Thế nào là tốt với nhau?

Thứ Tư, 01/04/2015, 16:30
Đang uống cà phê, thấy bác chủ quán lao ra, tưởng có chuyện động trời. Té ra có chú tài xế taxi đỗ ô tô ngay đầu ngõ. Đỗ ở đây cản trở việc bán cà phê chăng?
Chú tài xế phân trần: “Cháu đỗ tạm ăn bát phở thôi mà không ảnh hưởng tới bác bán cà phê đâu”. Bác chủ cà phê bảo: “Chú hiểu lầm ý tốt của tôi. Đỗ ở đầu ngõ là mấy ông cựu chiến binh a lô báo cho xe đến cẩu đi đấy. Đỗ ngoài đường vô tư đi”.

Chú tài xế ngạc nhiên trố mắt. Bác chủ quán bảo: “Hôm nay trời mưa, đội quản lý đường không hoạt động mạnh, yên tâm. À. Té ra chỉ là chọn lựa một trong hai phương án vi phạm trật tự giao thông” chứ không có phương án nào đúng quy định. Sai đúng không quan trọng, miễn là tránh bị phạt. Bác chủ quán hể hả vì đã giúp được một người thoát được phạt. Bác chẳng quan tâm chuyện người ta sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục dừng đỗ sai luật. Tốt với nhau là giúp nhau giữ đúng kỷ cương hay giúp nhau tránh bị phạt?

Thỉnh thoảng về nông thôn cần mượn xe máy, tôi mượn luôn mũ bảo hiểm thì mọi người bảo: Đội mũ bảo hiểm làm gì cho nóng? Đường liên huyện không có cảnh sát đâu mà sợ.

Ô hay, tôi chỉ sợ chấn thương sọ não chứ sao phải sợ cảnh sát giao thông?

Ở thành phố, thỉnh thoảng dừng ngã tư, tôi thấy mấy bác ngồi vỉa hè ra hiệu cho người đi đường một cách kỳ bí như những nhà tình báo vĩ đại. Hỏi ra mới biết các bác thông báo cho những người không đội mũ bảo hiểm tránh đường vì qua ngã tư này có một tổ cảnh sát giao thông.

Trong chợ, tôi đã từng đọc một cái biển hiệu đề rõ to: "Thịt bò, không bơm nước".

Cái biển ấy cho thấy sự khác biệt rằng ít ra chỉ có nơi này không bơm nước vào thịt bò, còn nơi khác thì…

Đây là một thực tế khi nhiều cơ sở cung cấp thực phẩm đã thực hiện các hành vi bơm chất lạ vào tôm chết cho sản phẩm mọng lên. Thói quen này cũng là thói quen nối dài của gian thương khi người nhồi bánh đúc vào gà vịt cho nặng cân. Nếu như bơm chất lạ vào tôm được thực hiện lén lút ở nơi khuất thì việc nhồi bánh đúc vào gia cầm này được các mẹ thực hiện hiên ngang giữa chợ. Cái xấu trở nên quen mắt và lâu dần trở thành chuyện thường ngày.

Các cửa hàng rau sạch, rau an toàn, thịt sạch mọc lên như muốn nói rằng, chỉ có tôi đây là đáng tin cậy, còn lại của hàng khác toàn thực phẩm bẩn cả.

Chả biết được thế nào là an toàn, người đô thị "sợ chết" đang có phong trào tự cung tự cấp như thời nguyên thủy. Họ tự trồng rau trong hộp xốp, để trên gác thượng, ban công và bày ra hè đường. Họ liên kết với nhau trên mạng để cung cấp chéo sản phẩm thuần nông. Các quý bà quý ông suốt ngày ới nhau trên mạng để mua bán nông sản mà phì cười. Sao thời buổi này đáng ngờ thế chứ. Người tiêu dùng "cảm tử" chẳng có sức đâu mà kiểm định nên đành ăn đi rồi tính.

Cách đây vài hôm, tôi đọc được tấm biển cửa hàng điện thoại đề: "Sửa chữa, mở mạng, nâng cấp, bẻ khóa, cài tiếng Việt" rất hiên ngang.

Việc thực hiện bản quyền ở xứ ta cũng như các nước đều gặp khó khăn. Những người láu lỉnh chọn phương thức lén lút dùng chùa thì cũng không hiếm. Dùng chùa thì nói trắng ra là đạo chích, nhưng dịch vụ bẻ khóa được công khai đến hồn nhiên thế này đủ thấy người dân hiểu biết pháp luật thế nào.

Nếu chúng ta coi việc thực hiện đúng luật pháp chỉ để tránh bị phạt thì đã hiểu sai ích lợi từ luật pháp mang lại. Những hành vi chiếu lệ sớm muộn cũng đem lại hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng. Những vi phạm này, nhẹ thì dẫn tới không đảm bảo đời sống kinh tế, tinh thần, văn hóa, nặng thì ảnh hưởng đến sinh mạng mỗi người.

Thực hiện tự giác hay chiếu lệ sẽ đánh giá đúng ý thức cộng đồng đang ở tầm mức nào. Việc đó không phải của ai khác mà của chính mỗi người.

Lê Tâm
.
.
.