Không có gì mà ầm ĩ cả:

Thói quen chiếu lệ

Thứ Tư, 01/06/2016, 17:22
Mấy ngày vừa qua, dư âm bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack. Obama làm xao xuyến không biết bao nhiêu người Việt. Không ít người nghĩ phải là bậc kỳ tài kiệt xuất mới có thể soạn được bài nói ngọt ngào đến như vậy. 

Chà! Chúng ta có thể viết được một bài hay tương tự hay không? Đừng đặt dấu hỏi về năng lực của người Việt mà hãy đặt dấu hỏi vào thói quen của chúng ta. Các cụ bảo "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Vậy nhưng thực tế ở ta thì ai nói nấy nghe. Ai chưa nói thì chờ đến lượt. Chưa đến lượt thì tán chuyện riêng. Như vậy cả đôi tai và cái miệng đều sai chức năng. Đó là thực trạng lệch mục tiêu.

Dò tìm trên mạng những bài hướng dẫn cách viết diễn văn thì toàn những bài viết lằng nhằng tập trung vào kỹ xảo ngôn từ, phát âm lưu loát. Thiếu những bài chạm vấn đề cốt lõi.

Bỗng dưng nhớ một mẩu chuyện cười hư cấu về Thủ tướng Anh Churchill, người đã đoạt giải Nobel văn học và có những diễn văn thay đổi thế giới. Lời của ông đương nhiên là lời lời châu ngọc. Một lần do nhỡ nhàng, cần trở về gấp Đài Phát thanh London để đọc diễn văn, Churchill vẫy taxi. Tài xế từ chối: "Tôi sẽ không đi đâu. Tôi đang đợi nghe bài diễn văn của ngài Churchill trên đài phát thanh".

Minh họa: Lê Tâm.

Thủ tướng Anh: “Tôi sẽ trả giá cao”. Churchill đưa tài xế một bảng Anh. Tài xế: “Không đời nào!” Churchill đưa 2 bảng. Chàng tài xế dứt khoát: “Không là không!” Churchill dúi 5 bảng hỏi: “Có đi không?” Tài xế nhét 5 bảng vào túi rồi nói: “Thôi được. Tôi sẽ đưa ngài đi, mặc kệ ông Churchill với bài diễn văn của ông ấy”.  Câu chuyện cười nhắc lại một triết lý từ Á Đông chẳng mới mẻ nhưng không bao giờ cũ "Vua lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời". Với dân thì chỉ nghe những điều thiết thực chứ chẳng bao giờ muốn nghe lời tâng bốc.

Cho dù cẩm nang viết diễn văn có chia nhỏ ra bao nhiều phần đi nữa thì cốt lõi chỉ có 1 điều lớn. Đó là nói cái người nghe muốn nghe, muốn biết, muốn hiểu và muốn tranh cãi. Lâu nay các bài nói của chúng ta không chỉ người lớn mà cả trẻ em trường phổ thông cũng đều rập khuôn vài mẫu thức sáo rỗng đầy tính từ. Chỉ nói cái mình muốn nói, không cần biết có ai nghe hay không. Tệ hơn là nói những điều đầu không nghĩ. Người đọc chiếu lệ thì sẽ nhận tiếng vỗ tay xã giao. Người đọc cứ phải vỗ tay trước.

Để viết một diễn văn hay là không dễ nhưng không phải là không thể. Đội ngũ của Tổng thống B. Obama đã có những tư vấn rất sâu khi đưa vào bài những câu thơ chủ quyền mà người Việt nào cũng tự hào; những câu hát đầy thương yêu thân thuộc; những câu Kiều mấy trăm năm thổn thức… Người làm truyền thông cho vị nguyên thủ này đã biết rất rõ cách thức lay động trái tim người nghe. Bài nói này không cần một bộ óc siêu việt soạn ra. Chỉ cần có sự phối hợp giữa những thư ký chuyên nghiệp là bài nói không còn khách sáo nữa.

Các cấu trúc bài nói chuyện của Steve Jobs, Bill Gates, Nick Vujicic… cũng đều trên cơ sở này. Người nghe đang muốn ngủ cũng phải bật dậy. Cán bộ của chúng ta quen phát ngôn "an toàn" nên hầu như diễn văn nào cũng chung chung. Đã đến lúc nên quên dần mấy mẫu thức "nói chữ" với mỹ từ rỗng ruột: "Hăng hái, tích cực, khẩn trương/ Đẩy mạnh, xúc tiến, tăng cường, nâng cao/ Vươn lên, tiến tới, đi vào/ Cơ bản, đại thể, phần nào, nói chung".

Vẫn có một số ít cán bộ có những phát biểu đột phá gây choáng và triển khai táo bạo. Những phát ngôn choáng này được dân truyền nhau như những tia hy vọng. Đã an toàn sao có thể cá tính? Không cá tính, sao dám đột phá làm lợi cho dân cho nước.

Còn bạn. Khi nói chuyện, bạn muốn chinh phục tinh thần hay thể xác?

Lê Tâm
.
.
.