói từ bền vững nhưng lại có thói quen đảo lộn. Điều đáng ngại là thói đảo lộn lại trở thành một thứ văn hóa.

Nếu quan sát cách lát vỉa hè mới thấy thật đáng ngại. Đầu tiên thì công nhân bóc lớp vỉa hè cũ đi. Sau đó đổ cát vào san phẳng. Khá nhiều nơi không có lớp nền cứng xi măng mà chỉ có cát đã đặt đá lát lên rồi. 

Công việc cuối cùng là miết vữa vào mạch. Không hiểu đốc công với nghiệm thu nghĩ gì. Qua loa đại khái đến thế là cùng. Mạch này chịu được mấy cơn mưa. 

Chỉ một thời gian ngắn, sự thẩm thấu của nước mưa với sức nặng của người và phương tiện đã khiến cho mạch và gạch "ly hôn". Những viên gạch lát bập bênh thỉnh thoảng lại làm tóe nước bẩn khi có ai giẫm vào. 

Xộc xệch thì cuối năm lại phải chỉnh trang thôi. Quá hợp lý. Thế là bài ca đào đường lại vang lên. Thế là công việc lại tăng lên. Nạn thất nghiệp bị đầy lùi từng bước. Thật là sáng kiến vô tiền khoáng hậu.

Còn bạn. Bạn có muốn "đổi mới" cái "mới đổi" không? 

Lê Tâm
.
.
.