"Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu"

Thứ Năm, 24/09/2020, 13:54
Tôi thích tư tưởng của Lão Tử (571 TCN - 471 TCN), trong đôi năm gần đây hay đọc Đạo Đức Kinh. Cơ duyên dẫn tôi đến với Lão Tử, là một câu văn ngắn mà tôi đọc được trong một bộ truyện dài: "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu".


Câu văn trên làm tôi suy tưởng trong một thời gian dài. Đất trời, cũng như bậc thánh nhân đại giác ngộ, có cái Đạo riêng của mình, sống vô vi, thuận theo tự nhiên, không tư vị thiên vị bất cứ ai, bất cứ điều gì. Quy luật vận động lạnh lùng của tạo hoá là lẽ biến dịch tất yếu, cực thịnh ắt suy, vật cực tất phản, mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc - sinh, ắt dẫn tới mùa Hạ đơm hoa kết trái - vượng, rồi tuần tự phải đến mùa Thu tàn tạ - suy, mùa Đông sự sống thu liễm ẩn tàng - mộ, để lại chờ đợi mùa Xuân, khởi sinh lần nữa. Vòng sinh tử tuần hoàn ấy là lẽ tất yếu. 

Trong vòng sinh sinh diệt diệt, con người sinh ra, lớn lên, bệnh tật, rồi chết, những nền văn minh, phát triển đến đỉnh, rồi suy tàn, biến mất. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, chưa thấy bất cứ ai, bất tử trường tồn, tất cả đều tuân theo hành trình sinh diệt lạnh lùng của trời đất. Đấy cũng là lẽ vô thường của vạn vật.

Vì thế, mà đối với đất trời, với lẽ biến dịch, chẳng có ai, có điều gì được coi trọng, đúng thời thì sinh, nghịch thời thì diệt, vạn vật cũng chỉ như chó rơm dùng trong khi cúng tế, lúc đang dùng thì quý, được cất kỹ trong rương bọc vải gấm, thầy cúng chay tịnh mới dám mang ra, dùng xong thì bỏ, cúng tế xong thì quăng ra đường. Cái bất nhân của trời đất lại là cái Nhân rộng lớn sinh ra vạn vật, che chở vạn vật, quân bình vạn vật, là lòng vô tư không thiên vị, "không vì kẻ rét mà dẹp mùa Đông".

Lão tử (571 TCN - 471 TCN) (ảnh minh họa)

Trang Tử sau này đã giải thích rõ cái "bất nhân" ấy trong bài Sô Cẩu trong hình ảnh cái ống bễ của thợ rèn. Lòng của cái ống bễ trống không, nhưng công dụng một hô một hấp thành ra vô tận, nên càng động càng ra hơi, trong không - trống rỗng, mà sinh có. Lòng cái ống bễ chính là hình ảnh tượng trưng cho quy luật quân bình của trời đất: trong không có cái có, cái không gọi ra cái có, cái tĩnh gọi ra cái động, cái động lại chuyển về cái tĩnh.

Từ đấy, mà thánh nhân nên noi theo gương của trời đất: "Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu". Bậc thánh nhân vì thế cần sống vượt lên trên mọi yêu ghét, thấu hiểu lẽ biến dịch, quy luật vận động tất yếu của đất trời, để lựa chọn được con đường sống đúng với Đạo.

Hiểu được con đường vô vi xuất thế ấy, ta hiểu được Lão Tử, Trang Tử (~ 369 TCN - 286 TCN) , hiểu được lẽ buông bỏ sống thuận theo tự nhiên của bậc thánh nhân. Tư tưởng này có nét khá gần với tư tưởng về lẽ vô thường của Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo của giác ngộ, để có thể giác ngộ, con đường giác ngộ là con đường diệt khổ, cần có định lực lớn lao trên con đường tu tập, tránh bị quấy nhiễu bởi ngũ uẩn, bởi vọng tưởng của tâm, của tham sân si, cũng chính là con đường nhìn nhận vạn vật là vô thường. 

Để có được định lực, ngoài ý thức, còn cần giới luật, nhà sư hay đội mũ che kín tai cũng là một trong các hình thức để tĩnh tâm, tránh khỏi những tạp niệm vọng tưởng từ đời sống hàng ngày. Đấy là "mũ ni che tai" đối với hành trình tu tập.

Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) (tranh minh họa)

Lão Tử chủ trương Vô vi, Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) lại chủ trương Hữu vi. Quan điểm của Khổng Tử là cần nhập thế, can thiệp vào việc đời, cần tu thân và hành đạo, khẳng định vai trò của tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức. Học thuyết của Khổng Tử trở thành khuôn vàng thước ngọc suốt hàng nghìn năm, vươn tầm ảnh hưởng khắp các nước đồng văn. Vì thế, mà "mũ ni che tai" đối với đạo Khổng và quan niệm đạo đức ảnh hưởng hàng nghìn năm từ đạo Khổng là hành động tiêu cực, trốn tránh cuộc đời, không quan tâm đến tốt xấu trước mắt, không quan tâm đến thăng trầm của thế cuộc, sống ích kỷ, bàng quan, chỉ bo bo giữ lấy đời sống cá nhân của mình.

Vậy thì mũ ni che tai là sống như bậc thánh nhân, hay mũ ni che tai là sống ích kỷ, hèn nhát. Tất cả cuối cùng vẫn là câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng là cái đích, là mục đích, là chân lý, ngón tay là con đường, đừng chấp vào con đường, hãy nhìn vào mục đích. Mũ ni che tai là con đường. Mục đích của kẻ bàng quan chỉ để lo lợi ích bản thân, sống ích kỷ, thì đấy là thái độ sống đáng phê phán. Thánh nhân thấu hiểu lẽ đời, hay kẻ tu hành muốn đạt đích giác ngộ, thì cần mũ ni che tai để tiệm cận được cái nhìn vô thường, "bất nhân" của thánh nhân.

Nhưng Khổng Tử cũng là thánh nhân, Khổng Tử yêu cầu hữu vi, nhập thế, tu thân hành đạo, tức là phủ nhận con đường mũ ni che tai của thánh nhân. Vậy thì Lão Tử đúng, hay Khổng Tử đúng. Tôi cho rằng đấy cũng vẫn là lẽ vận động kỳ diệu của tạo hoá. Có âm thì phải có dương, có ngày thì phải có đêm, nhưng trong âm có dương, trong ngày đã chuyển dần sang đêm, trong đêm đã có sự chuyển mình của ngày. Đấy cũng chính là hình ảnh của Thái cực, của lẽ vận động của đất trời. Âm hay dương cũng đều sinh ra từ Thái cực. Lão Tử và Khổng Tử cũng là hai mặt âm dương, là Vô và Hữu, nhưng đều bắt nguồn từ quy luật tự nhiên của đất trời.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Vậy thì xuất thế hay nhập thế, thuận theo tự nhiên hay hành động để thay đổi, mũ ni che tai tập theo thánh nhân, hay trở thành một trong muôn ngàn tác nhân khiến bánh xe lịch sử vận động theo lẽ tự nhiên, theo luật trời đất, cũng là số phận/ lựa chọn của bạn. Đến đây, tôi chợt nhớ tới Gia Cát Lượng. Năm ngoái, tôi có tới Vũ Hầu Tự, thăm tượng Khổng Minh. 

Gia Cát Lượng, vị quân sư vĩ đại có khuôn mặt điềm tĩnh, quạt lông vũ trắng im lìm che một góc nhỏ của chòm râu, đúng như chân dung bao kẻ tưởng tượng về ông. Cả đời cơ mưu xuất quỷ nhập thần, tận trung tận trí, cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi của Gia Cát Lượng, hình như cũng không vượt qua được hai chữ số phận. Là kẻ tinh thông thiên văn lý số, biết không thể nhưng vẫn tận lực chống lại mệnh trời. Xuất thế, vô vi, thì lấy ai đẩy bánh xe của quy luật đất trời? 

Nhập thế, hữu vi, thì cũng đâu có thể vượt được quy luật sinh diệt vô thường của tạo hoá, có thành tựu cũng chỉ trở thành vĩ nhân - những nhân tố không thể thiếu để thực hiện quy luật vận động của tạo hoá mà thôi. Lựa chọn của bạn là số phận của bạn. Số phận của bạn làm nên lựa chọn của bạn. Thế đấy, bạn có tin vào số phận không?

An Hạ
.
.
.