Thổ Tang, chuyện làng “lái”

Thứ Ba, 17/01/2017, 11:16
Kho hàng lớn, cửa hàng bách hóa đa dạng, chợ lớn, đầu mối trung chuyển rộng… đã lâu đời. Ðó là Thổ Tang, ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cả vùng trung du phía Bắc nhận hàng từ đó, có hàng mang đến đó.


Đủ các loại hàng hóa, từ nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng gia đình, đến hàng máy móc, điện tử… La liệt, chả thiếu thứ gì, bán từ cái kim đến cả xẻ thịt ô tô, máy bay, tàu thủy… Rã ra mà bán, cái gì cũng có.

Buôn bán ỳ xèo, tự nhiên như chợ, ai gán mác cơ chế gì, mặc. Nhà nhà gom hàng, người người tất tưởi làm “ cửu vạn” bằng đủ phương tiện, mối cứ alô là chuyển kìn kìn…

Nhà nào nhà nấy hàng họ xếp cao như núi, chồng chất trên kệ áp tường, lăn lóc khắp nhà. Nhà trên nhà dưới không còn chỗ để ngồi, len lỏi chen chân ghé tạm lên thùng đồ:

- To tát gì, nhà em làm tồng tà tồng tuềnh thế thôi. Các bác cứ tìm chỗ ngồi tạm, nhà em không có chỗ nào trống…

Cô chủ nhà tên Hiên tươi rói mày miệng nói mà người quay thoăn thoắt giữa máy tính, điện thoại, mối hàng tấp nập. Chen giữa các lượt khách ra vào, cô kể đứt đoạn:

- Nhà em mới làm 18 năm nay thôi, hai vợ chồng cưới nhau năm 1999, thoạt đầu đi chở hàng thuê. Sáu tháng sau, bỏ xe, thuê nhà 150 nghìn đồng/ tháng, quyết chí mở cửa hàng, bán rau hành, nông sản…

Tập tọe làm ăn, cụt vốn, lại bị lừa hơn 10 triệu. Vợ chồng bàn nhau vay ngân hàng 9 triệu, quyết làm tiếp. Lần này bán hàng gia dụng, không hàng cấm, hàng lậu, không sợ ai nhòm ngó… Cứ cà tọc cà toạch thế, chân chỉ thôi, bán lãi ít để bán được nhiều hàng, lời trông vào số nhiều.

Học ở đâu ra cách làm này vậy? Toàn nghề dạy nghề thôi. Chồng em học hết lớp 5, em học hết lớp 6 - Bà chủ trẻ thật thà chia sẻ.

Có cái “máu Thổ Tang” chảy trong người, lại nằm giữa chợ trung tâm này, sức học hai vợ chồng cộng lại mới chỉ hết lớp 11, chưa biết đại học, nay cũng thành “đại gia”. Làm thế nào? Thì cứ làm thế thôi, ai kêu là có, ai có là kêu, từ sương chưa tỏ tới tối mù đất, tần tảo chiều các mối mang xa gần…

Đất ít, không có luống hành nào, người Thổ Tang nhập nơi khác về, sơ chế rồi xuất, lấy của người làm tăng thêm giá trị và thương hiệu rồi lại chuyển đi bán cho người cần.

Thổ Tang đi lên bằng dịch vụ chế biến, lưu thông phân phối. Làm dịch vụ phải chịu khó vất vả. 3 giờ sáng nhập hàng, tới đêm khuya khoắt phải đóng thùng, tối ngày móc nối, sắp xếp nhận, chuyển, lấy đêm làm ngày…

Đường sá lúc nào cũng đông như Tết, ồn ào người, xe. Những xe tải lớn đi dọc phố, nhặt đầy hàng rồi đi. Thả dần hàng cho các mối dọc đường, rồi quay ngược lại với hàng chất đầy. Hai chiều, cứ thế chạy tối ngày.

Dân quanh vùng kể về tính chịu thương chịu khó, quán xuyến giỏi giang và đức hy sinh của phụ nữ Thổ Tang: “Gái Thổ Tang kinh bang tế thế, cơm ăn nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm, rồi dậy tất tưởi lo ngược xuôi”. Nhanh nhạy, uyển chuyển, sớm nhìn thấy và chuyển hóa là tính cách đặc thù của phụ nữ thương gia.

Đó cũng là truyền thống, là chất của người Thổ Tang quen giao thương rộng rãi. Ngửi thấy mùi là ra tay ngay. Năm 1999, miền Trung lụt lớn, quan chức chưa kịp lên tivi kêu gọi, người Thổ Tang đã nhanh chóng đưa rau xanh, mì tôm vào “ứng cứu”. Thủy điện Sơn La vừa được quyết, 500 người Thổ Tang đã có mặt bán lương thực, nông sản, hàng hóa phục vụ đời sống cho công nhân. Thủy điện Nà Hang mới động thổ, 40 hộ Thổ Tang đã nhanh nhẹn chuyển đến, góp mặt họp chợ.

Về tính nhanh nhạy, người Thổ Tang thường tự hào kể một thí dụ điển hình: ông Nguyễn Văn Thường. Ngay trong ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, ông người đất Thổ Tang này đã kịp mang theo nhiều cờ và ảnh Bác Hồ theo xe bộ đội vào Sài Gòn... để bán!

Cái giỏi của ông, như một tướng trận, dự báo chính xác thời điểm giành chiến thắng, đo lường được nhu cầu, nắm bắt được thị trường thiếu cái gì và kịp gom hàng đúng thời điểm.

Một thời, báo chí liên tiếp chỉ ra chợ đầu mối này là vương quốc hàng giả, trung tâm hàng nhái, thế giới hàng lậu, hàng nhái siêu rẻ. Chợ vẫn thế, to nhỏ cũng thế, có chợ có kẻ tháu cáy lăn cá đá dưa, chợ chưa ra kẻ cắp đã tới… nhưng cái chợ Thổ Tang này, theo thống kê, ít cảnh ấy. Cái chợ to Thổ Tang, đông đúc nhưng ít phức tạp hơn.

Miệt mài đáp ứng các nhu cầu thị trường, khi được hỏi có bị gặp khó gì, bà chủ trẻ Hiên phát liền: “Không, không… Chính quyền không gây khó khăn gì. Không có cơ quan nào làm phiền”.

Và bà giải thích: Dân ở đây làm ăn được cũng là nhờ các “ông xã” giúp. Cả xã này, cửa hàng đầy, mưa dùng bạt, mái che, dựng biển quảng cáo mất mỹ quan. Các “ông xã” xuống hướng dẫn cách căng bạt, treo bảng, sắp xếp xe cộ trên hè, trên phố… để thông thoáng lại đẹp phố, thế thôi.

Phất nhanh, có thể do tự “phân công lao động” đúng thế mạnh, năng lực, nhanh nhạy chiếm “kinh tế ngõ nhỏ dịch vụ”, mở rộng thị trường và giữ tín. Chợ Thổ Tang là mảnh đất “hót vàng”. Đất làm ăn lên giá, nay tới 80 triệu/m2, xắt ra miếng, hơn thành phố nhiều…

Xa xưa, cả 3.500 năm trước, vùng này đã có người Việt cổ sinh sống. Tang nghĩa cổ là tằm tơ, đất trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa… Ông Nguyễn Duy Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang kể: Hai năm gần đây khách thập phương về nhiều vì Thổ Tang có đủ mặt hàng, một chuyến đi chợ mua được đủ loại hàng…, một lần đi chợ giải quyết hết nhu cầu, đỡ chi phí, thời gian.

Từ khi  khi các cụm kinh tế mở ra, công nghiệp mở mang, các hộ kinh doanh phát huy truyền thống, thu hút thêm hàng hóa từ các nơi, dân không sản xuất, làm dịch vụ… Lãi ít nhưng bán số nhiều. Dân giỏi tính, được là làm, không được thì đảo chiều được ngay.

Một cái chợ như Thổ Tang, đã có 7 ngân hàng mở chi nhánh thì biết làm ăn kiểu gì và cỡ nào. Các hãng sản xuất lớn cũng mở chi nhánh. Thổ Tang có vẻ tiến nhanh theo mô hình như Singapore, cung cấp dịch vụ và trung chuyển rộng. Kinh tế tri thức, không sản xuất hàng hóa, làm dịch vụ, và "con người cần gì Thổ Tang đều có"…

30 năm trước, khi hăm hở chuyển sang kinh tế thị trường, Thổ Tang như một điển hình nghiên cứu. Những ngày cuối năm này, thăm lại điển hình này, có vẻ vẫn… thị trường như chưa từng được bao cấp.

Và dịp này, các báo nước ngoài nhắc lại sự tan rã của Liên Xô vừa tròn 25 năm với lời tiếc nuối: giá kể sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế ở mức vừa phải, sẽ nhân lên tính tích cực của kinh tế kế hoạch, tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Đức Anh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường, kể: Ở Thổ Tang, giao thông hay kẹt do buôn bán sầm uất, nên việc tuyên truyền giữ giao thông thông thoáng là việc thường xuyên phải làm. Rồi vỉa hè, biển quảng cáo… phải quy hoạch, hướng dẫn dân làm cho đúng quy định Nhà nước, chứ với đặc thù buôn bán như vậy, không cứng nhắc gây khó dễ cho dân.

Đã thành truyền thống, đầu xuân chính quyền và doanh nghiệp gặp mặt giao lưu, lắng nghe ý kiến, góp ý của dân để có chính sách, điều hành phù hợp, thông thoáng…

Ông Nguyễn Bình Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho rằng cần cởi mở tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làm ăn, phát triển kinh tế.

Ông cho biết, chính quyền luôn nắm chắc địa bàn, hoàn cảnh từng hộ dân, xác định nhanh các thủ tục như xác nhận chủ quyền nhà đất để thế chấp vay vốn, phối hợp các cơ quan chức năng làm các thủ tục hành chính liên quan để giải quyết chính xác và nhanh chóng... “chứ không chỉ nói mồm, nói chính sách cho vui”.

Văn hóa truyền thống Thổ Tang đậm nhiều màu sắc. Người quan tâm lẫn nhau, hỏi thăm, giúp đỡ khi cần. Ốm đau, bà con kéo đến thăm, ngồi đầy ngoài viện. Nhà có việc, không mời hàng xóm cũng đến, không thuê người làm, chỉ hàng xóm, bà con xúm vào giúp như nghĩa vụ gia đình. Cưới xin, đầu làng cuối xóm rước dâu đi bộ như truyền thống, chả bày vẽ xe pháo dềnh dàng.

Tình nghĩa xóm làng đầm ấm, môi trường xã hội yên ổn để làm ăn. Buôn bán giữ cơ chế thị trường, giữ làng giữ nước bình yên…

Ông Lê Minh Thịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Vĩnh Tường trù phú, và dân Vĩnh Tường sống tình nghĩa, có truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp. Đền Liệt sĩ của huyện được xây dựng với kinh phí hơn 100 tỷ đồng, theo hình thức xã hội hóa. Nhiều Mạnh Thường Quân là con em Vĩnh Tường thành đạt công tác trên mọi miền đất nước, góp công sức, trong đó phải nói đến Tập đoàn Phú Sơn tài trợ chính.

Xuân này, Vĩnh Tường thêm rộn ràng. Tình nghĩa làng xóm thêm đầm ấm nơi cát tường vĩnh cửu...

Linh Nguyễn
.
.
.