Thợ săn tiền lẻ

Thứ Tư, 27/12/2017, 14:54
Dòng họ tôi nhiều đời hành nghề thợ săn. Ông nội tôi là Huỳnh Hắc Hổ, từng là một thợ săn hổ nổi tiếng trong vùng. Ông thấy rằng hổ không còn nhiều nên định hướng cho cha tôi chuyển sang săn heo, nên cha tôi được đặt tên là Huỳnh Hắc Hợi.


Ðến khi sinh tôi ra, cha tôi thấy rằng thú săn cũng không còn nhiều, nên định hướng tôi chuyển sang săn chim. Thế là tôi được đặt tên là Huỳnh Hắc Ðiểu.

Tôi là thợ săn chim chuyên nghiệp từ lúc còn bé, trong khi bạn bè cắp sách đến trường, thì tôi lại đi lên rừng lên rẫy bẫy chim. Cha tôi từng nói, rừng không còn nhiều thì thú săn cũng sẽ hết. Nhưng chim thì không bao giờ hết, chỗ nào còn cây xanh là còn có chim. Chỗ nào còn người có tiền là chỗ đó có dân chơi chim.

“Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần” - câu nói của người xưa đã khái quát được cái tao nhã, cái sâu xa của thú chơi có từ hàng ngàn năm trước. Chơi chim vốn là thú chơi được các bậc cao niên ưa chuộng vì tính thư giãn. Thế nhưng hiện nay, số lượng giới trẻ bị cuốn hút bởi thú chơi này đang ngày càng tăng lên và độ tuổi cũng ngày càng được trẻ hóa.

Ảnh minh họa.

Ngoài chơi chim thì những phụ kiện đi kèm như lồng, cống đựng thức ăn… ngày càng phong phú và đa dạng hơn về kiểu dáng, chất liệu và giá thành cũng khác nhau. Bên cạnh việc có một chú chim đẹp, nhiều dân chơi còn chọn các phụ kiện “độc” để làm tôn lên dáng vẻ của chú chim. Chính vì vậy, ngoài việc săn chim, tôi còn làm thêm các phụ kiện để tăng thu nhập.

Cuộc sống của gia đình tôi cứ êm đềm như vậy trôi qua. Cho đến một ngày, con vợ tôi phát hiện ra gia đình thằng Hiệp gần nhà dạo này giàu lên nhanh chóng. Nghe nói ngày nào nhà nó cũng vác nhiều bao tải tiền ra đếm. Tôi nghe thế choáng váng! Nếu thực sự như vậy thì tôi phải tìm hiểu xem sao.

Thằng Hiệp là bạn thân của tôi từ nhỏ. Nó giống tôi là không được đi học. Trong khi tôi được lên rừng huấn luyện săn chim, thì nó theo ông cậu đi phụ nghề xe tải, sau đó làm tài xế xe tải. Nếu nó mà giàu lên bất ngờ thì chỉ có đi buôn lậu.

Canh nhà chuẩn bị có đám giỗ, tôi qua mời thằng Hiệp, cũng là để dò la bí quyết làm giàu của nó. Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy tiền nó chất cả nhà trong bao tải, giống như nông dân cất lúa vậy. Tôi lân la hỏi chuyện: Dạo này mày mới đổi nghề à? Chuyển qua làm cái gì mà lên nhanh vậy?

Thằng Hiệp phì cười: Tao đã bỏ nghề xe tải, chuyển sang nghề “săn tiền”, nên cuộc sống khá hơn. Săn vàng, săn kim cương, sừng tê giác… thì nguy hiểm tính mạng. Chứ còn săn tiền như tao vừa an toàn vừa nhanh có tiền.

Thấy tôi vẫn không hiểu, nó giải thích thêm: Dạo này mấy trạm thu phí BOT mọc lên như nấm sau mưa, dọc Nam ra Bắc. Cánh tài xế phản đối BOT nên dùng tiền lẻ để trả, mà tiền lẻ ở đâu ra cho đủ. Thế là họ cần người đi gom tiền. Nên tao bỏ nghề tài xế, chuyển qua săn tiền lẻ.

Tôi thắc mắc: Tiền lẻ là mệnh giá bao nhiêu?

Thằng Hiệp giải thích:Tiền lẻ là tiền mệnh giá 100, 200, 500, 1.000 và 2.000 đồng. Do sự khan hiếm của các loại tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tờ 100 đồng nên mức phí đổi tiền cao gấp hàng trăm lần.

Thằng Hiệp thấy tôi vẫn còn chưa tin lắm. Nó nói thêm:Chẳng những mấy anh tài xế cần tiền lẻ mà chủ đầu tư BOT cũng cần tiền lẻ. Làm nghề này chúng ta còn đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Đó là hồi sinh những đồng tiền đã chết lâm sàng sau rất nhiều năm.

Tôi nghe thế, quyết tâm bỏ nghề săn chim chuyển sang săn tiền.

Nghĩa nam
.
.
.