Không có gì mà ầm ĩ cả

Thời "ký sinh trùng"

Thứ Sáu, 06/03/2020, 09:48
Bộ phim "Ký sinh trùng" thành công vang dội của Hàn Quốc có gì như vận vào tình cảnh Hàn Quốc vào lúc này, dịch COVID-19 bùng lên ở mức "vỡ trận", trở thành ổ dịch lớn thứ nhì sau Trung Quốc.

Chính phủ khuyến cáo tránh tụ tập chống lây nhiễm thì dân lại hăng hái biểu tình. Hồng Kông thì từ ngày có dịch, các "biểu tình viên" tự động giải tán không phải nhắc. Khi số ca nhiễm tới hơn 3.000 lan rộng tại 17 địa phương thì dân Hàn lại vận động lấy chữ ký để luận tội tổng thống.

Virus không kiêng dè hệ tư tưởng hay địa vị của vật chủ nên đã lan tới hơn 60 quốc gia. Italia trở thành một ổ dịch mới của châu Âu. Tới lúc này thì Nhật Bản mới hối hả đóng cửa trường học. Hiện tượng "nước đến chân mới nhảy"  được tỷ phú Bill Gates tiên liệu từ lâu. 

Trong bài nói vài năm trước, ông kể rằng thuở nhỏ, thế hệ của ông luôn sẵn sàng nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra, nhưng kỳ thực kẻ cướp đi  nhiều sinh mạng hơn cả chiến tranh là virus cúm. 

"Một phần nguyên nhân là do chúng ta đã đầu tư một số tiền lớn để ngăn ngừa hạt nhân nhưng lại đầu tư rất ít vào hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh, chúng ta chưa sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo" - ông nói.

Bill Gates cho rằng cần bắt tay chống dịch ngay "Tôi không biết sẽ tốn bao nhiêu tiền của, nhưng tôi chắc chắn đó là một con số rất khiêm tốn so với những thiệt hại tiềm tàng".

Không phải tự nhiên mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch COVID-19. 

Trong giai đoạn này, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh chống đại dịch thế giới. Hiếm có quốc gia nào huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sức mạnh là sự thống nhất nguồn lực, tận dụng toàn bộ sức mạnh ý chí nhân dân. Các ban ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang đều triển khai quyết liệt. 

Sự tuân thủ đầy trách nhiệm của nhân dân là một sự kỳ diệu trong những tình trạng khẩn cấp. Cá biệt có bạn trẻ về nước không phải từ vùng dịch (không thuộc diện cách ly) vẫn tự giam mình cách ly 14 ngày.

Minh họa Lê Tâm.

Đọc sự phẫn nộ của người Italia về lệnh phong toả, hay chuyện cô bệnh nhân người Daegu nhiễm virus COVID-19 nhổ nước bọt vào nhân viên y tế thì mới thấy dân mình thật tuyệt.

Khi thế giới ca ngợi Việt Nam thì có một bác sĩ Do Thái cũng tiện thể kể công trên một tờ báo nước ngoài rằng từng tư vấn cho Việt Nam chống dịch. Thực tế việc trên không hề có. Có lẽ các nước phải ghen tỵ khi biết Việt Nam có một cựu Bộ trưởng Y tế là một bác sĩ dịch tễ. 

Trên thế giới, các bệnh viện thông thường của tư nhân. Riêng phần dịch tễ là y tế cộng đồng thì nhà nước phải nắm. Một ca mổ kỳ diệu có thể cứu một cuộc đời. Còn sự âm thầm của bác sĩ dịch tễ có thể cứu vạn người.

Trong nhiệm kỳ của mình, vị tư lệnh ngành cũ đã thúc đẩy việc học tập mô hình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tiên tiến của thế giới. Khi có dịch, hệ thống được kích hoạt thống nhất từ Trung ương tới địa phương nhanh chóng. 

Kinh nghiệm chống dịch SARS của chúng ta cũng giúp cho sự đối đầu COVID-19 trở nên đỡ khó khăn hơn. Chúng ta biết huy động tổng lực là căng thẳng nhưng dù sao vẫn là phương án rẻ nhất. Dập dịch không quên tăng trưởng.

Còn bạn. Bạn có sợ con virus mang tên trì trệ không?

Lê Tâm
.
.
.