Thư gửi nghệ sĩ

Thứ Hai, 17/09/2012, 15:11
Một cô ca sĩ Thanh Lam bỗng nhiên đăng đàn nói chàng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng cô Hồ Ngọc Hà - hai giám khảo của cái chương trình gì đó trên truyền hình về việc "hai người này  có năng lực gì để dạy dỗ các thí sinh?".

Và thế là anh Đàm từ bên Mỹ bỗng "nhảy tanh bành" với một "huyết tâm thư" bày tỏ sự thất vọng ghê gớm về bậc đàn chị trong nghề. Nghe đâu anh còn tuyên bố từ giờ trở đi không thèm nhìn mặt chị. Cô ca sĩ họ Hồ không phản ứng mạnh mẽ tới mức ấy, nhưng cũng đã treo một dòng status mang rõ hàm ý xỏ xiên trên facebook cá nhân. Tóm lại là trong câu chuyện này, một bà chị lên tiếng coi thường hai em, và thế là hai em cũng lên tiếng coi thường lại bà chị mến yêu một thời. Theo bạn: Chị đúng hay em đúng?

Lướt qua một loạt các diễn đàn, thấy người đứng về phía chị cũng nhiều mà người đứng về phía em cũng không ít, và thế là một cuộc "chiến tranh mạng" bùng nổ - dữ dội, máu me, cay nghiệt không khác gì một cuộc chiến ngoài đời. Tớ đứng ngoài cuộc chiến ấy, bởi tớ tự thấy mình xưa nay không có phẩm chất dũng cảm của một chiến binh. Nhưng có lẽ chính vì đứng ngoài (giống kiểu "cờ ngoài, bài trong" ấy) mà tớ lại nhìn nhận câu chuyện một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn so với những người đứng bên trong.

Minh họa: Lê Tâm.

Và tớ nhìn thế này: bà chị là điển hình cho một kiểu ca sĩ được đào tạo bài bản, lớp lang, nói theo ngôn ngữ của dân trong nghề là một ca sĩ của dòng chính thống. Còn hai người em kia lại là những điển hình rực rỡ của dòng ca sĩ giải trí. Mà sự tồn tại song song, đồng thời của cả dòng chính thống lẫn dòng giải trí, theo tớ là một thực tiễn đáng hoan nghênh của đời sống nghệ thuật đương đại.

Cứ nghĩ mà xem: Một nền nghệ thuật rặt giải trí, rặt những anh anh, em em, múa múa - may may chắc chắn là một nền nghệ thuật tẻ nhạt, suy dinh dưỡng. Nhưng một nền nghệ thuật rặt chính thống, rặt những sự bài bản, lớp lang, lên gân lên cốt thì đấy chắc chắn cũng là một nền nghệ thuật rất đỗi nặng nề. Mà ở đời này, sự TẺ NHẠT QUÁ ĐÀ hay NẶNG NỀ QUÁ ĐÀ đều sẽ để lại những di chứng quái thai cho tâm hồn xã hội.

Nếu hiểu rõ điều đó thì những nghệ sĩ thuộc dòng chính thống cần phải có những sự tôn trọng nhất định tới những nghệ sĩ của dòng giải trí, và ngược lại. Ở trên thế giới, một thái độ tôn trọng như thế đã được người ta đề cập đến từ rất lâu rồi. Nhưng ở ta thì không. Ở ta lâu nay có thói quen là bà "chính thống" thì coi thường, xỏ xiên ông "giải trí" về năng lực, còn bà "giải trí" thì coi thường, chửi bới ông "chính thống" về việc kiếm tiền. Chính cái kiểu chả ai chịu ai như thế khiến cho đời sống nghệ thuật nhiều lúc bị bôi đen, còn người thưởng thức nghệ thuật thì rơi vào trạng thái hoang mang, vô định.

Hỡi tất cả các nghệ sĩ mến yêu, dẫu là những nghệ sĩ đích thực hay trá hình, dẫu là những nghệ sĩ giải trí hay chính thống, dẫu là những nghệ sĩ thông minh hay dại dột, mỏng manh thuần khiết hay vụ lợi, xôi thịt, rốt cuộc là các ông/bà còn tiếp tục coi thường nhau, công kích nhau để tiếp tục duy trì cái sứ mệnh "cao cả" của nghệ thuật là đem tới sự hoang mang, vô định cho công chúng tới khi nào nữa đây?

Ngày nghệ sĩ, tháng coi thường năm chán trường nghệ thuật

Phan Đăng
.
.
.