Thế giới dị thường số 235

Thứ Sáu, 19/04/2019, 13:07
Được mệnh danh là hoa tàng hình vì loài hoa ban đầu nở là màu trắng đục, nhưng khi mưa xuống, nó sẽ "tàng hình", chuyển sang trong suốt như tinh thể pha lê khiến nhiều người mê mẩn.


Hoa... tàng hình

Ngoài ra, khi gặp nước, đường gân trắng của cánh hoa sẽ hiện ra dáng vẻ nhìn như thể các khung xương, bởi vậy, loài hoa độc đáo này còn có biệt danh nghe rất kỳ dị là “hoa xương”. Dĩ nhiên khi cánh hoa khô thì nó lại trở về màu trắng đục như ban đầu.

Loài hoa đặc biệt mỗi khi tiếp xúc với nước này có tên là Diệp Hà Sơn, tên khoa học là Diphylleia grayi thuộc họ Berberidaceae.

Diệp Hà Sơn có nguồn gốc từ vùng rừng núi của Nhật Bản, nơi có nhiệt độ lạnh, nở rộ từ giữa mùa xuân đến đầu mùa hè trong điều kiện râm mát. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy loài hoa này ở Vân Nam (Trung Quốc) và miền Đông Hoa Kỳ (Trang Lê)

Nấm hình người

Một loài nấm kỳ lạ vừa được phát hiện trong một khu rừng có người ở thưa thớt tại Anh. Loài nấm này có đầu, có tay nhìn giống y như con người vậy.

Được biết người phát hiện ra loại nấm đặc biệt và kỳ lạ này là anh Jonathan Revett, một người có sở thích thu thập nấm.

Jonathan Revett cho biết lúc đầu anh nghi ngờ đây là loài nấm Rayed Earthstars, nhưng sau khi gửi mẫu nấm đi kiểm tra thì được xác nhận đó là một loài mới, được đặt tên là Geastrum britannicum. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đáng tiếc là loài nấm mới không ăn được. ( Anh Vũ)

Chú cò chung tình nhất quả đất

Có thể nói chú cò trống Klepetan là chú cò chung tình nhất quả đất, vì năm nay là năm thứ 17 liên tiếp chú cò trống này bay từ châu Phi tới Croatia để hẹn hò với cò mái bị tật ở cánh.

Mỗi năm cò trống Klepetan đều vượt quãng đường rất dài với 14.000 km, từ châu Phi tới thành phố Slavonski Brod, Croatia để ở cùng với tình yêu của nó, cò mái Malena. Được biết cò mái bị thương ở cánh do bị thợ săn bắn.

Người ta cứ ngỡ một quãng đường dài và "tuổi tác" có thể làm chậm hành trình dài của Klepetan nhưng năm nay nó xuất hiện sớm hơn mọi năm. Stjepan Vokic, người chăm sóc đôi chim phát  hiện cò trống Klepetan về hôm 18-3 vừa qua. (Khoa Anh)

Người len y như thật

Bạn có biết đâu là cụ ông giả trong hình không? Thật khó phải không nào? Một trong 2 cụ ông chính là sản phẩm làm hoàn toàn bằng len của nghệ nhân Liisa Hietanen (36 tuổi), người Phần Lan.

Chỉ bằng những cuộn len, nghệ nhân Liisa Hietanen đã tạo ra cây cối, đồ ăn và khung cảnh y như thật, đặc biệt là bản sao các thành viên trong gia đình và bạn bè của cô với hình dáng cùng kích cỡ như thật. Thậm chí, cô từng đan hẳn một phòng tắm bằng len.

Liisa cho biết mình học đan len từ năm 10 tuổi, tới nay, cô đã tạo ra bản sao của anh trai, thầy giáo cũ và những người hàng xóm trong ngôi làng mình sinh sống. Với mỗi "bản sao", cô sử dụng những thanh sắt để làm khung, sau đó đan len để tạo ra hình người, khung cảnh. Cô Liisa luôn cố gắng hoàn thành những sản phẩm thật chi tiết và giống với nguyên mẫu nhất, từ mặt mũi cho đến quần áo và cả giày dép người đó mang... Các nguyên mẫu thường tỏ ra vô cùng bất ngờ khi thấy “bản sao y đúc” của mình. (Mỹ Tiên)

Cá dự báo động đất?

Vừa qua, các ngư dân ở vùng biển phía Tây nam cảng Toya thuộc đảo Okinawa, Nhật Bản đã phát hiện 2 con cá rồng quý hiếm dưới biển sâu mắc vào lưới đánh bắt, một con dài 3,6m và con còn lại dài 4m. Điều này được cho là điềm báo về một thảm họa động đất và sóng thần đang cận kề.

Được biết trong 2  con cá rồng mắc vào lưới của các ngư dân kể trên, có 1 con đã bị đứt làm đôi sau khi được kéo lên thuyền, và sau đó đã bị ăn một phần cơ thể bởi một trong các thủy thủ đoàn. Con còn lại đã chết sau khi được đưa vào đất liền. Ngư dân Satomi Higa cho biết, 2 con cá rồng “trông thật huyền bí và tuyệt đẹp”.

Cá rồng còn gọi là cá mái chèo, được biết đến với tên gọi “Ryugu no tsukai”, trong tiếng Nhật nghĩa là “Sứ giả từ Long Cung”, được người Nhật cho là có khả năng dự báo động đất và sóng thần. Truyền thuyết tại nước này cho rằng cá rồng thường ngoi lên bờ trước thời điểm diễn ra các trận động đất dưới biển.

Truyền thuyết này ngày càng trở nên phổ biến sau một loạt trận động đất và sóng thần diễn ra tại Fukushima, Nhật Bản, vào năm 2011, khiến 20.000 người thiệt mạng khi hàng chục con cá rồng đã bị đánh dạt vào các bãi biển tại đất nước này trước thời điểm thảm họa diễn ra. Tuy nhiên các nhà khoa học đã bác bỏ những khẳng định trên.

Nguyên nhân khiến các loài sinh vật dưới đáy biển lên mặt nước, trong đó có loài cá rồng quý hiếm, được người quản lý thủy cung thành phố Uozu, Nhật Bản, Kazusa Saiba cho là do tình trạng ấm lên toàn cầu và những thay đổi ngầm trong lớp vỏ Trái đất gây xáo trộn các dòng hải lưu. (Trúc Phương)

PV
.
.
.