Thủ đoạn mới của "dân hai ngón" xứ trời Âu

Thứ Sáu, 10/07/2020, 16:57
Sau nhiều năm công tác ở châu Âu như ở Pháp, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia…, tôi đã tận mắt chứng kiến vô số những vụ làm ăn của bọn tội phạm hành nghề móc túi mà dân ta thường gọi chúng là "dân hai ngón".


Rất may là những năm đó, do cảnh giác cao nên tôi không hề bị mất cắp. Mới đây, tôi có trở lại châu Âu và đã bị dính đòn mất cắp trớ trêu ngay giữa thủ đô Paris hoa lệ do một thoáng lơ đãng.

Chiếc va ly và chàng trai trên bến đợi tàu

Tôi nhớ hôm đó, đúng mùa hè năm 2000, với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), tôi đứng đợi tàu chuyến Pháp - Bỉ để bắt đầu hành trình đưa tin về giải EURO-2000 sẽ diễn ra trên đất Bỉ và Hà Lan. Khách đứng đợi tàu khá đông, chủ yếu là dân mê bóng đá. 

Tôi đứng cạnh tốp thanh niên đang vây quanh chàng trai tay khư khư giữ chiếc va li to và đẹp. Tiếng cười đùa nô giỡn vang cả bến đợi tàu. Khi có tiếng còi báo hiệu tàu sắp đến, bỗng một tên to cao trong đám huyên náo kia cúi xuống chui vào giữa hai chân chàng trai và nâng bổng anh ta lên không trung rồi quay tít như chiếc đèn cù. 

Chàng trai không kịp kêu lên một tiếng vì mải đưa tay bơi chải trong không trung để giữ thăng bằng. Đúng lúc đoàn tàu đỗ, mọi người đổ xô lên tàu. Chàng trai bất ngờ bị vất xuống bến đợi tàu và ngất đi, trong khi gã chơi trò công kênh kịp lách mình lên tàu cùng cả toán với chiếc va li của chàng trai.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Đăng An, nguyendangan@yahoo.com.

Thực tình tôi bị ám ảnh ghê gớm về trò chơi kiểu du đãng ấy. Bạn bè gì mà chơi nhau độc ác vậy. Thấy tôi phân vân, bà lão ngồi cạnh tôi hỏi nhỏ: "Anh là người nước nào?". Tôi trả lời: "Thưa bà tôi là người Việt Nam ạ". Bà cười: "Nước Việt Nam đẹp lắm. Năm ngoái tôi và nhà tôi có chuyến du lịch đến Việt Nam hai tuần. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Hội An thơ mộng, có nhiều nét tương đồng với đất nước chúng tôi lắm". Tôi đồng tình với nhận xét của bà. 

Hình như biết được nỗi băn khoăn của tôi, bà nói: "Người bị vất ngã xuống đất không thuộc nhóm trấn lột đó đâu. Bọn chúng đã dàn cảnh để che mắt thiên hạ nhằm lấy đi chiếc va li của vị khách đó. Tôi biết, khi đứng đợi tàu, vị khách kéo va li ra xa đám đông mắt lấm lét quan sát rồi lấy bọc hình như là tiền từ trong áo lén bỏ vào va li. Chắc chắn hành động đó đã lọt vào mắt nhóm trấn lột. Và điều tất yếu phải đến đã diễn ra".

Tôi hỏi: "Thế khi biết chúng lên tàu, tại sao không ai ra tay can thiệp?". Bà buồn rầu nói: "Không thể vì ba điều. Thứ nhất thời gian diễn ra quá nhanh và thời gian để xử lý quá ngắn. Thứ hai số người biết không nhiều mà có biết thì chẳng ai dám dây vào vì sợ màn trả đũa ghê gớm của bọn sẵn sàng giết người ấy. Thứ ba đây là chuyện cơm bữa xảy ra hàng ngày ở thủ đô Paris, có lực lượng nào đủ người, đủ sức và đủ thời gian để dẹp bỏ".

Nếu vậy thì người bị nạn trên bến đợi tàu ấy sẽ có kết cục như thế nào? Nếu người ấy chết? Nếu người ấy bị thương nặng? Nếu người ấy không sao? Khi chiếc va li bị mất, người ấy không tiền, không giấy tờ thì biết làm sao? Đó là những câu hỏi mà mãi đến lúc ấy tôi vẫn chưa có lời giải…nhưng ở cuối bài này, khi tôi là nạn nhân thì tôi đã tìm ra được lời giải với một cái giá… khá đắt.

Đến lượt tôi là nạn nhân

Ba năm sau khi về hưu, một hôm, anh bạn thân của tôi - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Thành, nguyên Trưởng khoa văn Trường Đại học Tổng hợp đến tận nhà đặt vấn đề rất nghiêm túc. Anh hỏi: "Những năm công tác ở Pháp, anh An có biết thư viện nào ở Pháp có lưu trữ sách của phía Việt Nam không?". 

Thấy được tầm quan trọng của vấn đề, không một chút do dự, tôi trả lời ngay: "Trong 4 năm ở Pháp, tôi biết nhiều trung tâm có lưu giữ sách của Việt Nam. Thí dụ: kho sách quí của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở ngoại ô Paris; Nhà sách lớn của linh mục Nguyễn Đình Thi ở Mông Tờ Rơi; Thư viện của khoa Việt học, trường đại học Đô Phin,  Trường Đại học Paris 7 và Hội quán của Hội Việt kiều Paris; Phòng sách của nhà văn Đặng Tiến, nhà phê bình Trần Thiện Đạo… "Hay quá, thế là tôi đã tìm được cái cần tìm rồi - anh bạn tôi phấn chấn - Bây giờ tôi nhờ anh An đưa tôi sang Paris một chuyến. Phần chi phí đi lại ăn ở do cơ quan đặt hàng tôi chi trả. Mình không mất tiền đâu".

Nạn móc túi hoành hành vì chúng xem đây là một nghề làm ăn và nếu có phải ở tù thì vẫn sướng hơn phải ở ngoài.

Đến Paris, tôi đưa anh bạn tôi dạo một vòng qua các địa điểm có lưu sách Việt Nam như đã nêu trên. Đến nhà ông Đặng Tiến ở xa Paris hơn 100 cây số. Chúng tôi ở lại ăn cơm. Đến lúc về, ông nói các anh cứ chọn sách và lấy thoải mái vì sắp tới tôi sẽ biếu tặng Việt Nam tủ sách này. 

Nơi cuối cùng anh bạn tôi dừng lại là tủ sách của nhà phê bình Trần Thiện Đạo ở ngay quận 13. Chỉ nghe qua phần giới thiệu của chủ nhà, anh bạn tôi đã quyết định dừng lại lấy tư liệu. Nhưng nhà phê bình Trần Thiện Đạo nói ngay: "Tôi có luật riêng và không thể thay đổi là ai muốn đọc sách của tôi thì chỉ được đọc tại chỗ không được mang về. Nếu đọc cả ngày, tôi sẽ lo buổi ăn trưa".

Không còn cách nào khác, sáng 8h chúng tôi đến. Trưa nghỉ ăn cơm 30 phút lại tiếp tục cho đến 7h tối mới về. Anh bạn tôi dùng máy ipad, trong thế đứng, vừa chụp, vừa quay từng trang của những cuốn sách do tôi chọn theo gợi ý của anh. Cứ thế ròng rã 18 ngày không nghỉ. Đến trưa ngày thứ 19, anh bạn tôi reo lên "xong rồi" và nằm lăn ra sàn nhà ngủ một mạch cho đến 4h chiều.

Ngày hôm sau anh bảo tôi muốn đi thăm thú Paris. Tôi đưa anh lên đồi Mông Mác - một điểm du lịch nổi tiếng của Pháp. Khi leo lên đồi theo lối đi bên phải, đến giữa chừng, chúng tôi gặp một toán phụ nữ da màu, trên tay họ cầm biểu ngữ xin tiền ùa ra. Họ vây chặt lấy chúng tôi, nắm áo, thậm chí có cô còn bá cổ và đồng thanh nói câu xin tiền. 

Tôi vung hai tay để thoát khỏi sự bao vây và quát tướng lên, đuổi các cô gái lui ra. Đến lúc đó, các cô gái mới rời khỏi tôi chạy vào một con hẻm sâu hun hút. Một cô cố nán lại chìa bàn tay về phía tôi gửi nụ hôn gió và mỉm cười rất ý nhị. Tôi đang bực mình vì hành vi có phần lố bịch của các cô gái. 

Bỗng một ông già đi trước tôi dừng lại ghé tai tôi nói nhỏ: "Anh xem có mất gì không". Tôi sờ túi áo ngực lúc này đã bị mở toang, chiếc phong bì đựng 1000 USD Mỹ đã không cánh mà bay. Tôi sững người vì phút lãng quên không thể tha thứ của mình vì dù gì thì tôi cũng đã từng được ví là "khắc tinh của giới chôm chỉa Paris". 

Đúng lúc đó, anh bạn tôi đưa chiếc máy quay mi ni lên và nói: "May quá, máy tôi đã ghi lại được cảnh bọn con gái lấy tiền của An đây này". Tôi nhìn lướt qua và thấy ngay trong đám bao vây tôi có bàn tay mở túi áo lấy đi phong bì tiền rồi mất hút. Mừng quá, tôi quyết định đến đồn cảnh sát gần đó trình báo vụ việc với hy vọng lấy lại được số tiền bị cướp ấy. 

Cô cảnh sát trẻ tiếp tôi, nhanh chóng mượn máy quay của anh bạn tôi đưa vào trong rồi đi ra nói: "Các anh chờ một lúc, bộ phận quản lý đồi Mông Mác đang xử lý".

Khoảng một tiếng sau, cô gái thông báo, lực lượng cảnh sát đã bắt được nhóm móc túi lấy tiền của tôi.

Đang ngồi đợi ở phòng cô cảnh sát, tôi bỗng nghe tiếng khóc và tiếng hét của một người đàn bà da màu làm náo loạn cả khu vực. Sau một hồi khóc lóc, người đàn bà tức tưởi: "Không còn tiền, không còn giấy tờ, tôi về nước làm sao đây, nước Pháp ơi?".

Thấy tôi có vẻ tò mò, cô cảnh sát nói: "Bà ấy người Mô Dăm Bích, bị mất ví cũng ở đồi Mông Mác đấy. Bà ấy đòi chúng tôi phải tìm cho ra bọn ăn cắp, nếu không thì phải cấp tiền và giấy tờ cho bà ấy về nước. Chúng tôi  khuyên bà ấy về sứ quán nước mình để nhờ giúp đỡ nhưng bà ấy cứ gan lỳ ở đây. Nếu bà ấy cứ tiếp tục quậy phá, chúng tôi buộc phải xử lý, cho xe đưa bà ấy về sứ quán Mô Dăm Bích". 

Tôi hỏi: "Vậy trong trường hợp biết rõ kẻ ăn cắp tiền của tôi thì sao?". Cô cảnh sát trả lời: "Chúng tôi sẽ cho anh nhận mặt. Nhưng việc lấy lại tiền thì tôi nói trước là không thể. Anh cần biết rằng, bọn trộm cắp ở Pháp cho việc ăn cắp là một nghề và nếu có bị bắt vào tù thì bọn đó mừng rơn vì chúng biết ở trong tù sướng hơn ở ngoài".

Thế thì còn gì để mà chờ mong nữa. Ăn cắp là một nghề và nhà tù là điểm sống lý tưởng của nhóm người ăn cắp ấy. Đến lúc này tôi mới hiểu, cội nguồn sâu xa của nạn ăn cắp ở Pháp lại phát triển mạnh mẽ đến như vậy. Tôi chỉ biết khuyên những ai đến thăm đất nước Pháp hoa lệ, hãy chú ý cẩn thận và nếu có nhỡ bị mất ví thì tự tìm lấy hoặc tự nguyện vui vẻ xin chào các bạn và hãy tự lo lấy đường về quê mẹ.

Nguyễn Đăng An
.
.
.