Nông dân đất Cảng:

Thú chơi nhà gỗ lim bạc tỉ

Thứ Năm, 25/09/2014, 10:30

Họ chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lại sở hữu trong tay những căn nhà gỗ lim có giá trị hàng tỷ đồng. Niềm đam mê chơi nhà gỗ với thú vui gom góp từng cây gỗ một để đến khi đủ vật liệu xây dựng, họ đã tự dựng lên những căn nhà độc đáo để giờ đây, ngôi làng của họ trở thành một di sản quý giá cho con cháu đời sau ngưỡng mộ và tự hào.

Truyền thống dựng nhà bằng gỗ quý

Dọc theo con đường về xã Thuỷ Triều, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, những ngôi nhà gỗ lim cổ kính, được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo, nằm sừng sững sau những rặng cây xanh mướt. Di sản nhà gỗ trở thành niềm tự hào của những người dân nơi đây, và cho đến tận bây giờ, bên cạnh những ngôi nhà gỗ lim cũ kĩ cha ông để lại, con cháu họ lại tiếp nối niềm tự hào ấy bằng những ngôi nhà to hơn, đẹp đẽ hơn.

Theo một số thợ gỗ thì nghề làm nhà cột (nhà dựng cột bằng gỗ lim) đã có niên đại gần 300 năm. Ngày trước, việc kiếm gỗ tốt còn khó khăn nhưng những người dân nơi đây vẫn cố gắng kiếm từng cây gỗ một thông qua những thợ gỗ của xã. Sau khi "góp" tạm đủ số gỗ để dựng nhà thì họ lại thuê thợ hoặc tự tay mình làm lên bộ khung của ngôi nhà.

Nhờ chỉ dẫn của người dân trong xã, chúng tôi tìm đến xóm 5, 6 nơi tập trung của những người thợ dựng nhà giỏi nhất và cũng là nơi có nhiều căn nhà gỗ lim nhất của xã Thủy Triều. Theo anh Trần Văn Trọng (46 tuổi, xóm 6) chủ xưởng gỗ An Mạnh cho biết: "Nhà tôi làm xưởng gỗ 3 đời rồi, còn trước đó các cụ cũng làm mộc nhưng đi làm thuê cho người khác. Các cụ kể lại thì nhà cột là sở thích của người dân nơi đây từ lâu lắm rồi, nhưng nhà cột ngày trước thì bé hơn bây giờ nhiều lắm. Hơn nữa, ngày trước các cụ xem gỗ chưa tinh, nhiều khi mua cây gỗ to về mà lõi rỗng lại phải bỏ đi, rồi có khi đẽo đi đẽo lại thì lại ra toàn gỗ vụn…".

Ngôi nhà 3 gian bằng gỗ lim của gia đình anh Trọng.

Thời đó, để mua được một cây gỗ lim rất khó khăn, người nông dân phải săn đón từng cây gỗ một từ những người đi rừng để tìm gỗ lim, rồi lại lựa chọn cẩn thận để tránh trường hợp mua phải gỗ rỗng. Giờ đây, việc mua bán đã dễ dàng hơn rất nhiều khi gỗ lim được vận chuyển từ Quảng Ninh hoặc mua gỗ từ Lào chuyển về.

Là một người thợ còn trẻ về tuổi nghề nhưng theo như tính toán sơ sơ, trung bình mỗi năm anh Trọng dựng được 5 căn nhà gỗ. Như vậy sau 10 năm làm nghề, anh Trọng dựng được khoảng 150 căn nhà gỗ, cao điểm nhất là vào năm 2011 khi xưởng nhà anh nhận làm tới 12 căn. Khi ấy, xưởng gỗ nhà anh Trọng phải thuê từ 40-60 thợ từ khắp các tỉnh như Thái Bình, Nam Định và nhiều thợ làm thời vụ.

Vào thời điểm tôi có mặt tại xưởng, anh Trọng cũng đang dựng gần xong khung của một chiếc nhà gỗ mà người dân đặt làm trọn gói. Theo đó, mỗi cây gỗ có giá dao động từ 10-40 triệu tùy vào chất lượng, khối lượng. Vì giá cả dao động mạnh như vậy nên giá trị của các ngôi nhà cũng có giá khác nhau, có căn chỉ 300 triệu nhưng có căn cũng lên tới 2-3 tỷ với nội thất cũng được làm bằng gỗ lim. Và cũng vì thế, thời gian làm nhà cũng dao động từ 1 tháng cho đến tận vài năm. Cụ thể là ngôi nhà 3 gian của anh Trọng cũng phải làm mất 3 năm, giá trị của ngôi nhà lên tới 3,5 tỷ.

Khi ấy, gia đình anh Trọng còn thuộc diện gia đình khá giả nên việc xây dựng nhà cũng có phần dễ dàng. Nhưng theo như lời kể của anh Trọng thì ở xã Thủy Triều này, người dựng nhà gỗ chủ yếu vẫn là… nông dân. Và cái cách họ có được ngôi nhà gỗ quả thật rất kì công.

Cả đời tích gỗ dựng nhà

Xã Thủy Triều có 8 xóm thì mỗi xóm có từ 20-30 căn nhà gỗ, có nhà còn sở hữu 2-3 căn. Nếu muốn thăm hết các căn nhà gỗ ở xóm 6 này thôi thì cũng phải mất hơn một ngày rồi, còn thăm hết nhà gỗ của xã này thì có khi phải ở lại vài tuần. Nhờ sự giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Nuôi (62 tuổi, xóm 6) để xem căn nhà ông đã mất gần 2 năm để xây dựng. Theo như ông Nuôi cho biết, người dân ở Thủy Triều có một "truyền thống" lạ kì đó là "góp gỗ". Do không có nhiều tiền để xây nhà ngay, người nông dân gom góp tiền bạc, cứ cách vài tháng lại đi mua một cây gỗ lim rồi cất ở nhà hoặc gửi ở xưởng gỗ. Đến khi góp đủ số gỗ để dựng nhà theo như tư vấn của thợ thì lại tiếp tục góp tiền để trả công thợ.

Ông Đỗ Văn Nuôi với căn nhà gỗ thứ hai.

Như nhà ông Nuôi cũng sở hữu hai căn nhà gỗ, căn đầu tiên ông dựng năm 1992. Khi đó, việc tìm gỗ rất khó khăn nên phải mất hơn 2 năm ông mới dựng xong căn nhà. Giá trị căn nhà đầu tiên là 100 triệu và đối với người nông dân thì 100 triệu năm 1992 là cả một gia tài khổng lồ. Đến năm 2000, sau một thời gian tích cóp, ông tiếp tục làm căn nhà gỗ thứ hai. Ngôi nhà này ông đóng gạch rồi tự nung vậy mà cũng mất 800 triệu và hơn một năm "góp gỗ".

Khi được hỏi tại sao ông lại tốn nhiều tiền vào việc xây nhà như vậy, ông Nuôi cười nói: "Ở xã này ai cũng thế thôi, thành nếp rồi, kiểu gì thì kiểu cũng phải xây được căn nhà gỗ để sau này con cháu nó nhìn vào còn nhớ tới ông bà nó. Nó giống như một nhà tưởng niệm để đời của chúng tôi thôi".

Cũng tại xóm 6, chúng tôi được giới thiệu đến nhà ông Viện (42 tuổi), ngôi nhà có 3 gian, 13 cột cùng nhiều đồ đạc như sập gụ, tủ chè, bàn ghế… tất cả đều bằng gỗ lim. Ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất rộng 70m2, dựng nhà vào năm 2011 và tổng chi phí hết 1 tỷ đồng. Căn nhà này ông Viện đã phải "góp gỗ" mất 6 năm ròng rã, tiền mua gỗ đều từ công chạy chợ của vợ, làm thuê của ông và hai sào ruộng của gia đình. "Để dựng được căn nhà này, tôi phải chuẩn bị mất 6 năm, mỗi năm mua được khoảng 5 cây gỗ lim của Lào về cất ở nhà. Mỗi cây dài hơn 4m, đường kính 20cm. Cứ như thế cho đến khi thấy đủ gỗ rồi mới bắt đầu thuê thợ dựng nhà", ông Viện chia sẻ.

Cũng mất thời gian góp gỗ khá lâu, ông Trần Văn Thành (48 tuổi) cũng đã dựng được căn nhà gỗ lim trên mảnh đất 60m2 của gia đình. Nhà 3 gian cao 4m, lợp ngói vẩy, các kèo cột đều được trang trí vô cùng cầu kì. Sau 5 năm "góp gỗ", ông Thành thuê thợ dựng căn nhà gỗ mà mình mong chờ đã lâu mất 1,2 tỷ. Ông Thành cho biết: "Tôi cũng mong mỏi dựng được căn nhà gỗ từ lâu lắm rồi nhưng không có điều kiện. Nhà làm nông, tôi làm mộc nên thu nhập cũng không được bao nhiêu. Mỗi năm mua được 5-10 cây gỗ lim Lào nhập khẩu, thế rồi cũng được căn nhà như bây giờ".

Ngay cả cổng cũng được làm bằng gỗ lim.

Ngoài ra, còn nhiều hộ gia đình khác cũng phải góp gỗ mất nhiều năm hơn cả nhà ông Viện, ông Thành. Tất cả còn tùy thuộc vào kinh tế nhưng mục tiêu cuối cùng của người dân Thủy Triều vẫn là dựng được căn nhà gỗ của riêng mình. Nhà gỗ lim có ưu điểm mùa hè mát, mùa đông thì ấm lại có tuổi thọ cao không bị mối mọt, xuống cấp như nhà tầng nhưng với giá lên tới bạc tỷ như vậy thì việc dựng được nhiều căn nhà gỗ "hoành tráng" như người dân nơi đây đã làm quả là kì tích.

Tuy nhiên, theo như chia sẻ của anh Trọng, chủ xưởng gỗ An Mạnh thì hiện tại do kinh tế khó khăn nên người muốn dựng nhà gỗ cũng ít dần hoặc thời gian "góp gỗ" kéo dài hơn. Cả xã có khoảng 4 đội dựng nhà lớn và hơn chục đội nhỏ nhưng lượng hàng đặt tại các xưởng ngày một ít. "Mỗi căn nhà chúng tôi lãi từ 10-50 triệu đồng, nhưng đôi khi gặp rủi ro khi nhận về gỗ xấu hay khách hàng không vừa ý thì cũng chỉ hòa tiền. Lãi không nhiều, có khi còn lỗ nên phải tuyển thợ theo mùa vụ. Chính vì thế mà đôi khi chất lượng sản phẩm còn tùy thuộc vào đôi tay của thợ đục, đẽo. Mấy năm nay làm ăn khó khăn, xưởng của tôi còn phải nợ tiền ngân hàng. Cho đến giờ còn làm nghề vẫn chỉ nhờ tình yêu với những căn nhà gỗ do cha ông truyền lại thôi…", anh Trọng chia sẻ.

Theo lời kể ấy, nghề dựng gỗ cũng có những thăng trầm lịch sử, như năm 1945 nhiều người đã bỏ nghề và ngay chính gia đình anh Trọng cũng vậy. Đến năm 1955 khi cuộc sống khấm khá hơn, nghề dựng nhà gỗ lại được khôi phục và phát triển. Có thể thời điểm hiện tại lại là một nốt trầm khác của nghề, nhưng chắc chắn với tình yêu nghề như anh Trọng chia sẻ, những căn nhà gỗ lim sẽ lại được dựng lên đều đặn. Ở đó không chỉ lưu giữ sức lực, tích cóp của một đời cha ông mà còn là nơi sum vầy, giữ lại được hương vị cổ truyền ấm cúng của một vùng quê, nơi có những người nông dân thích dựng nhà bạc tỷ

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thủy Triều cho biết: Thủy Triều vốn là làng nghề có nhiều thợ mộc giỏi, chuyên đi dựng nhà gỗ cho thiên hạ, và dựng nhà cho người làng trong vùng... Trước kia, chỉ có một số ít người dân dựng nhà bằng gỗ lim, nhưng khoảng thời gian gần đây, kinh tế của người dân phát triển nên nhiều người chuyển sang thú chơi nhà gỗ. Khoảng 10 năm về đây, người dân nở rộ phong trào dựng nhà bằng gỗ lim. Hiện tại, ở xã có khoảng 150 ngôi nhà bằng gỗ lim. Mỗi ngôi nhà như thế, tùy theo to nhỏ, sẽ có giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.