Thế giới xanh hình thẳng đứng

Thứ Sáu, 15/06/2012, 11:28

Dự án siêu cây năng lượng mặt trời là một phần trong một dự án phong cảnh rộng 100 ha - mang tên Vườn trên vịnh - đó là một sáng kiến từ Ban các Vườn quốc gia Singapore (SNPB), khu vườn này sẽ là nơi sinh sống của các loài động thực vật lạ có xuất xứ từ nước ngoài.

"Siêu cây" năng lượng mặt trời đem lại sức sống mới cho đảo quốc Singapore

Dự án phát triển mới nhất của Singapore cuối cùng sẽ nở hoa vào cuối tháng 6/2012 này, đó là những cái cây nhân tạo có tán cao tới 50 mét, đứng sừng sững như một toà tháp hùng vĩ nhô lên bên trên ốc đảo đô thị sầm uất của quốc đảo Singapore. Những siêu cây năng lượng mặt trời được nhìn thấy tại công viên Bay South (Nam Vịnh) sẽ chính thức khai trương cho công chúng tham quan vào ngày 29/6/2012.

Dự án siêu cây năng lượng mặt trời là một phần trong một dự án phong cảnh rộng 100 ha - mang tên Vườn trên vịnh - đó là một sáng kiến từ Ban các Vườn quốc gia Singapore (SNPB), khu vườn này sẽ là nơi sinh sống của các loài động thực vật lạ có xuất xứ từ nước ngoài. Khu rừng nhân tạo này sẽ bao gồm 18 siêu cây năng lượng mặt trời, chúng hoạt động như những khu vườn thẳng đứng, tự tạo ra điện mặt trời, làm ống thông khí cho các nhà kính trồng cây gần kề đó, bên cạnh đó còn có chức năng thu hoạch nước mưa ngoài tự nhiên.

Để tạo ra điện năng, 11 siêu cây trong số đó sẽ được trang bị bằng các hệ thống tấm pin quang điện mặt trời, chúng sẽ hấp thụ ánh nắng mặt trời và chuyển hoá thành điện năng, cung cấp điện chiếu sáng và công nghệ xử lý nước cho các công trình xây dựng.

Vào ban ngày, các siêu cây sẽ hấp thụ ánh nắng mặt trời và sẽ tự động phát sáng mỗi khi đêm về.

Các siêu cây năng lượng sẽ có chiều cao dao động từ 25 mét đến 50 mét, mỗi siêu cây sẽ có hình dáng như một vườn hoa nhiệt đới với nhiều loài dương xỉ leo bám dầy đặc trên các khung sắt của "cây". Những tán cây khổng lồ cũng sẽ hoạt động như các máy điều tiết nhiệt độ, hấp thụ và phân tán nhiệt cũng như cung cấp nơi trú ẩn giúp cho khách bộ hành trong lúc đi bộ ngang qua đấy có thể tránh hơi nóng hầm hập ở Singapore.

Dự án là một phần trong một kế hoạch tái phát triển nhằm sáng tạo ra một khu trung tâm đô thị mới trong khu vực Vịnh Marina, phía Nam của Singapore. Các nhà tổ chức dự án hy vọng rằng sau khi hoàn thiện, Vườn trên Vịnh sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái, nơi lý tưởng cho du khách tham quan các hoạt động bền vững và ngắm xem những loài thực vật đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại một sự kiện duyệt trước vào cuối tháng 11/2011 vừa qua, Thủ tướng đầu tiên của nhà nước Cộng hoà Singapore, Lý Quang Diệu, nói rằng dự án "sẽ đem đến những thành tựu tiên tiến nhất mà Singapore muốn quảng bá với cả thế giới. Quần thể khu vườn sẽ trở thành một niềm tự hào của Singapore". Những cây cầu có cái tên "Cầu không gian" sẽ được xây dựng để kết nối vài siêu cây cao cỡ 50 mét (cùng chiều cao của Khải Hoàn Môn ở Paris), cho phép du khách đi dạo giữa các siêu cây và ngắm toàn cảnh khu vườn thực vật tươi đẹp từ trên cao.

Khu vườn cơ học nhân tạo rộng 100 ha mang tên Vườn trên Vịnh, là một phần trong dự án phát triển mới nhất của Singapore, đồng thời nó là một khu đô thị mới gần Vịnh Marina. Khu vườn có 3 khu cảng vườn gồm Đông Vịnh, Trung Vịnh và Nam Vịnh, dự kiến sẽ khai trương vào ngày 29/6/2012.

Thiên đường vườn cũng tự hào có 2 nhà kính trồng cây gần kề đó, một khu gọi là Rừng Mây và Vòm Hoa - quần xã thực vật này có chức năng kiểm soát khí hậu lấy cảm hứng từ hình dáng của một bông hoa phong lan mà các nhà tổ chức dự án hy vọng 2 nhà kính này sẽ trở thành điểm du lịch chính của quần thể Vườn trên Vịnh. Các quần xã sinh vật sẽ có kích thước tương đương với 4 sân bóng đá và sẽ trở thành một ngôi nhà mới cho 200.000 loài cây thực vật từ các châu lục trên thế giới tề tựu về.

Phí vào cửa tham quan cho khách ngoại quốc xấp xỉ khoảng 22 USD/người (hay 28 SGD) và 16 USD (hay 20 SGD) áp dụng đối với dân bản xứ Singapore. Một trong những tính năng bền vững của Vòm Hoa đó là hệ thống xử lý nước thải làm vườn, thứ nước thải sau khi tưới cây cối sẽ dùng để vận hành các tuốc-bin tạo ra nhiệt năng và tạo ra điện tại chỗ nhằm giúp duy trì nhiệt độ mát mẻ bên trong các quần xã sinh vật.

Trong quần thể Vườn Di sản, du khách sẽ khám phá các vườn chủ đề Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ và Thuộc địa và tìm hiểu về các liên kết giữa thực vật và lịch sử Singapore. Bao bọc xung quanh những không gian xanh này là công viên Nam Vịnh rực rỡ màu sắc, rộng đến 41,2 ha với nhiều hồ nước và cầu. Dự kiến "ốc đảo vườn tược" này sẽ đi theo chiến lược phát triển của Singapore trong việc chuyển đổi đất nước này thành "một thành phố vườn".

Hoa quả tươi ngon tại "trang trại thẳng đứng"

Một nhà máy đóng gói thịt hộp ở bờ Nam Chicago đang được chuyển đổi thành một trang trại sinh thái mà các nhà sáng lập nói rằng nó sẽ sản xuất ra các loại thực phẩm bền vững, và hình thành một môi trường phi chất thải. Doanh nhân người Mỹ John Edel là nhà sáng lập ra dự án "Nhà Máy", đó là một sáng kiến trang trại kiểu thẳng đứng mà ông hy vọng sẽ cho mọi người thấy một cách dễ dàng thích ứng với sản xuất thực phẩm xanh trong các môi trường sống đô thị.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành John Edel (giữa) cho biết: "Chìa khoá để hình thành nên "trang trại thẳng đứng" này là các quy trình đều khép kín thể hiện ở các mặt: năng lượng, tài nguyên, tiền bạc, việc làm. Nếu bạn có thể kết nối hiệu quả các yếu tố trên thì bạn sẽ duy trì một phương thức sản xuất bền vững".

"Trang trại thẳng đứng" là một khái niệm nông nghiệp đô thị, theo đó thực phẩm sẽ được trồng trong và trên nóc của các toà nhà trong lòng các thành phố. Nhằm phát triển theo mô hình này, các nông dân đô thị sẽ sử dụng nhiều loại kỹ thuật bao gồm thủy canh - tức canh tác cây cối trong nước - và nuôi cá lấy phân để hỗ trợ cho thủy canh. Với dân số thế giới vượt qua 7 tỷ người và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, việc tìm kiếm không gian để trồng thực phẩm đang trở thành một thách thức nan giải.

Vào năm 2010, John Edel bắt đầu tái chuyển đổi xưởng thịt hộp của mình và 2 năm sau đó nó đã mở cửa để đón tiếp công chúng và các doanh nhân đến tham quan, học hỏi mô hình làm ăn kiểu mới.

Doanh nhân John Edel tự hào chia sẻ về "Nhà Máy": "Chúng tôi tối thiểu hoá việc sản sinh ra chất thải bằng cách sử dụng các công nghệ để làm điều đó. Chúng tôi sử dụng một bể phân hủy khí để giảm chất thải bằng 0. Bể phân hủy khí của "Nhà Máy" đã sử dụng vi khuẩn để phân hủy các chất thải hữu cơ thành khí gas - gồm khí methane và carbon dioxide - và vật liệu để trở thành phân bón. Một "hệ thống kết hợp nhiệt và điện" sẽ chuyển hoá khí Methane thành năng lượng, mà John Edel nói rằng "Nhà Máy" sẽ từ chối hoàn toàn lưới điện quốc gia và cho phép tạo ra một lượng lớn thực phẩm mà không hề để lại chất thải làm ô nhiễm môi trường.

"Nhà Máy" là một dự án được hoán cải từ một toà nhà chuyên đóng gói thịt có tuổi đời 85 năm để tạo ra một "trang trại thẳng đứng" nằm ở Nam Chicago (Mỹ).

Mặc dù vẫn đang trong quá trình xây dựng, "Nhà Máy" đã có 5 "người thuê nhà" bao gồm các trại nuôi cá, một trang trại thủy canh, những người làm bánh mì, những người lai tạo cá rô phi, một vườn nấm và một người chuyên ủ trà (chè) Kombucha. Sản phẩm của họ được bán cho các nhà hàng, quán café và các chợ địa phương cũng như sản xuất nhiều thực phẩm hơn trong khuôn viên "trại thẳng đứng".

Tái chế cũng là một phần lớn tại "Nhà Máy" và những người thuê nhà làm việc cùng nhau để sử dụng luân phiên nguồn chất thải của nhau nhằm sản xuất thực phẩm và canh tác nông trại. Ví dụ, cá rô phi sẽ sản sinh ra khí a-mo-ni-ắc dựa trên chất thải của nó, chất thải có chứa a-mo-ni-ắc sẽ đi qua bộ lọc sinh học trước khi nitrate được cây trồng hấp thụ trong các chậu thủy canh. Cây trồng hấp thụ nitrate sẽ làm trong sạch nguồn nước, và sau đó cá sẽ tiếp tục một "chu kỳ tuần hoàn khép kín".

Ông John Edel nói: "Nhà Máy" sẽ hoạt động theo mô hình xã hội doanh nghiệp với một bên phi lợi nhuận và một bên vì lợi nhuận. Nó cung cấp các tour tham quan cho các thành viên từ phía cộng đồng và tiến hành các bài giảng, các chương trình tiếp cận và những cách biểu hiện cho cộng đồng địa phương nhằm chỉ dẫn cho họ cách thức trồng lương thực chất lượng cao trong các môi trường đô thị khác nhau. Doanh nhân John Edel hy vọng "Nhà Máy" sẽ hoạt động toàn diện vào năm 2014 và tạo ra công ăn việc làm cho 125 người.

Những khu đô thị tường xanh

Các toà nhà với mảng tường xanh hiện đang mọc lên trên khắp nước Anh kiểu như công ty Biotecture. Trong ảnh là một thư viện nằm trong thành phố Grimsby ở Đông Bắc nước Anh.

Những "khu vườn thẳng đứng" đang hiện hữu trong lòng các đô thị vào những ngày này, biến bộ mặt không gian các đô thị thành những khu rừng rực rỡ màu sắc. Những khu vườn tươi tốt không nằm dưới đất mà… trên các bức tường - cả trong và ngoài tường - và nó tăng sinh khí cho các toà nhà công cộng, khách sạn, văn phòng và thậm chí là một bãi đỗ xe nhiều tầng ở Hà Lan. Bên cạnh sắc thái thẩm mỹ thì những "khu vườn thẳng đứng" cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn, dẫn lời của ông Mark Laurence, Giám đốc sáng tạo của Biotecture, một công ty Anh chuyên thiết kế và xây dựng các mảng tường xanh.

Ông Mark Laurence nói: "Thị trường đang chuyển động sang một cái nhìn mới đó là làm cách nào họ có thể cung cấp các dịch vụ mang tính hệ sinh thái và các kiến trúc xanh cho các môi trường đô thị". Hệ thống mô hình thủy canh của họ - nơi cây cối sống không cần đất mà có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng thông qua các kênh tiêu nước - được trang bị thêm cho bất kỳ dạng bức tường nào. Một sáng tạo gần đây đã được xây dựng tại nhà ga xe điện ngầm Edgware ở trung tâm London đang hy vọng sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí.

Bức tường rộng 200m2 nằm gần đường Marylebone - một trong những con đường bụi bặm nhất ở thủ đô London (Anh) đã được chỉnh trang lại bởi Cao đẳng Hoàng gia London. Nó được trồng thành một bức tường sinh thái và các lá cây sẽ đóng vai trò hút tất cả các phân tử bụi trong không khí trả lại sự quang đãng cho môi trường sống của cư dân địa phương

Thanh Hải (theo CNN)
.
.
.