Châu Phi:

Thịnh hành quay video để “bắt quả tang”

Thứ Tư, 02/11/2016, 11:49
Người dân vùng Tây châu Phi “bắt chước” dân Mỹ, dùng điện thoại thông minh quay phim cảnh sát lạm dụng quyền lực, theo báo The Wall Street Journal.


Ví dụ gần đây nhất là YouTube tải một hình ảnh rợn người ở Bờ Biển Ngà: một người đàn ông không vũ trang, nằm ngửa trên đường, giơ hai tay đầu hàng. Nhưng một sĩ quan cảnh sát vẫn nã đạn, vì nghi trộm cướp. Sau khi bắn nhiều phát gần đầu, viên cảnh sát dí thẳng súng vào trán nghi phạm bóp cò...

Dân chúng phẫn nộ

Ở những khu vực thiếu an ninh, những người ủng hộ cảnh sát chia sẻ các đoạn phim trên mạng, như lời cảnh báo tội phạm đáng bị trừng phạt. Nhưng khi các phim video này được tải lên mạng xã hội, đôi lúc chúng lại bị xem là chứng cứ cảnh sát lạm quyền, gây phẫn nộ. 

Trong đoạn video nêu trên, một kẻ đã kích động: “Nữa đi, bắn nữa đi!. Một người khác (không có trong hình) nói: “Đừng quay phim anh ấy, nếu quay thì khiến cảnh sát này bị rắc rối đó”. 

Khi đoạn phim được tung lên YouTube, sự bức xúc nổi lên ở thủ đô Abidjan của Bờ Biển Ngà: viên cảnh sát bị bắt và điều tra. Tuyên bố với báo chí, một chỉ huy cảnh sát ”thề” sẽ không khoan dung hành vi phi đạo đức và vi phạm nhân quyền của viên cảnh sát.

Nhiều bình luận sợ hãi: “Kinh khủng quá”, “Chúng ta chứng kiến vụ giết người vô tội”, “Đấy cũng là điều đang xảy ra ở Mỹ, đúng không?”… cho thấy người châu Phi bị tác động từ những phim video cảnh sát Mỹ da trắng bắn chết những nghi phạm da màu không vũ khí, điều đã gây ra những vụ bạo loạn ở Mỹ.

Ở thủ đô Freetown của Sierra Leone, khách bộ hành đã thu hình một cảnh sát chĩa súng vào một người đàn ông không vũ khí sau một vụ va chạm trên đường và hét to: “Tao sẽ giết mày mà chẳng bị gì cả”.

Vincent Foucher, một nhà phân tích thuộc Tổ chức đề phòng khủng hoảng quốc tế, nói: “Cảm giác chung là lực lượng bảo vệ pháp luật có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Các hình ảnh quay được là một cách mạnh để nêu lên những vấn nạn này”.

Cảnh sát khoe “chiến tích” trên facebook

Ở Nigeria, việc “bắt quả tang” cảnh sát lạm quyền rất phổ biến. Nhiều người gởi các đoạn phim video, hình ảnh chụp các cảnh quân đội hành động bạo lực, cảnh công chức nhận hối lộ và những sai phạm khác…đến những đài truyền hình lớn nhất nước này. Các đài này thường chiếu những hình ảnh, video ấy trong chương trình “Báo cáo ghi bằng mắt” trong các chương trình tin thời sự.

Lanre Arogundade, điều phối viên của Trung tâm Báo chí quốc tế ở thủ đô Lagos, nói: “Ngày nay, các thông tin hình ảnh ghi lại kẻ xấu, người tốt này đã là một phần trong đời sống xã hội Nigeria”.

Hồi tháng 7, Sheriff Shittu, khi bị kẹt trên cao tốc ở Lagos (Nigeria) tình cờ chứng kiến cảnh tượng một quân nhân đánh đập một tài xế xe buýt. Quân nhân này giương súng và dọa bắn người tài xế. Vài quân nhân khác tiến đến, gào lên: “Bọn mình nên giết hắn”.

Ông Shittu đã dùng điện thoại di động quay lại cảnh tượng rồi tải lên YouTube với lời bình “Đấy là một sự lạm dụng quyền lực. Người tài xế có làm gì sai đâu”.

Ông Shittu còn nói ông lấy cảm hứng từ những thành công của các đoạn phim video quay ở Mỹ, thu hút sự chú ý về chuyện cảnh sát lạm quyền.

Ở thành phố Conakry (Guinea) vài tháng trước có một đoạn video được đưa lên mạng internet, chiếu cảnh một nghi phạm trộm có vũ khí bị trói tay chân vào một thanh sắt. Các cảnh sát mặc cảnh phục đi xung quanh nghi phạm này, sau đó treo anh ta lên như một con vật nhằm buộc anh ta phải thú tội. Nghi phạm gào thét: “Các ông làm gãy tay tôi rồi!”.

Một cảnh sát có mặt ở hiện trường hôm ấy đã quay đoạn phim video này rồi đưa tên facebook của ông ta, xem ra nhằm khoe “chiến tích”. Nhưng đoạn phim này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, dẫn đến việc các tổ chức bảo vệ nhân quyền Guinea phản đối.

Chính quyền nước này đã thông qua những biện pháp phòng chống dùng vũ lực để lấy lời khai hồi năm 2011, đã nhanh chóng cho “tạm ngưng công tác” 13 cảnh sát tham gia vụ này để điều tra làm rõ.

Bà mẹ không tiền đóng viện phí, bệnh viện không cứu

Đầu năm 2016, tại một bệnh viện ở Cameroon, cô Monique Koumate mang bầu song thai, bị suy kiệt nặng và được đưa đến bệnh viện nhưng chưa kịp qua cổng đã chết.

Trên đường ra nhà xác, người thân phát hiện hai bào thai vẫn còn sống, cựa quậy trong bụng Koumate. Họ vội đưa cô trở lại bệnh viện nhưng không được ai cứu.

Tuyệt vọng, một người thân đặt xác Koumate bên vệ đường, rạch bụng cô, kéo hai đứa trẻ ra và đặt chúng trên bụng cô. Nhưng đã quá trễ. Hai đứa bé đã chết.

Hình ảnh kinh hoàng này được tải lên mạng. Trang mạng xã hội Twitter mang tên MoniqueKoumate được lập và những cáo buộc bệnh viện đã quay lưng với cô chỉ vì Koumate không có tiền đóng viện phí.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói việc chia sẻ các đoạn phim video “bắt quả tang” ở tây châu Phi là một biểu hiện tự nhiên của sự bức xúc kéo dài về nạn lạm quyền.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)
.
.
.