Thư gửi hôn

Thứ Sáu, 07/12/2012, 14:55
1/ Một anh ca sĩ đứng giữa sân khấu và hét toáng lên: Nếu ai mua được chai rượu này thì sẽ được hôn tôi! Nụ hôn - nó là một cái gì đó xúc cảm, thuần khiết lắm. Nên nếu ai đó lấy nụ hôn của mình ra để thách thức cho một sự mua bán trao đổi thì người ấy hoặc là chỉ nói cho vui, hoặc là có vấn đề về tâm lý, hoặc là đã quá nhiều lần hôn và được hôn một cách dễ dãi - đến mức quên mất giá trị thiêng liêng, thuần khiết của nụ hôn thứ thiệt.

Tôi chúa ghét cái trò ngồi một chỗ mà suy đoán lung tung về người khác, nên chỉ đưa ra những lý giải ở góc độ "lý thuyết học" và "logic học" một cách chung chung như thế, chứ tuyệt nhiên không dám qui kết, phán xét anh ca sĩ rơi vào trường hợp nào trong ba  trường hợp nói trên. Nhưng dù là trường hợp nào thì với lời thách thức nói trên, có một điều dễ thấy: trong suy nghĩ của anh ca sĩ, nụ hôn là một thứ "rao bán" được!

Mà đã có người "rao bán" thì tất, lẽ, dĩ, ngẫu phải có người trả giá, rồi có người mua - đấy là  qui luật hoạt động muôn thủa của thị trường. Thế nên đã có người trả giá chai rượu tới vài chục triệu rồi đường hoàng bước lên sân khấu, đề nghị anh ca sĩ  phải thực hiện lời thách thức trước đó của mình - nghĩa là phải hôn. Cả làng cả nước cũng biết cả rồi, người thực hiện công việc "dũng cảm", "vĩ đại"  ấy là một thầy tu.

2/ Tôi đã nghĩ, cái mồm ca sĩ (nhất là những ca sĩ giải trí) là cái mồm náo nhiệt, cái mồm màu mè, cái mồm để kiếm… thương hiệu và kiếm cả… cần câu cơm. Còn cái mồm tu sĩ (nhất là những vị chân tu nhà phật) lại là cái mồm tĩnh lặng, cái mồm bình yên, cái mồm tụng kinh niệm Phật để chạm cửa Niết Bàn. Giữa hai cái mồm ấy - hai thế giới ấy - hai từ trường văn hóa ấy tuyệt nhiên, tuyệt đối không có điểm giao thoa. Ấy thế mà chỉ nhờ một chai rượu - một lời "rao bán" - một cuộc ngã giá là hai cái mồm  lại chạm nhau, kết nối với nhau, mà lại kết nối một cách quyến luyến bằng một nụ hôn đấy nhé!

Qua trường hợp này mới thấy vài chục triệu bỏ ra không chỉ mua được những nụ hôn bình thường - những nụ hôn của những cái mồm được quyền hôn nhau theo qui chuẩn đạo đức và luật pháp, mà còn mua được cả những nụ hôn bất thường - những nụ hôn giữa những cái mồm thuộc về hai chân trời, hai âm dương, hai thế giới.

3/ Thật lòng, câu chuyện này đã diễn ra vài tuần rồi, nghĩa là đã nguội lắm rồi, và cả anh ca sĩ lẫn vị tu sĩ cũng đã bị ném đá nhiều lắm rồi. Tôi không có ý ném thêm một viên đá nào nữa, vì cái việc "ném đá…" theo kiểu a dua, a tòng không phải là thói quen của một xã hội văn minh. Ở đây, tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản rằng: Khi một nụ hôn được rao giá - khi nụ hôn ấy được trả giá - và khi công đoạn rao bán - trả giá dẫn tới một sự đụng chạm giữa một cái mồm náo nhiệt với một cái mồm bình yên, một cái mồm màu mè giải trí với một cái mồm chân tu nhà phật thì chắc chắn lịch sử nụ hôn đã chính thức bước sang một chương rất, rất mới của nó rồi.

Cái chương mà ở đấy có lẽ người ta phải ghi rõ câu này: Ở đời, nụ hôn đắt giá  nào cũng có thể mua được và nụ hôn kỳ dị nào cũng có thể xảy ra. Và dĩ nhiên, cái sự "đắt giá" - "kỳ dị" kia nếu không thể mua bằng một chai rượu, thì có thể mua bằng rất, rất nhiều chai rượu!

Ngày mồm, tháng hôn, năm chôn vùi thuần khiết

Phan Đăng
.
.
.