Thủ đô ngộp khói vì đốt rơm

Thứ Hai, 05/12/2016, 14:04
Cấm xe con tư nhân lưu thông hai tuần, vận động bà con giảm đốt nhang trong vào các dịp lễ hội, nhưng thủ đô New Delhi của Ấn Ðộ vẫn ngộp vì khói, chỉ vì nông dân đốt rơm rạ chuẩn bị mùa vụ mới.


Và vì chính phủ không có giải pháp nào hiệu quả, thành phố này vẫn tiếp tục mang tiếng là thành phố có bầu không khí bẩn nhất thế giới, theo báo New York Times.

Ngộp khói vì nhang pháo, đốt rơm

Vào cuối tháng 10 qua, một ngày sau Lễ hội ánh sáng Diwali hàng năm (của đạo Hindu) kết thúc, mọi người thức giấc trong màn khói xám ngoét, rất khó nhìn mọi vật phía trước dù chỉ cách vài bước chân, và chất lượng không khí cực kỳ thấp.

Mức độ ô nhiễm không khí lên cao khiến 20 triệu người dân cảm thấy rất khó thở. Cùng lúc, Quỹ Liên Hiệp Quốc vì trẻ em công bố một báo cáo, nêu có 600 triệu trẻ em sống ở Nam Á, một trong những vùng ô nhiễm không khí độc trên thế giới. Các chuyên gia qui trách nhiệm cho người thích đốt pháo - một nét văn hóa không thể thiếu của lễ hội Diwali-khiến khói mù mịt toàn thành phố.

Nhưng chính quyền Ấn chưa nghiêm túc thử tạo sự khác biệt: kéo giảm việc hàng trăm ngàn nông dân đốt rơm rạ  để chuẩn bị gieo trồng ở các bang Punjab và Haryana lân cận, là hai vùng trồng đa phần lúa nước và lúa mì của cả nước.

Năm 2015, nông dân tiếp tục đốt khoảng 29 triệu tấn rơm để dọn ruộng chuẩn bị vụ trồng lúa mì.

Năm 2015, dù Tòa án Xanh Toàn Ấn (chuyên bảo vệ môi trường) đề xuất chính phủ nên cấm nông dân đốt rơm thừa sau mùa gặt, hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Hàng không - Không gian Mỹ (NASA) trong vài tuần gần đây vẫn ghi nhận tình trạng khói mù hoàn toàn chưa giảm. Nông dân tiếp tục đốt khoảng 29 triệu tấn rơm để dọn ruộng chuẩn bị vụ trồng lúa mì. Vì lý do đó, khói từ ruộng đã gặt lúa đã thổi xuyên vùng đồng bằng miền Bắc vào New Delhi, chiếm khoảng 1/4 sự ô nhiễm không khí môi trường nguy hiểm nhất trong các tháng mùa đông.

Nghèo, lấy đâu tiền mua máy

Tại bang Punjab - cách New Delhi 160 km về phía bắc - bầu trời tối đen vì khói, tài xế không thể nhìn đường nên giao thông rất chậm, và rất khó thở. Nông dân ở bang Punjab nói họ biết rõ họ gây ô nhiễm không khí thủ đô, và họ sẵn sàng tìm những cách khác để thải bỏ lượng rơm thừa, nhưng họ không thể đồng ý với những đề xuất của chính phủ.

Nông dân Jaswant Singh 53 tuổi ở làng Maulviwala (cách thủ đô 225km về phía tây bắc) nói ông đã đốt khoảng 3 hécta rơm rạ, vì không có tiền đáp ứng công nghệ mới do chính phủ giới thiệu. Khi được hỏi liệu nhà nông có biết chuyện đốt rơm gây hại cho sức khỏe người dân ở thủ đô, ông Singh và các nông dân nói họ rất ngại, vì gia đình họ cũng bị bệnh tật vì hít phải khói, nhưng họ không có cách nào khác để loại bỏ rơm rạ.

Trên lý thuyết, rất dễ chặn việc đốt rơm. Chính phủ Ấn đang giới thiệu một kiểu máy gieo hạt đặt trên xe máy cày và dùng nó để gieo hạt lúa mì mà không cần đốt rơm thừa sau vụ gặt lúa. Nhưng ông Singh và các nhà nông nói họ không thể nào có số tiền 1.900 USD để mua máy gieo hạt “Người gieo hạt sung sướng” (Happy Seeder).

Nhưng chỉ có vài người chịu dùng hết nguồn tiền bán được cả vụ gặt lúa mới có thể trang bị máy này. Các nhà nông cũng ngán phải mang thêm nợ, do họ đã phải đi vay tiền lo làm đám cưới cho con gái, hoặc mua sắm phương tiện làm nông. Để khuyến khích nông dân sử dụng  máy “Người gieo hạt sung sướng”, Chính phủ Ấn đang đề nghị bán một nửa giá. Nhưng chỉ có một số ít nhà nông dám mua, theo lời ông Bhure Lal, Chủ tịch Cơ quan Kiểm soát - phòng chống ô nhiễm môi trường (do Tòa án Tối cao Ấn Độ lập năm 1998). 

Một cách thay thế việc đốt rơm rạ là tạo ra một thị trường mua - bán rơm thừa. Hiện ở  bang Punjab có 7 nhà máy điện phát điện từ đốt rơm, và đang lập dự án xây thêm 6 nhà máy điện nữa. Nhưng cả 13 nhà máy này chỉ có thể đốt hết 1,4 triệu tấn trong 18 triệu tấn rơm thừa/năm ở bang Punjab, tức chưa tới 10%, theo ông Polash Mukerjee, một nhà nghiên cứu của Trung tâm vì Khoa học và Môi trường ở New Delhi.

Ông nói như thế chưa đủ tạo một thị trường cho rơm thừa, nên nông dân sẽ tốn nhiều hơn để gom rơm và đưa đến nhà máy, thay vì đốt rơm ngay trên ruộng của họ. Anh nông dân Shabaz Singh 32 tuổi, trồng 10 hécta lúa và lúa mì ở làng Maulviwala, nói: “Nếu chính phủ trả tiền mua rơm, tôi sẽ ngưng đốt ngay”.

Tư duy nhiệm kỳ tác động

Trước đây từng có lệnh cấm đốt rơm rạ. Nhưng ở Ấn, nhiều luật bị phớt lờ. Nên chẳng có nhà nông nào sợ bị phạt từ 38 đến 225 USD. Bác nông dân Harjinder Singh là người duy nhất nói không có ý định đốt rơm, nói: “Nếu chính phủ muốn ngăn đốt, họ có thể ngăn, nhưng chính phủ lại không có ý chí thực hiện luật cấm”.

Nhà nông này cùng em trai Narinder Singh đã mua một máy “Người gieo hạt sung sướng” có chính phủ hỗ trợ một nửa giá bán, hai anh em tự trả nửa số tiền còn lại và đã sử dụng máy được 3 năm nay. Cả hai người đều tránh đốt rơm, nhưng mùa gặt của họ vẫn đạt sản lượng lúa và lúa mì cao, điều gợi ý rằng để mặc rơm trên ruộng (thay vì đốt) lại cải thiện được sự màu mỡ của đất ruộng.

Ông Mukerjee tin tưởng sẽ có nhiều nông dân chọn mua “Người gieo hạt sung sướng”, nếu như chính phủ phổ biến rộng chương trình trợ giá. Nhưng cho đến nay, chính phủ trung ương lẫn chính quyền bang Punjab vẫn chưa quyết tâm gánh một nửa giá tiền cho nhà nông. Chính quyền bang Punjab cho Cơ quan Kiểm soát - phòng chống ô nhiễm môi trường cho biết: sẽ tốn khoảng 1,5 tỷ USD nếu trang bị “Người gieo hạt sung sướng” cho toàn bộ nông dân bang Punjab. Ông Mukerjee nói: “Thực tế thì chính phủ chẳng tạo ra được phương án khác nào cho nhà nông”.

Và còn vì lý do sắp tổ chức cuộc bầu cử chính quyền bang vào năm 2017. Anh nông dân Harjinder Singh đã mua “Người gieo hạt sung sướng”, nói: “Ai cũng biết sắp đến mùa bầu cử, và chính phủ không nghiêm túc trong việc cấm đốt rơm rạ trong năm nay. Nông dân đều nghĩ có lẽ họ sẽ chỉ phải ngưng đốt rơm thừa từ năm tới”.

Trung Trực (theo New York Times)
.
.
.