Theo đuổi “Giấc mơ Hàn”

Thứ Sáu, 10/03/2017, 08:00
Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Hàn Quốc học tập, làm việc và sinh sống. Họ có chung mong muốn là có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, con đường để hòa nhập với cuộc sống ở đó không hề trải hoa hồng.


Hàn Quốc có nền kinh tế phát triển cao ở Đông Á và là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Á. Vì thế, hàng năm, số lượng người nước ngoài đến đây ngày càng đông. Dù xuất thân khác nhau, có thể là công nhân, sinh viên hay những người phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, họ đều phải đối mặt với những khó khăn, vất vả...

Thử thách ngôn ngữ

Trong thực tế, tiếng Hàn  không hề dễ. Vì thế, nó là thử thách thật sự cam go cho người nhập cư. Nguyễn Thị Linh Kiều (20 tuổi), một người Việt lấy chồng Hàn Quốc, phải đến lớp học tiếng Hàn một tuần 4 buổi, mỗi buổi 2 giờ tại Trung tâm Đa văn hóa Darin ở Samseon-dong (bắc Seoul). Cô đến Hàn Quốc năm ngoái và theo học tại trung tâm được 4 tháng. Kiều vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Hàn, nhưng vì sống với nhà chồng nên cô có cơ hội tập nói ngôn ngữ này. Cô muốn vào đại học và có một công việc tốt. Vì thế, cô phải thông thạo ngôn ngữ bản xứ và nó đang là trở ngại lớn nhất của cô.

Kim, một người Hàn Quốc chuyên dạy tiếng Hàn cho những người vợ nước ngoài tại Darin từ năm 2006, cũng là một tình nguyện viên của chương trình hội nhập vào Hàn Quốc, cho biết các người vợ đến từ quốc gia khác nên học tiếng Hàn càng sớm càng tốt ngay khi đến đây. Nhiều người sinh con xong mới bắt đầu học, do đó họ không có đủ thời gian cho việc học.

Như vậy, họ không thể giao tiếp với con cái bằng tiếng Hàn, điều đó khiến cho trẻ khó khăn trong việc học tiếng Hàn sau này. Kim cũng cho biết cô cảm thấy rất vui vì chứng kiến sự tiến bộ của học trò, từ những người không biết một từ tiếng Hàn nhưng nay đã giao tiếp thoải mái bằng thứ tiếng khó nuốt này. Cô vẫn còn nhớ một học trò trung niên đến từ Trung Quốc, tiến bộ rất nhanh sau hơn 2 tháng theo học nhờ vào sự chăm chỉ học tập.

Một người nước ngoài mua bánh rán tại tiệm bánh của một người Trung Quốc tại Ansan, phía nam Seoul.

Người học trò này xem chương trình tin tức bằng tiếng Hàn mỗi đêm và cặm cụi tra từ điển những từ cô không biết. Sau đó, cô còn đặt câu với những từ mới rồi nhờ cô giáo Kim kiểm tra lại. Kim cho biết: “Chúng ta có thể học từ nhiều nguồn, từ những chương trình giải trí hay bản tin trên truyền hình. Tất nhiên giao tiếp với người bản xứ là rất cần thiết để nâng cao vốn ngoại ngữ.”

Darin là trường đầu tiên dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cho sinh viên, công nhân và những người vợ đến từ quốc gia khác. Hầu hết các bà vợ nước ngoài đều theo học tại các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa toàn quốc được tổ chức bởi Bộ Bình đẳng giới và gia đình.

Tại các địa phương cũng có những chương trình tương tự. Chương trình bao gồm dạy tiếng Hàn tại nhà, dịch vụ phiên dịch, các lớp học và tư vấn đa văn hóa. Năm 2007, số trung tâm chỉ là 37, năm 2016, con số nhảy vọt lên 200 để đáp ứng cho số lượng người nước ngoài nhập cư vào Hàn Quốc ngày càng nhiều.

“Giấc mơ Hàn” thấm đẫm mồ hôi

Ariyanto Shi người Indonesia, làm việc trong một nhà máy sản xuất vớ tại Ansan, phía nam Seoul. Anh phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt với thời lượng 6 ngày/ tuần với mức lương  1,5 triệu won/tháng (tương đương 1.340 USD).

Việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất và các dụng cụ hạng nặng đã làm bàn tay chàng trai 29 tuổi này chai sần. Bộ quần áo của anh nồng nặc mùi mồ hôi sau khi tan ca nhưng anh vẫn cười rất tươi khi nói bằng tiếng Hàn: “Đó là mùi của việc thực hiện những giấc mơ.” Anh nói thêm: “Cuộc sống của tôi ở đây tuy khó khăn nhưng tôi học được nhiều điều, nó sẽ giúp tôi thực hiện mơ ước của mình khi về nước". Tuy lao động vất vả nhưng Shi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì đang thực hiện giấc mơ của mình.

Shi đến Ansan vào tháng 11-2009 với bằng kỹ sư hóa học trong tay. Anh cần tiền để thành lập một công ty hóa chất riêng ở quê nhà. Đối với anh, tiền không phải là thứ giá trị duy nhất anh có được tại Hàn Quốc, bài học lớn nhất đối với anh là kỹ năng quản lý nhà máy. Đó sẽ là kinh nghiệm quý giá cho anh khi trở về Indonesia.

Shi tâm sự: “Tôi sẽ nhớ Hàn Quốc khi về nước vì tôi có nhiều kỷ niệm đẹp nơi đây. Đất nước này chính là bước đệm để tôi thực hiện ước mơ của mình”. Sau những giờ làm việc mệt mỏi ở nhà máy, Shi xả stress bằng cách tham gia lớp học taekwondo miễn phí dành cho người nhập cư. Cuối tuần, anh có thể đi chơi và chụp những tấm hình yêu thích.

Trường hợp của Shi giống với nhiều người Hàn Quốc trước đây. Trước khi trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng thứ tư châu Á và thứ 15 thế giới, Hàn Quốc từng là một quốc gia rất nghèo, chỉ ngang với Ghana và Ai Cập.

Vào những năm 1960-1970, nhiều người Hàn Quốc phải đến Mỹ, châu Âu hoặc Trung Đông để có thể tìm việc với mức lương cao hơn, dù đó là công việc lao động rất nặng nhọc. Số tiền kiếm được họ gửi về cho người thân ở quê nhà, và những kinh nghiệm làm việc họ có được từ nước ngoài đã giúp cho đất nước này có diện mạo mới như hôm nay.

Ngày nay, Hàn Quốc là điểm đến hấp dẫn của nhiều người ở các quốc gia đang phát triển. Họ đến Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội nhằm cải thiện cuộc sống.

Một xã hội “đa văn hóa”?

Dòng người nước ngoài đổ vào Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1990, khi các công ty tìm kiếm lao động giá rẻ ở các nước khác và sự nhập cư ồ ạt của các cô dâu nước ngoài cho những người không thể kiếm vợ là người bản xứ. 

Ban đầu, Chính phủ Hàn Quốc không coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực từ nước ngoài, nhưng bây giờ họ lại xem đây là nguồn nhân lực quan trọng để đối phó với những tác hại của tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và dân số già đi nhanh chóng.

Một lớp học tiếng Hàn Quốc cho người nhập cư tại trung tâm Darin ở Samseon-dong, phía bắc thủ đô Seoul.

Họ bắt đầu thu hút các lao động có tay nghề cao như nhân viên IT, nhằm cải thiện sức cạnh tranh của quốc gia. Ngoài ra, họ còn tập trung vào việc tăng số lượng cô dâu nước ngoài để thúc đẩy tỷ lệ sinh sản trong nước.

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, ước tính có khoảng 932.000 người từ 184 quốc gia cư ngụ lâu dài tại đây, chiếm 1,8% trong tổng số 50 triệu dân Hàn. Con số là 1,42 triệu người nếu tính luôn những người cư ngụ ngắn hạn. Khoảng 524.400 người trong số họ là công nhân chuyên làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm mà đa số người Hàn Quốc từ chối làm.

Dựa theo tình hình thực tế, số người nước ngoài ở xứ sở kim chi có thể lên đến 2 triệu, chiếm 3,9% dân số vào năm 2015. Con số sẽ tiếp tục tăng lên 2,5 triệu chiếm 4,8% trong năm 2020, và chạm cột mốc 3,2 triệu dân (6,1%) khi bước qua năm 2030.

Thuật ngữ “đa văn hóa” trở nên thông dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng vào năm 2006 khi chính quyền Tổng thống Roh Moo Hyun lúc ấy đưa ra những chính sách để những người nước ngoài có thể hòa nhập vào Hàn Quốc một cách dễ dàng. Khái niệm đa văn hóa đang dần trở nên phổ biến tại “xứ củ sâm” vì đất nước này sẵn sàng cho sự toàn cầu hóa để biến Hàn thành một xã hội cởi mở với nền văn hóa khác. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người dân Hàn Quốc: họ có dễ dàng chấp nhận những người đến từ nền văn hóa khác?

Liệu một nền văn hóa đa chủng tộc có thể phát triển ở một quốc gia nổi tiếng với niềm tự hào về bản sắc dân tộc như Hàn?

Để tồn tại một nền văn hóa như vậy, người dân Hàn phải chấp nhận sự khác biệt đến từ các nền văn hóa khác, thay vì bắt họ hòa nhập với mình như mô hình ở các quốc gia như Mỹ, Canada và Úc.

Các chính sách của chính phủ đề cao việc hội nhập của người nước ngoài với văn hóa Hàn Quốc, đồng thời cũng tôn trọng bản sắc văn hóa riêng của họ.

 Câu hỏi đặt ra là liệu người dân Hàn Quốc có nhiệt tình ủng hộ sự đa văn hóa này không hay sẽ có những phản ứng tiêu cực như nhiều quốc gia ở châu Âu đối với người nhập cư?

Dù cho câu trả lời có như thế nào, làn sóng nhập cư vào Hàn Quốc mỗi năm vẫn rất lớn. Họ vẫn hàng ngày tích cực học tập và làm việc để theo đuổi giấc mơ của mình….

Thảo Hương
.
.
.