Thiếu kiên nhẫn hay sự ích kỷ?

Thứ Ba, 12/09/2017, 21:27
Có những điều lạ lùng như ai đó đã nói: "... Người ta có thể dừng xe lại khá lâu chỉ để xem một vụ tai nạn nhưng lại không đủ kiên nhẫn để dừng xe khi đồng hồ giao thông vẫn đang báo đèn đỏ ở những giây cuối cùng.


Người ta có thể nhậu nhẹt với bạn bè hàng giờ, nhưng lại không đủ kiên nhẫn và sẽ phát cáu nếu một trang web không mở được sau 10 giây…

Người ta có thể ngồi cả buổi với người yêu tâm sự mọi chuyện, rồi an ủi, sẻ chia… nhưng lại không đủ kiên nhẫn để nghe bố nói trọn câu: Dạo này bố thấy hơi mệt, khó thở và tức ngực lắm, hôm nào con rảnh đưa bố đi khám nhé...".

Người ta thiếu kiên nhẫn đến mức không thể tìm thùng rác để bỏ rác mà chọn cách kéo kính ô-tô ném ngay ra đường. Sự thiếu kiên nhẫn khiến đường phố trở thành thùng rác khổng lồ.

Người ta thiếu kiên nhẫn tới mức không thể chờ người đối diện nói hết câu mà phải nói ngay khi người kia mở miệng. Hiệu ứng là một sự đồng thanh của dàn đồng ca không có nhạc trưởng.

Người ta vội vã đến nỗi sẵn sàng chèn nhau để thò một bánh xe máy vào khoảng trống cuối cùng để rồi tất cả cùng chịu trận tắc đường không biết bao giờ thoát.

Minh họa của Tả Từ.

Người ta thiếu kiên nhẫn đến nỗi không chịu đứng sau người mua xăng phía trước. Nếu không chèn vọt lên mũi được thì phải chèn cái bánh xe máy vào bụng chân người phía trước mới chịu dừng lại.

Tất cả các dịch vụ cần xếp hàng đều bị những người thiếu kiên nhẫn tìm cách đi tắt. Ai cũng muốn mình được một sự ưu tiên nào đó. Từ đó sinh ra đủ loại "cò". Người ta sẵn sàng dùng phong bì để xác lập quyền ưu tiên cho riêng mình. 

Đến bất cứ đâu, người ta không nghĩ đến xếp hàng mà tính xem có người quen hay không? Nếu không đi tắt thì cảm thấy bất an. Họ có biết điều sai trái này không? Chắc chắn là có. Nhưng ai cũng có tâm lý "Không sao đâu, chỉ một chút đâu có ảnh hưởng tới hòa bình thế giới". Mỗi người một chút, một chút và tất cả tạo ra một chuỗi lộn xộn chướng mắt ngang tai.

Người ta quên mất, chúng ta một thời đã có trật tự. Thời ấy chúng ta đã biết xếp hàng. Mỗi khi có ai đó tìm cách ngang tắt lập tức bị đoàn người xếp hàng phát hiện và xử lý ngay.

Bây giờ chẳng ai quan tâm. Nói ra sẽ bị cho là "ghê gớm". Ôi dào! Chả phải đầu cũng phải tai, người ta cho rằng phiên phiến mới là cách sống phù hợp. Sau khi mở cửa, người ta sung sướng thoát khỏi khuôn khổ xếp hàng nhưng không biết mình đang rơi vào một thảm họa hỗn loạn.

Không ít dịch vụ bây giờ, người phục vụ cũng không dám làm theo trật tự. Họ kệ cho người mua chen lấn. Ai vào đến nơi trước là bán, bất kể người đó chen lên trước bằng cách nào.

Nhưng vẫn còn những dịch vụ nhỏ luôn tôn trọng trật tự. Đó là mấy bà bán xôi thúng đầu phố. Tay thoăn thoắt gói buộc, miệng nói chuyện với khách, những bà bán xôi vẫn lịch thiệp và chuẩn mực. Có những khách đến sau vẫn đưa thẳng tiền vào tay bà bán xôi mà gọi "Cho em 15 nghìn xôi xéo!". Bà bán xôi vẫn tươi tắn hỏi: “Bây giờ đến lượt ai ạ?” Câu hỏi nhẹ nhàng này làm cho người ngang tắt chút xấu hổ. Giá như các dịch vụ đều khéo như bà bán xôi thúng.

Mỗi khi ra nước ngoài, chợt giật mình thấy hình ảnh xưa của chính mình ở các cửa hàng, các dịch vụ. Đó chính là những hàng người xếp hàng trong trật tự. Tất cả đều tôn trọng trật tự chung như lẽ đương nhiên. Trên phương tiện công cộng rất đông nhưng vẫn có hàng ghế trống không ai dám ngồi. Đó là hàng ghế ưu tiên người già, người tàn tật và phụ nữ có thai. Ngồi vào đó xấu hổ chết.  Điều này chính chúng ta đã làm được từ thế kỷ trước. Vì sao nó không thể tồn tại?

Sự lộn xộn của chúng ta bắt nguồn từ đâu nếu không phải từ sự ích kỷ. Sự ích kỷ gặm nhấm sự công bằng chẳng khác gì đàn chuột.

Một xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu đảm bảo giảm thiểu các quyền ưu tiên.

Còn bạn. Bạn có thích mình được ưu tiên bằng mọi giá không?

Lê Tâm
.
.
.