Think Playgrounds, cuộc chiến giành lại sân chơi cho trẻ em

Thứ Năm, 09/06/2016, 13:41
Làm một sân chơi hoàn toàn mới cho trẻ em trong thành phố, cải tạo nhà vệ sinh công cộng bỏ hoang trong ngõ hẹp thành không gian vui chơi mới hay dựng một nhà cây trong công viên, Think Playgrounds – nhóm kiến trúc sư trẻ tại Hà Nội mong muốn trẻ em được trả lại không gian vui chơi đúng nghĩa của mình.


Think Playgrounds được thành lập vào năm 2014 do 2 kiến trúc sư đời 8x đồng sáng lập, đó là Chu Kim Đức và Nguyễn Tiêu Quốc Đạt. “Sân chơi độc đáo từ đồ phế thải”, “Think Playrounds, cuộc chiến giành lại ký ức cho trẻ”… là những cụm từ mà người ta vẫn nói về Think Playgrounds. 

Với mong muốn “tháng Sáu và các tháng trong năm đều là ngày quốc tế hành động vì thiếu nhi”, những dự án mà nhóm đang theo đuổi đều hướng đến trẻ em, đối tượng đang bị “chiếm dụng” sân chơi tại nhiều nơi, nhất là không gian đô thị chật hẹp.

Một trong những sân chơi mà Think Playgrounds tạo ra cho trẻ em.

Thời kỳ đầu mới thành lập, kinh phí còn nhiều khó khăn nên chủ trương của nhóm là tận dụng những đồ phế thải để thiết kế lại thành sân chơi có một không hai cho trẻ ngay trong lòng thành phố Hà Nội. Dưới đôi bàn tay của những kiến trúc sư trẻ, những miếng gỗ thừa, lốp xe ôtô hỏng, bàn ghế hỏng… sau một thời gian ngắn đã biến thành những đồ chơi thú vị như đồ chơi vượt chướng ngại vật, xích đu, ghế xoay…; màu sắc lại sinh động, bắt mắt, khiến trẻ em tò mò, thích thú. Ngựa bập bênh, những chiếc xích đu mới trở thành những người bạn thân thiết của tuổi thơ các em.

Khu vui chơi gần 100m2 ở xóm Phao (bãi giữa sông Hồng), Tuệ Viên gần 200m2 ở Long Biên, sân chơi ở các khu tập thể Phương Mai, Trung Hòa Nhân Chính, Trung Tự, Ngọc Khánh…, “playstreet” ở phố đi bộ Đào Duy Từ… hay những nơi xa xôi như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Mù Căng Chải (Yên Bái)… đều ghi dấu ấn của Think Playgrounds.

Hiện nay, mạng lưới tình nguyện của Think Playgrounds lên tới vài trăm người, trong đó có không ít người đã có gia đình, vì ủng hộ ý tưởng của nhóm mà tham gia nhiệt tình.Số lượng cộng tác viên cứng từ 8 – 10 người.Đây là nhóm tác giả của những sản phẩm “handmade” mang thương hiệu của Think Playgrounds.

Đến nay, qua 2 năm hoạt động, nhóm đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như ủng hộ từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Thay vì sử dụng đồ tái chế có độ bền không cao (các đồ chơi chỉ có tuổi thọ trung bình từ 1 – 1 năm rưỡi), Think Playgrounds đã chuyển sang hướng những vật liệu bền, kiên cố hơn (ví dụ như gỗ) mặc dù chi phí có thể gấp 4 -5 lần.

Một góc xưởng gỗ của Thing Playprounds.

Nhóm có một xưởng gỗ độc lập chỉ để chuyên “sáng tác” những tác phẩm cho các em thiếu nhi như những ngọn núi lò xo hình con bọ, trang trại nông nghiệp, ghế ngồi con lợn, xích đu có lưới nhện, chuồng gà, nhà cây, thuyền gỗ… Một tác giả trong nhóm sáng tạo này cho biết, nhóm luôn khuyến khích các thiết kế mới, không chỉ cải tạo về mặt hình thức mà còn về mặt nội dung. Chơi vui, chơi bổ ích là điều nhóm luôn đặt ra hàng đầu.

Sau 3 tháng phối hợp với 2 đối tác là tổ chức Health Bridge (Canada), Playground Ideas (Úc), Think Playgrounds đã vượt qua các đối thủ đến từ Kenya, Đức để được quy hoạch không gian công cộng cho phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhóm đang lên kế hoạch làm việc và lập chương trình tuyển tình nguyện viên tại đây. Cùng với đó, một số kế hoạch và dự định mới ra đời, mà trước mắt, nhóm đang dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị cho ngày hội “Playday” tháng Sáu tại Công viên Yên Sở vào ngày 19/6 tới đây. Sự kiện mở ra miễn phí đối với tất cả trẻ em trên địa bàn TP. Hà Nội.

- Chào kiến trúc sư Chu Kim Đức, chị có thể nói một chút về tên gọi “Nghĩ về sân chơi trong thành phố”, được không?

+ Nhắc đến cái tên này, lại phải nhắc đến bà Judith Hansen, một người Mỹ đáng kính, tận tâm và có tấm lòng yêu con trẻ. Khi bà Judith sang Việt Nam, bà cứ đi tìm sân chơi cho trẻ em để chụp ảnh. Bà thích chụp ảnh sân chơi khắp nơi trên thế giới.Ở Việt Nam, bà không tìm thấy sân chơi nào đúng nghĩa cả.Người ta toàn dẫn bà đến mấy sân xi măng trống trơn không có gì và bảo đấy là sân chơi. Rồi bà đến các cung thiếu nhi.

Bà nói với chúng tôi,  trên thế giới, tất cả các cung thiếu nhi đều có sân chơi miễn phí cho trẻ em. Bà đến đấy, thấy ở đó cũng không phải là sân chơi đúng nghĩa. Chủ yếu là các trò chơi ngồi trên xe điện, rung lắc, xe bánh quay. Nó không vận động nhiều và đặc biệt là nó không miễn phí.Vì thế, bà có nhã ý muốn tặng cho trẻ em Hà Nội một cái sân chơi ở ngay trung tâm Hà Nội – Hồ Hoàn Kiếm. Bà đi tìm người thiết kế với ý tưởng về một chiếc cầu trượt con rùa. Lúc đó, tôi đang là một kiến trúc sư.

Qua một vài mối quan hệ bắc cầu, tôi và bà có quen nhau.Tuy nhiên, ý định của bà bất thành.Bà không nhận được phản hồi tốt lắm từ phía chính quyền Hà Nội.Đây là khu vực di sản, nên có quá nhiều thủ tục rắc rối.

Khi bà Judith về nước, tôi và các cộng sự của mình vẫn tiếp tục ý tưởng của bà. Dự án đầu tiên, được làm thể nghiệm ngay ở bãi giữa sông Hồng và thành công một cách ngoài mong đợi. Trẻ em khu vực đó rất thích.Nhiều tờ báo đã có phản hồi khá tốt về nhóm của mình.

Rồi chúng tôi muốn tìm một địa điểm trong trung tâm thành phố để tổ chức “playday” (ngày vui chơi - PV) đầu tiên cho trẻ em.Qua đó, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề sân chơi cho trẻ.Lúc đó, Câu lạc bộ Mỹ ở đường Hai Bà Trưng là một sự lựa chọn tốt. Bà Judith đã viết thư rất nhiều lần gửi tới Đại sứ quán Mỹ để xin cho chúng tôi được tổ chức ở đó. Đầu thư, bao giờ bà cũng viết “Think playgrounds”, nghĩa là “nghĩ về sân chơi trong thành phố”. Bà là nguồn cảm hứng vô tận để nhóm ra đời và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

KTS Chu Kim Đức, đồng sáng lập Think Playgrounds.

- Chị vừa nhắc tới cụm từ “sân chơi đúng nghĩa”. Như thế nào được gọi là sân chơi đúng nghĩa, thưa chị?

+ Nói ra thì nhiều nội dung nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, sân chơi đúng nghĩa phải ở trong một không gian công cộng; mà ở đó, trẻ em (không phân biệt giàu – nghèo, lứa tuổi) đều có thể tiếp cận được. Và sân chơi ấy phải phổ biến trong thành phố, khu dân cư nào cũng nên có một sân chơi như thế cho con trẻ.

Trẻ con bây giờ chẳng có không gian nào để chơi cả. Chạy ra đường chơi thì rất nguy hiểm.Suốt ngày các cháu dán mắt vào tivi hoặc điện thoại, ipad.Rất nghèo nàn, ảnh hưởng tới trí lực. Mà theo quy luật phát triển bình thường của mỗi đứa trẻ, các cháu phải được “chơi đúng nghĩa” 1 giờ mỗi ngày. Chúng ta chưa có một không gian sân chơi đúng nghĩa để các con được chơi đúng nghĩa.

- Nhưng Hà Nội có rất nhiều không gian công cộng bị chiếm dụng để sử dụng vào mục đích kinh doanh như bãi giữ xe, mở hàng quán… Think Playgrounds đã “chiến đấu” như thế nào để “giành” lại không gian này cho các cháu?

+ Tưởng thế thôi, nhưng trong quá trình làm, tôi được biết, có khá nhiều khu dân cư, người dân đã đoàn kết giữ lại được không gian công cộng đấy (Tất nhiên, tỉ lệ này vẫn còn ít so với mặt bằng chung trên toàn thành phố). Nếu tổ dân phố và các tổ dân phố xung quanh cùng nhau quy định rõ là không cho người khác bán hàng, lấn chiếm thì họ sẽ giữ được không gian đó.

Câu chuyện “chiến đấu” mà bạn nói cũng chỉ là một cách nói thôi. Think Playgrounds không thể một mình “chiến đấu” mà thành công được. Để làm được điều này, vai trò của các tổ dân phố và bản thân mỗi bậc phụ huynh vô cùng quan trọng.Khi họ nhận thức được vai trò của các sân chơi công cộng này trong đời sống của chính mình, họ mới đoàn kết để giữ lại và phát triển nó.

Đã có một vài sân chơi Think Playgrounds dựng xong, người dân âm thầm phá dỡ.Hoặc có vài nơi, họ nói thẳng, họ không muốn có một sân chơi như thế mặc dù chúng tôi biết rằng các con của họ rất thích. Mà, sân chơi công cộng này đâu chỉ dành riêng cho trẻ em, nó sẽ trở thành không gian chung để mọi người có thể sử dụng. Tùy tinh thần và sự nhận thức của khu dân cư đó, tùy vào sự đoàn kết của cộng đồng đó mà “cuộc chiến” này thắng hoặc thua.

Một trong những sản phẩm của nhóm.

- Sau 2 năm thực hiện, chị có thấy dự án mang lại một sự đổi thay rõ rệt nào không?

+ Có chứ. Có rất nhiều thay đổi đã đến chỉ sau một năm chúng tôi thực hiện “Think Playgrounds”.Ngoài một số trường hợp lẻ tẻ mà tôi nói ở trên, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về không gian công cộng này.Có khu dân cư chủ động tìm đến chúng tôi nhờ làm một sân chơi.Có nơi liên lạc với chúng tôi và nhờ làm mới lại sân chơi cũ vì đồ dùng cho các cháu đã bắt đầu hỏng hóc rồi.Khu tập thể ở Trung Tự là một ví dụ. Thông điệp của chúng tôi được lan tỏa. Nhiều tờ báo biết đến hơn.Có đại biểu quốc hội cũng quan tâm tới câu chuyện này.Phía chính quyền cũng bắt đầu có những thay đổi tích cực.Tuy nhiên, vẫn còn chậm.

- Cảm ơn chị!

Đậu Dung
.
.
.