Thị trấn "không có đàn ông" ở Burkina Faso

Thứ Tư, 16/12/2015, 09:07
Đó là thị trấn Beguedo, cách thủ đô Ougadougou của Burkina Faso 230km về phía Đông Nam, nơi mà "theo truyền thống", đàn ông phải ra ngoài, rời bỏ quê hương để tìm kiếm việc làm tại "thiên đường" châu Âu.

Đàn bà sinh ra trong cái thị trấn nhỏ bé có nhiệm vụ ở nhà chăm sóc ruộng vườn, con cái. Họ bị cha, chồng và con trai bỏ rơi trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ. Trong loạt phóng sự điều tra mới đăng tải hồi đầu tháng 12, hãng BBC của Anh cho biết, có rất nhiều làng như thế ở châu Phi, nơi mà cảnh tượng những người đàn ông chấp nhận rủi ro, vượt biển, vượt đại dương để sang các quốc gia láng giềng hoặc các nước ở Âu châu giàu có với hy vọng tìm kiếm được một công việc trả lương cao để đổi đời. Và những người vợ, người mẹ, con gái, nói chung là phụ nữ ở nhà sống như những cái bóng, quanh quẩn với khoảng không gian duy nhất trong thị trấn. 

Alimata Bara là một người như thế. Trước đây, cô là một người vui tính, rất hay pha trò và hay cười. Ai cũng thích tiếng cười giòn tan vô tư của cô. Nhưng nay, Alimata Bara lại chỉ cười với mỗi mình mình bởi cô đã trở thành một phụ nữ độc thân.7 năm trước, khi 17 tuổi, Alimata Bara đã cưới "một người Italia" (cách gọi của dân trong vùng, tức là một người đàn ông Burkina Faso nhưng lại đang làm việc ở Italia).7 năm, cô chỉ ở bên chồng đúng 6 tháng. Rồi sau đó, chồng sang Italia để lại cô ở nhà với cái bụng bầu.

Những người phụ nữ trong thị trấn Beguedo phải tự làm mọi việc để chăm sóc gia đình và duy trì cuộc sống trong khi chồng họ "gò lưng" làm thuê ở Italia. (ảnh: BBC).

Alimata Bara vừa nói vừa cười trong nước mắt: "Khi bạn là một cô gái trẻ, bạn nghĩ gì về cuộc sống? Bạn thấy "một người Italia", bạn nghĩ đó là cái cột vững chắc cho cuộc đời mình?Tôi cũng như vậy.Chúng tôi đã gặp nhau ngoài chợ và bắt đầu tán tỉnh nhau.Sau đó, anh ý mang hạt cà phê đến biếu bố mẹ tôi.Trong có 10 ngày, chúng tôi lấy nhau".

Tại làng Beguedo, thông thường, khi người con trai theo đuổi người con gái, họ phải mất hàng tháng để thuyết phục nhà gái cho tổ chức đám cưới. Trong khoảng thời gian đó, họ phải chăm chỉ làm việc trên ruộng vườn nhà mình và giúp đỡ cả nhà cô gái để lấy lòng tin và sự tín nhiệm của gia đình họ.Họ phải mua sắm một số vật dụng để chứng tỏ mình sẽ là một người chồng tốt.Nhưng nay, khoảng thời gian hàng tháng đó chỉ kéo dài lâu nhất là 2 tuần, thậm chí chỉ có vài ngày.Đó là vào những dịp lễ, Tết, khi những người đàn ông trong thị trấn trở về quê hương sau những ngày làm việc nặng nhọc ở châu Âu.

Tại Beguedo, "những người đàn ông Italia" thường trở về nhà trong tháng 8 hoặc tháng 12. Đây cũng là mùa cưới của dân trong vùng.Những người đàn ông trở về mang niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ ở nhà.Alimata Bara cũng vậy, cô luôn mơ được đổi đời.3 tuần sau đám cưới, Saada, chồng cô trở lại Italia, còn Alimata Bara ở cùng bố mẹ chồng và sinh con gái Omayma. Đến khi Omayma tròn 3 tuổi, Alimata Bara mới được nằm trong vòng tay yêu thương của chồng lần nữa. Nay đứa con gái 6 tuổi của cô phần lớn chỉ được nhìn thấy bố qua những bức hình mờ nhạt trong cuốn album ảnh của gia đình.

Saada đang làm trong một trang trại trồng khoai tây ở một châu lục khác. Trong 7 năm, anh chỉ trở về nhà có 2 lần, một lần vào năm 2011 trong 3 tuần và lần khác vào năm 2014. Saada có giấy tờ thông hành cho phép anh đi lại dễ dàng từ Burkina Faso tới Italia nhưng anh không đủ khả năng để chi trả cho việc di chuyển nhiều lần. Và cậu con trai thứ hai của đôi vợ chồng này tên là Obaidou mới 3 tuổi và chỉ được một lần duy nhất gặp cha.

Alimata Bara cười đau khổ khi kể lại những đêm dài cô đơn nhớ chồng. Nhưng họ không thể làm gì khác được.Tất cả phụ nữ trong thị trấn Beguedo đều ở tình trạng tương tự.Nematou chẳng hạn. Cô cưới anh trai của Saada và  người này cũng đang làm việc ở nước ngoài. Vì thế, hai chị em dâu phải nương tựa vào nhau mà sống, mà nuôi con.

Cựu thị trưởng Beguedo, ông Beatrice Bara nói, hầu hết đàn ông trong thị trấn đều tìm mọi cách tới châu Âu để xin việc.Số lượng người ra đi ngày càng đông.Họ chỉ về để cưới vợ, để tạo dựng một mái nhà, (chốn về khi già), để có những đứa con rồi họ lại đi. 

Ông Beatrice Bara cho biết, từ đầu những năm 1990, khi người Burkina Faso không cần visa khi tới Italia thì tình trạng này ngày càng phổ biến. Hồi năm 2008, khi lấy Saada, Alimata Bara từng nghĩ cô sẽ được theo anh tới Italia. "Nhưng rồi anh bị mất việc.Cuộc sống thật đắt đỏ.Bạn phải trả tiền thuê nhà, các hóa đơn điện nước.Còn ở làng, mọi thứ lại đơn giản hơn. Chúng tôi tự sản xuất và tự tìm nguồn ăn uống…" Alimata Bara kể. Cô cũng cho biết, điều bù đắp duy nhất mà chồng làm được cho mẹ con cô là xây một ngôi nhà với một phòng ngủ… 

Phóng sự của hãng BBC cho biết, mỗi tháng, "những người đàn ông Italia" của thị trấn Beguedo chỉ gửi về cho gia đình được 25 Euro. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục con đường đã lựa chọn và để lại sau lưng ngôi nhà vắng bóng đàn ông.

Khánh Chi
.
.
.