Thầy thuốc phải kiêm... đô vật?

Thứ Ba, 27/02/2018, 18:05
Khẩu hiệu "Mỗi thầy thuốc là một đô vật, mỗi bệnh viện là một pháo đài" cần được nhân rộng. Cuối cùng là cần tập môn phi thân qua rào bệnh viện, khinh công qua hồ ao nhanh hơn, cao hơn xa hơn...

Cứ mỗi dịp ăn tết là lại có con số đánh nhau ấn tượng. Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang. Đánh người xong thì mặt vàng như nghệ. Đấy là chuyện xưa. 

Thời xưa cứ hứng lên thì ẩu đả cùng nhau và anh thì mất nửa hàm răng, anh thì mắt tím bầm như gấu trúc. Thời nay không còn là đánh nhau nữa bởi hung khí sát thương cao và cả "hàng nóng" bắn ra đạn hoặc bắn ra... điện. Hậu quả sinh ra thuật ngữ "đánh nhập viện và "đánh nhập nhà tang lễ".

Ai đời, đang ngồi chúc Tết cũng bị côn đồ đánh tử vong. Những cái cớ dẫn đến chết người rất vớ vẩn: đâm chết bạn vì nợ 300.000 đồng; đâm chết bạn trai vì bị bạn trai tát; dùng gậy đánh chết người vì cho rằng bị nhìn đểu; đâm cả vợ và nhạc phụ nhạc mẫu vì mâu thuẫn với vợ; Đâm chủ quán karaoke do bị từ chối vì hết phòng ...

Lại có vụ đánh người kiểu "lấy oán trả ân" ở vụ tấn công kíp mổ đẻ tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái. Kíp mổ thành công cho mẹ tròn con vuông,  nhưng bác sĩ thì méo... vì bị đánh. 

Chồng sản phụ đã kéo đến hơn 1 tiểu đội, dùng hung khí "xa luân chiến" làm các thầy thuốc phải bỏ chạy. Hai bác sĩ bị thương khá nặng ở đầu và mặt. Lực lượng bảo vệ, trước "thế giặc quá to" cũng phải dùng kế thứ tam thập lục.

Trước đó, chồng của sản phụ trèo lên cửa sổ để chụp ảnh, quay phim. Kíp mổ đã nhắc nhở anh này ngừng quay phim chụp ảnh nhưng "cameraman" đã chửi bới, dọa đánh... "tao cho chúng mày chết".

Cả kíp phẫu thuật và sản phụ đều chỉ nghĩ là người nhà bệnh nhân dọa. Ai ngờ làm thật. Giống như một câu đùa hay gặp trên mạng "Nói là làm". Tên của chồng sản phụ viết tắt là LHN có thể dịch là "làm hơn nói "Quá nguy hiểm. Ai mà ngờ cái nhu cầu quay phim bây giờ căng đến thế.

Bộ Y tế đã lên tiếng để làm rõ vụ việc đồng thời ngăn chặn những hành vi tương tự. Nhưng làm cách nào? Ngày xưa, thầy thuốc thường toàn năng "Y - Lý - Số - Võ". Chữ "võ" cuối cùng, chắc người xưa đã tính tới nước "sống mái" với người nhà bệnh nhân.

Minh họa của Tả Từ.

Bảo vệ bị vô hiệu hóa thì nên chăng phổ cập cho thầy thuốc toàn quốc võ thuật phòng thân? Hằng tháng các "mẹ hiền" đều phải tập huấn nâng cao võ thuật cùng y thuật, vừa khỏe người vừa hộ thân. 

"Từ mẫu" buộc  phải có chứng chỉ quyền anh, Tackwondo, Judo, Vovinam, vật cổ truyền và các bài binh khí cơ bản. Bên cạnh ống nghe, kim tiêm, đồ nghề khám chữa bệnh phải có thêm các binh khí như đao, thương kiếm kích, chùy.

Các bài "mẹ hiền" tự vệ như 1 chống 1, 1 chống cả tiểu đội... Rồi các bài dùng y cụ chống binh khí như: Dao mổ chống dao găm; ốËng nghe tim phổi chống côn nhị khúc; cột inox truyền thuốc chống côn, đao; súng gây mê chống súng điện... 

Để chắc ăn thì các y tá, bác sĩ trước khi chữa bệnh phải mặc áo giáp chống đạn. Khẩu hiệu "Mỗi thầy thuốc là một đô vật, mỗi bệnh viện là một pháo đài" cần được nhân rộng. Cuối cùng là cần tập môn phi thân qua rào bệnh viện, khinh công qua hồ ao nhanh hơn, cao hơn xa hơn...

Không đùa nhé. Hiện nay thị trường ngoài luồng bán rất nhiều những thứ binh khí trá hình để qua mắt lực lượng chức năng thí dụ như đèn pin 50cm. Thực tế nó là một cây chùy kim loại có gắn đèn pin chuyên để "thăm hỏi sức khỏe" đối phương cùng rất nhiều những đồ sát thương tương tự có thể cho "nhập viện", chứ nếu chỉ cần ánh sáng thì người ta đã dùng đèn pin gọn nhẹ. Nên chăng thầy thuốc có thể phát huy múa bình ôxy, bình cứu hỏa thay chùy để "nghênh địch"

Thực ra, những kịch bản giả tưởng trên muốn đem đến một nụ cười cho một chủ đề hết sức nhức nhối, cốt để bạn đọc thấy rõ tầm nguy hiểm của tâm lý xã hội hiện thời.

Còn bạn. Bạn có muốn làm thầy thuốc khi phải kiêm đô vật không?


Lê Tâm
.
.
.