Thiện tâm đường về Tây Trúc

Thứ Hai, 11/06/2012, 16:12
Bạn sẽ khiến người Ấn Độ thấy lạ lùng, khó hiểu nếu bạn tự hào nói rằng không theo tôn giáo nào. Tôn giáo không chỉ là lối sống mà còn là vũ trụ này, thế giới này, là hơi thở, cuộc sống này… Những gì thuộc về tôn giáo không chỉ là những nghi thức hành lễ, tế tụng, mà phải trở thành sự hành trì của mỗi cá nhân, trở thành suy tư, ứng xử, lời ăn tiếng nói và chính là con đường của bạn…

Nói đến Ấn Độ thì ai cũng biết đó là một trong ba nền văn minh cổ xưa đầu tiên trên thế giới mà tư tưởng triết học, văn hóa, nghệ thuật… ảnh hưởng nhiều đến các nước thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Còn nền nghệ thuật thì quá rực rỡ, nhất là nghệ thuật tạo hình. Tượng ở Ấn độ đẹp mê hồn. Nhìn các bức tượng đẹp đến mức có thể phải lòng như người thật.

Người Ấn Độ cổ đại làm ra lịch chia thành 12 tháng có 360 ngày, cứ sau 5 năm họ lại thêm một tháng nhuận. Ta đang dùng lịch của họ đấy.

Họ chính là chủ nhân của hệ thống các chữ số mà ngày nay ta hay gọi là chữ số Ả rập. Nhưng quan trọng nhất là chữ số 0 khiến toán học trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Từ đó người châu Âu đã bỏ chữ số La mã, quay sang sử dụng số Ả rập. Họ đã biết tính căn bậc 2 và 3, đã tìm ra số Pi = 3,1416…

Từ thời cổ đại, Ấn Độ đã có thuyết nguyên tử. Có nhà thông thái thế kỉ 5 đã viết về lực hút của Trái đất khi hút các vật ở gần nó.

Người Ấn Độ cổ đại đã mô tả các dây gân, cách chắp ghép xương sọ, cắt màng mắt, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Họ để lại hai quyển sách là “Y học toát yếu” và “Luận khảo về trị liệu”. Và rất nhiều người biết đến Kamasutra là quyển nói về tình dục nổi tiếng.

Chưa hết, đó là đất nước của yoga và các nhà yogi làm thế giới kinh ngạc và không thể lý giải về khả năng phi thường của con người. Dường như tiểu vũ trụ này là một khối năng lượng vô biên, không giới hạn mà con người mới chỉ khai thác được tầng vỉa nông nhất của họ. Giờ thì ít người nghi ngờ về điều đó nhờ yoga phát triển rộng khắp trên thế giới.

Là đất nước của những tư tưởng triết học vĩ đại với những quan niệm về Nghiệp; Nhân quả; Giải thoát; Kiếp sau…Tựu trung các trường phái triết học, tôn giáo đều thống nhất ở một điểm: sự tu dưỡng đạo đức phải được tuân thủ để đạt đến giải thoát. Mọi tham đắm đều phải chế ngự, không nên có hình thức nào làm thương tổn đến đời sống và mọi tham đắm lạc thú đều phải được kiểm soát. Thế nên xã hội Ấn Độ (tuy có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển) khá bình hòa, con người Ấn Độ sống thong dong, ít ham muốn, không thèm khát vật chất, không say sưa thú vui. Có sự hợp nhất trong mục đích thành tựu, triết học, tôn giáo và đạo đức.

Đấy là những điều ta có thể biết qua sách vở và Internet về Ấn Độ. Nhưng để cảm về đất nước và con người nơi đây bạn phải tới nơi. Bạn phải nhìn ngắm đền Taj Mahal trắng loá lên trong nắng chiều. Phải nhìn dòng sông Hằng xanh trong dù hằng ngày có hàng ngàn xác chết thiêu huỷ xong thảy tro tàn xuống đó. Đến để nghe điệu nhạc rộn rã trong lễ hội tưởng nhớ mẹ sông Hằng mà người dân Ấn tổ chức hằng đêm bên bờ sông ở thành phố Varanasi, dưới ánh đèn lung linh hắt bóng xuống dưới mặt nước…

Và với nhiều Phật tử thì bốn thánh địa ở Ấn Độ là nơi để hành hương về với đất Phật, về với cội nguồn của đạo Phật. Thậm chí, chỉ cần bạn đi lướt qua những con đường ồn ào, gập ghềnh, lở lói… cũng có thể bắt gặp điều gì đó thú vị: như gương mặt đạo sỹ lững thững đi giữa nhân gian, như đôi mắt Ấn thăm thẳm hay cười; như hàng cây cổ thụ bên đường có ở khắp nơi…

Ở Ấn Độ, nhà cửa hết sức sơ sài. Lúc mới sang mình cứ tưởng ngôi nhà đó xây chưa xong vì tường bên ngoài hầu như chả ai buồn trát vôi vữa, cứ để thô mộc vậy. Nhưng Ấn Độ lại nổi tiếng là đất nước của những đền đài. Riêng thành phố Varanasi đã có tới 2.000 ngôi đền, tất cả đều rất nguy nga, cổ kính tồn tại mãi đến lúc này bất chấp thời gian.

Chùa Đại Niết bàn, nơi Đức Phật nhập diệt.

Nếu bạn hành hương đến bốn thánh tích Phật giáo thì càng khâm phục quá khứ tráng lệ của Ấn Độ. Khi Hồi giáo tràn qua thế kỉ 13 và phá gần hết những chùa chiền, đền tháp được vua Ashoka (A-Dục) xây dựng từ thế kỉ II TCN, nhưng dấu ấn về bậc minh quân sẽ còn mãi với hậu thế. Vua Ashoka là vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Dưới sự trị vì của ông, nước Ma-kiệt-đà được mở rộng và hùng mạnh. Ông cho xây nhiều cung điện, đền chùa, nhà cửa, bệnh viện, phòng phát thuốc…

Phật giáo trở thành quốc giáo ở Ấn Độ thời đó và nhà vua trị vì đất nước bằng giáo lí của Đức Phật và cho đó là cuộc chinh phục lớn lao, đạo hạnh nhất. Chính Ashoka có công đem truyền bá đạo Phật tới những nước Đông Nam Á và các nước lân bang. Việt Nam cũng được thừa hưởng công đức này của vua A Dục ngay từ buổi đầu lập nước vì theo giả thuyết sứ giả của A Dục đã tới đây và góp phần thành lập trung tâm Phật giáo đầu tiên là Luy Lâu.

Ấn Độ là nước dân chủ lớn nhất, lâu đời nhất được tổ chức theo từng bang. Hiến pháp của Ấn Độ được phát huy từ những gì có sẵn và tiếp thu từ 9 nước văn minh phát triển ở phương Tây, kể cả nước đã xâm chiếm Ấn Độ là Anh quốc. Họ không từ chối hay xóa bỏ sạch trơn. Đó là thái độ của đất nước có nền tảng văn hóa, nội lực thâm hậu và tự tin… Trên hết là tình yêu Tổ quốc và dân tộc, mong muốn ổn định và phát triển của những nhà lãnh đạo đất nước này.

Đến Ấn Độ thế nào bạn cũng được mời đến chiêm ngưỡng ngọn lửa Bất diệt ở nơi tưởng nhớ Thánh Mahatman Ganhdi, người khởi xướng đấu tranh bất bạo động. Là nước duy nhất trên thế giới có hình thức đấu tranh như thế này. Ông chủ trương giành độc lập dân tộc không phải bằng súng đạn, bạo lực… Máu đã đổ vì những loạt đạn của quân Anh, nhưng rồi họ đã quay súng chịu thua những con người chỉ lấy sự can đảm, mong muốn hòa bình và những đòi hỏi chính đáng của một dân tộc đầy tính nhân văn làm vũ khí…

Và Gandhi đã đúng. Và Ấn Độ đã được độc lập. Người Anh đi xâm chiếm về nước, còn những gì tiến bộ nhất của Vương quốc Anh cùng tiếng Anh vĩnh viễn ở lại mảnh đất này. Gandhi đã nhìn xa hơn cả nền độc lập mà người Ấn lúc đó khao khát, đó là chuẩn bị nhân phẩm cho người dân để có thể hưởng nền độc lập đó. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng ngọn lửa của Mahatman Ganhdi thắm lên giờ vẫn cháy rực trên đất nước Ấn này.

Người dân Ấn hiền hoà, ít gây hấn, tranh đấu, đánh nhau, cãi lộn… Nhớ có lần đi qua một đoạn đường đang sửa rất xấu. Hai xe châu đầu vào con đường tránh nhỏ hẹp bên cạnh. Cứ nghĩ sẽ tắc đường vì thấy mấy xe ùn tới. Tài xế các xe bước xuống, nói với nhau vài câu rồi lên xe. Người này nhường người kia, lát sau thông đường…

Dân nghèo Ấn Độ đến chùa của Việt Nam nhận quà từ thiện.

Nếu bạn biết chút tiếng Anh thì đi du lịch ở Ấn Độ không đáng ngại. Dù chưa bao giờ là nước phát triển nhưng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu ở Ấn Độ và nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ, được miễn phí và bắt buộc trong 8 năm, từ 6-14 tuổi. Họ sử dụng chính tiếng Anh (vốn là tiếng của kẻ thù) làm quốc ngữ. Vì thế nếu người Ấn Độ nào đã qua 8 năm học bắt buộc đều nói được tiếng Anh. Bạn có thể bắt chuyện với bất cứ cậu bé, cô bé hay người già nào… Chỉ tội họ nói hơi khó nghe, gần như không nghe được khi bạn mới sang... Phải có thời gian để làm quen với cách phát âm của họ.

Ấn Độ, đất nước gần 1,2 tỷ dân, có hơn 60% người sống dưới mức nghèo khổ. Sự nghèo khó của họ dễ nhận thấy ở từng con đường gập ghềnh, lở lói, chật hẹp; từng dãy nhà xây tạm bợ; những chiếc ôtô quá “đát” vận hành trên các tuyến đường; người ăn xin nhan nhản ở khắp nơi; những chợ cóc hàng hóa nghèo nàn; những gương mặt người lam lũ kiếm sống trên các ngả đường… Nhưng họ vẫn có dáng vẻ thong dong, vô sự, nét mặt ưu tư nhưng không căng thẳng, rất ít có sự va chạm, cãi vã, sẵn sàng mỉm cười hiền lành với du khách khi có dịp, luôn nép mình trong ứng xử và giao tiếp mà vẫn giữ được sự tự trọng cần thiết.

Ấn Độ đã sản xuất được vũ khí nguyên tử, là đất nước đứng trong top đầu về công nghệ thông tin và mang lại thu nhập lớn cho đất nước này, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích thế giới và quốc gia nên thường xuyên đón du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan… Nhưng đi cả ngày chả thấy những quán Internet, game, những điểm vui chơi, giải trí dù là lành mạnh. Ở các khách sạn cũng không dễ nối mạng. Có lẽ người dân ít có nhu cầu kết nối quảng giao với thế giới bên ngoài. Họ hướng cái nhìn vào bên trong. Họ quan tâm kết nối với những phần sâu thẳm ở tiềm thức, tâm linh để hướng vào suy tư tôn giáo, đạo đức và giác ngộ.

Đi cả ngày, cả tháng ở Ấn Độ cũng không thể tìm thấy bất kì một quán ăn, nhà hàng, nơi thư giãn gây nhiều tò mò, nghi ngờ về sự lành mạnh. Tuyệt không bán rượu bia, không thấy người người tụ tập nhậu nhẹt mà chỉ vài giọng hò hét đã đủ điếc tai cả phố. Chẳng thể tìm những tốp thanh niên vô tích sự ngồi mọc mầm ở các quán xá ven đường, hay lang thang bát nháo, cười nói ồn ào, nói năng tục tĩu và sẵn sàng gây sự với những ai khó chịu với mình. Đất nước đông dân chỉ sau Trung Quốc mà ra đường vẫn thấy vắng lặng, yên tĩnh. Địa điểm chủ yếu cần cho người dân Ấn hằng ngày là chỗ làm việc, ngôi nhà và nơi sinh hoạt tâm linh.

Đến những khu du lịch, danh lam thắng cảnh, người dân Ấn đến tham quan rất đông, còn hơn cả du khách, nhưng chả thấy chen lấn, cáu kỉnh, cãi vã. Họ lặng lẽ xếp hàng chờ đến lượt, sẵn lòng đứng cười tươi bên bạn để chụp hình rồi nhường bạn đứng lên trước với nụ cười hiền như vầng mây. Nếu bạn vì vội hay lỡ ý chen ngang mà chưa kịp xin phép thì cũng chỉ nhận được cái nhìn thoáng ngạc nhiên rồi họ lùi lại nhường bạn một khoảng không đủ để bạn thấy thoải mái.

Ấn Độ có rất nhiều cây cổ thụ ở khắp nơi mà không phải rào dậu, cắt cử những cụ ông canh gác đêm ngày vì sợ lâm tặc chặt mất. Họ sợ đau từng chiếc lá và yêu từng gốc cây. Màu xanh phủ kín những cung đường và những không gian trống.

Sẽ thường xuyên gặp những con bò lững thững đi trong thành phố, vốn là vật linh thiêng của người Ấn giáo. Chúng được người dân cho ăn bất cứ thứ gì họ có như cơm, chuối, bánh mì… Chả cứ bò, thỉnh thoảng lại thấy chú khỉ đang chuyền cành trên những cây ven đường, nhởn nhơ không sợ hãi. Chim bồ câu bay rợp trời. Chó nhẩn nha đi dạo… Nơi nào có bãi cỏ còn thấy cả sóc bé như nắm tay lóc cóc nhảy tìm thức ăn rồi biến rất nhanh vào những bụi rậm ven đường. Người ta có thể ăn xin từng đồng, nhưng sẵn sàng mua thứ gì đó cho những súc vật gần nơi họ đang ở… 

Xác người chờ hoả thiêu bên bờ sông Hằng.

Người Ấn rất hiền lành, không gây hấn, chung sống hòa bình không những với con người mà cả với súc vật, cây cối. Họ tin vào thuyết Nghiệp báo, Nhân quả, Luân hồi, Tái sinh nên không bao giờ làm tổn hại đến sự sống, giết hại súc vật. Chẳng vậy, hầu hết người Ấn Độ ăn chay trường (hơn 80%). Tìm các quán ăn đã khó, quán ăn mặn thì tuyệt nhiên là không thấy trên đường đi. Điều đó không chỉ là cách giúp con người hòa giải với vạn vật, mà còn là phương cách để dập tắt ngọn lửa dục vọng khiến con người trở nên tham đắm, sân, si - nguồn gốc của bạo lực, thói xấu…

Bạn sẽ khiến người Ấn Độ thấy lạ lùng, khó hiểu nếu bạn tự hào nói rằng không theo tôn giáo nào. Tôn giáo không chỉ là lối sống mà còn là vũ trụ này, thế giới này, là hơi thở, cuộc sống này… Những gì thuộc về tôn giáo không chỉ là những nghi thức hành lễ, tế tụng, mà phải trở thành sự hành trì của mỗi cá nhân, trở thành suy tư, ứng xử, lời ăn tiếng nói và chính là con đường của bạn… Bạn có thể nhìn thấy đền thờ ở khắp nơi, trên đường phố, góc đường, cánh đồng, gốc cây cổ thụ… Có những đền thờ chắc chỉ đủ chỗ cho 1, 2 người vào hành lễ. Và bạn có thể bất chợt thấy ai đó có cử chỉ thành kính mang màu sắc tôn giáo giữa chốn đông người.

Vì không là xã hội tiêu thụ nên phố xá ở Ấn Độ không nhiều hàng hóa, nhất là hàng hoá ngoại nhập. Họ chủ yếu dùng những thứ tự sản xuất. Ôtô, môtô giá rẻ. Vải tự may và lụa thì rất nổi tiếng. Đồ gia dụng đơn giản và do tính tiết kiệm của người Ấn Độ nên những đồ vật xa hoa của thế giới văn minh hầu như kiếm chỗ đứng hơi khó trong cuộc sống bình thường… Sống khổ hạnh, thanh bần là đức tính người Ấn tôn thờ, hướng đến.

Có hai thứ mình làm rưng rưng… Rồi chợt thấy yêu mảnh đất ấy tha thiết dù mới chỉ đến một lần.

…Chuyện thứ nhất: Trên đường đi, ngồi trên ôtô, mình thấy hơn chục người đàn ông trông lam lũ tụ tập ở dưới một gầm cầu chật chội, bừa bộn hàng quán, nhộn nhạo người qua lại, nhiều rác vứt xung quanh... Một người đang đứng vung tay nói gì đó. Hỏi ra mới biết đang có cuộc tranh cử hội đồng địa phương, ứng cử viên đang tìm những cuộc tiếp xúc với cử tri. Ai quan tâm thì đến nghe, còn không thì cứ làm việc của mình. Ứng viên đó sẽ phải đi khắp nơi diễn thuyết, bất kể địa điểm là đâu. Mình ngẩn ngơ vì không chụp được ảnh, tiếc hơn nữa là không được dự nghe những cuộc như vậy.

…Chuyện thứ hai: Một chiều hoe nắng, tụi mình được đi thuyền trên sông Hằng. Vẫn biết con sông này vô cùng thiêng liêng với người Ấn giáo, nhưng cảm giác ngần ngại, rờn rợn vì biết dưới đáy sông kia, trải qua hơn 5.000 năm, không biết bao nhiêu tro tàn và xác người đã thảy xuống… Nhiều người đi cùng sợ không dám đụng cả vào mái chèo dính nước sông. Bỗng mình thấy giữa dòng có những thanh tre nổi lềnh bềnh trên mặt nước và đặt ở từng đoạn. Hỏi anh hướng dẫn viên du lịch người Ấn, anh bảo, để bồ câu từ thành phố bay ra có chỗ đậu uống nước. Mình chợt thấy sông Hằng như bao la, nước sông bỗng xanh trong thăm thẳm đến bất ngờ…

Bạn thử đến Ấn Độ một lần trong đời và chiêm nghiệm những gì bạn cảm nhận mà xem… Biết đâu bạn còn thấy nhiều điều thú vị hơn mình nữa…

Thanh Linh – Thuỳ Hân
.
.
.